Đó là một tập tục của người dân tộc Mã Liềng sống ở ngã ba Khe Núng thuộc huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình.
Bản Kè của người Mã Liềng là nơi có 100% hộ nghèo do địa hình khó khăn, cách trở. Nhưng cũng nhờ sự cách trở này mà người Mã Liềng ở đây còn lưu giữ được những tập tục cổ xưa nhất của đồng bào mình.
Sống nhờ nương rẫy nhưng bản Kè hầu như chỉ có đàn ông, người già và trẻ nhỏ ở nhà. Những người đàn ông da đen nhẻm, người chắc nịch như cây gỗ lim, gỗ táu trên rừng chỉ có trách nhiệm địu con, trông nhà, nấu cơm để vợ lên nương rẫy.
Đàn ông Mã Liềng đều ở nhà trông con cho vợ lên rẫy. |
Đang là thời điểm phá đất trỉa ngô nhưng người đàn ông Phạm Kỳ ở bản Kè lại vô cùng nhàn nhã. Tất cả công việc nặng nhọc đã có vợ Kỳ làm hết. Việc chính của Kỳ là trông nom hai đứa út. Một đứa thì địu trên lưng, một đứa nữa thả lăn lóc nghịch đất cát. Cứ sáng ra là Kỳ làm ấm chè xanh, gọi thêm ông hàng xóm chung cảnh “trông con cho vợ lên rẫy” sang... đàm đạo.
Phạm Kỳ bế con đứng trước buồng thiêng. |
Trong căn nhà sàn của Kỳ, căn buồng cuối được thưng kín mít, nằm cạnh một bếp lửa không bao giờ tắt. Trái với công việc “đàn bà” hằng ngày, căn buồng lại là một biểu hiện hết sức gia trưởng của người đàn ông Mã Liềng. Căn buồng ấy được gọi là buồng thiêng, nơi ngủ nghỉ của Kỳ và chỉ có duy nhất người đàn ông này mới được phép bước chân vào.
Những gì được gọi là tài sản trong gia đình cũng tập trung hết ở căn buồng này. Như gia đình Kỳ thì đó là bộ chăn màn đẹp nhất, nồi niêu, xoong chảo và một cây ná bắn chim.
Lạ hơn, kể cả những ngày đông giá nhất thì những đứa con của Kỳ chỉ được phép trải chiếu nằm sàn gần mép cửa chứ không một lần được ngủ trong căn buồng thiêng ấm cúng kia. Bà vợ cũng nằm ở buồng ngoài, mỗi lần muốn đẻ thêm đứa nào đấy thì Kỳ sang, xong việc lại quay về buồng thiêng của mình để ngủ. Cũng may, có lẽ nhờ chuyện ngủ nghê có phần phức tạp này mà nhà Kỳ chỉ mới đẻ có... 7 đứa thôi.