“Miếng bánh” không còn ngọt!
Đã thành thông lệ, mỗi năm VFA lại được Nhà nước hỗ trợ hàng trăm tỷ đồng lãi suất để vay thu mua tạm trữ thóc gạo trong vụ đông xuân và hè thu tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long với số lượng 1,5-2,5 triệu tấn gạo/năm.
Việc chuyển cho địa phương thu mua tạm trữ, theo các chuyên gia kinh tế là không hợp lý. |
Việc được hưởng lãi suất ưu đãi tạm trữ bằng 0% (trong 3 tháng) cho mỗi đợt từ lâu đã được coi là “miếng bánh” béo bở cho các doanh nghiệp (DN) thuộc VFA. Bởi không chỉ được hỗ trợ lãi suất, các DN còn được vay với lãi suất thấp hơn mặt bằng từ 2,5-3% (như vụ đông xuân năm nay), mà còn được các ngân hàng giải ngân và rót vốn nhanh chóng. Lợi như vậy, vì sao VFA lại “bất ngờ” muốn giao “miếng bánh” này cho các địa phương?
Lý giải về điều này, GS-TS Võ Tòng Xuân - chuyên gia về lúa gạo cho rằng, thực tế hiện các kho chứa lúa gạo của các DN thuộc VFA đang đầy ắp và ứ đọng từ vụ đông xuân, do họ chưa bán được và giá đang thấp, hiện các DN đang rất kẹt vốn. “Việc giao cho các địa phương tạm trữ là không khả thi, bởi các tỉnh không có kho, cũng như sân phơi. Vấn đề quan trọng hiện nay là, chúng ta đang giao cho VFA quá nhiều quyền, hàng năm họ thu mua xuất khẩu 6-7 triệu tấn gạo, nhưng lại không mua trực tiếp từ một người nông dân nào của mình, mà toàn mua qua thương lái” - GS Xuân nói.
Trước những thắc mắc của báo giới về chính sách thu mua tạm trữ lúa gạo hiện nay, đó là: Nông dân không lợi, doanh nghiệp kêu lỗ, Nhà nước mất tiền. Vậy, Bộ NNPTNT cùng các bộ, ngành sẽ có giải pháp, phương án nào tốt hơn không, một lãnh đạo của Bộ NNPTNT đã nói thật, đến giờ chúng tôi cũng chưa nghĩ ra, nếu nhà báo có “sáng kiến” gì hay, xin cho biết ý kiến (?!).
Trả lời về lý do gì VFA lại đề xuất giao việc tạm trữ cho các địa phương, ông Trương Thanh Phong- Chủ tịch VFA cho rằng, sở dĩ VFA đề xuất như trên là do các địa phương đề nghị hoài, nên giao thử về xem sao. “Tôi đã làm việc với Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát và Bộ trưởng đã thống nhất đưa việc tạm trữ về cho các tỉnh và sẽ phối hợp với các đơn vị của Bộ để làm. Bộ NNPTNT cũng sẽ trực tiếp giám sát việc này”- ông Phong nói.
TS Võ Hùng Dũng- Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ đánh giá, VFA đã làm một bài toán chưa hợp lý lắm. Khi mà họ là người nắm rõ thông tin, cung - cầu của thị trường của thế giới nhất, mà lại không đưa ra được một chính sách tốt hơn tư vấn cho Nhà nước, vẫn cứ mô hình tạm trữ cũ mà làm.
Từ đó khiến cho vụ đông xuân tạm trữ vừa rồi, họ lỗ chầy hầy ra (trong đó có cả phần lỗ của Nhà nước 200 – 300 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất). Rồi “dỗi” giao lại cho địa phương trong khi họ biết một mình địa phương không thể làm nổi. “Tại sao mấy năm trước họ không giao lại đi khi việc tạm trữ còn là… miếng bánh ngon?”- TS Dũng đặt câu hỏi.
Cũng theo TS Dũng, với tình hình thị trường dự báo vẫn còn nhiều khó khăn, nếu vụ hè thu tới tiếp tục theo mô hình tạm trữ này, có chắc sẽ không lỗ nữa? Khi đó lỗ chồng lỗ, Nhà nước gánh hết, mà nông dân vẫn không được hưởng lợi gì.
Cần đưa VFA vào “quỹ đạo”
Để “giải thoát” cho bài toán tạm trữ, theo GS-TS Võ Tòng Xuân, Chính phủ, Bộ NNPTNT và Bộ Công Thương cần mạnh dạn đưa VFA vào “quỹ đạo”, chứ bây giờ họ chỉ lo cho mình, còn nông dân lúc nào cũng thiệt thòi.
Theo đó, các DN của VFA ở tỉnh nào, cần phải lo vùng nguyên liệu ở tỉnh đó để xuất khẩu, có như thế, mới thoát khỏi cảnh nông dân không được lợi gì. GS Xuân cho rằng, đây chính là cơ hội để Nhà nước đưa các hộ nông dân vào hợp tác xã (HTX). Chỉ có như vậy, chúng ta mới kết hợp được “4 nhà”, tập trung sản xuất trên một diện tích lớn và chúng ta có thể thực hiện phương án tạm trữ qua HTX.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Bích cho rằng: Tháo gỡ câu chuyện tạm trữ hiện nay là một vấn đề không đơn giản. Nói chung, kể cả việc chuyển về địa phương hay đặt vấn đề nông dân tạm trữ đều không ổn. Bởi nông dân ở ĐBSCL có tập quán thu hoạch lúa xong là bán tại ruộng chứ không dự trữ; việc tạm trữ cần chi phí xây dựng kho chứa, chi phí bảo quản, biến động giá trên thị trường, nhất là khi giá xuống thấp… Do đó, vấn đề là chúng ta cần vận hành tốt mô hình cánh đồng mẫu lớn hiện nay để tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.
Ông Trần Quang Củi - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Kiên Giang: Làm khó địa phương
Kiên Giang là một trong những địa phương có sản lượng xuất khẩu gạo cao nhất cả nước, hơn 1 triệu tấn/năm. Ấy vậy mà trong đợt tạm trữ vụ đông xuân vừa rồi, cả tỉnh chỉ được giao chỉ tiêu thu mua có 85.000 tấn, chưa tới 1/10. Chính vì thế lúa gạo vụ đông xuân còn thừa, tồn trong dân rất nhiều.
Chính vì thế, chúng tôi đề xuất Chính phủ giao phần phân bổ chỉ tiêu tạm trữ, thời gian thu mua và địa bàn thu mua về cho UBND các tỉnh điều phối cho hợp lý hơn. Tỉnh sẽ căn cứ vào năng lực của từng DN đóng trên địa bàn mà giao chỉ tiêu thu mua lại. Còn việc quyết định giá thu mua thế nào, mua loại gì và bán ra sao là nhiệm vụ của VFA. Bởi tạm trữ ở đây là tạm trữ lưu thông, chờ giá tốt để bán ra chứ không phải tạm trữ vì thiên tai, lũ lụt, nên VFA không thể “dỗi” mà đá hẳn cả “quả bóng” có phần trách nhiệm của mình sang cho các địa phương được.
Bà Mai Ánh Tuyết - Phó Giám đốc Sở Công Thương An Giang: Sẽ rà soát doanh nghiệp
“Việc địa phương muốn đưa tạm trữ về cho tỉnh là nhằm mục đích đẩy chương trình tới gần người sản xuất hơn. Việc tạm trữ ở địa phương không có nghĩa là loại bỏ các DN ở địa phương khác tới tham gia thu mua tạm trữ. Theo đó, các doanh nghiệp có nhu cầu tạm trữ đăng ký với UBND tỉnh, sau đó, tỉnh sẽ tổng hợp, rà soát năng lực của các doanh nghiệp “sân nhà”, cũng như doanh nghiệp trên các địa bàn lân cận có kho chứa tại địa phương để phân bổ chỉ tiêu tạm trữ.
Ngọc Minh (ghi)
Ngọc Lê - Ngọc Minh - Thuận Hải - Hữu Thông