Dân Việt

Bình Dương gian nan giải cứu BĐS: Những khu đô thị "ma" (Kỳ I)

16/05/2013 12:11 GMT+7
Dân Việt - Khi nhìn lại toàn cảnh quy hoạch nhà ở, đô thị ở đây trong bối cảnh cả nước đang trong cuộc giải cứu bất động sản chưa từng có trong lịch sử, có nhiều băn khoăn và lo lắng đã hiện hữu.

Không phủ nhận tỉnh Bình Dương là một điểm sáng kinh tế của cả nước với rất nhiều khu công nghiệp, khu dân cư, đô thị bên cạnh một thành phố mới Bình Dương đang hiện hữu. Tuy nhiên, khi nhìn lại toàn cảnh quy hoạch nhà ở, đô thị ở đây trong bối cảnh cả nước đang trong cuộc giải cứu bất động sản chưa từng có trong lịch sử, có nhiều băn khoăn và lo lắng đã hiện hữu.

Kỳ 1: Những khu đô thị "ma"

Ai có thể hiểu được cái cảm giác chờ đợi để mong được chạy tháo thân khỏi những khu đô thị "ma" như khu đô thị Mỹ Phước 3 (huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương) như hàng ngàn nhà đầu tư nhỏ lẻ đang mắc kẹt trong đó…

 img
Dãy biệt thự tuyệt đẹp nhưng vắng lặng không một bóng người.

Biệt thự nằm chơ vơ

Nếu không vào khu đô thị Mỹ Phước 3 thì khó có thể hình dung nổi những con đường lộng lẫy từ 6 đến 8 làn xe chạy dài bên những khu nhà mặt tiền liên kế hiện đại đang đóng cửa im lìm như đang trông chờ người chủ ghé thăm.

Đang là mùa nắng nóng đến 38 độ C, đường phố không một người qua lại khiến không gian vốn đã nóng bức càng thêm ngột ngạt hơn. Thi thoảng, những chú bò vô tư dạo quanh dãy phố dường như muốn nghịch cổng những căn nhà sang trọng chỉ vắng chủ nhân, liền bị anh bảo vệ của khu đô thị này lạnh lùng xua đuổi.

Thật không hổ danh là vùng đất mà chỉ cách đây mới vài năm thôi, được xem là thị trường bất động sản đầy tiềm năng. Nơi đây có đến 22 dự án khu dân cư với tổng diện tích 5.299ha, nhưng nay lại quá thưa thớt người. Nhiều dãy nhà trong khu đô thị Mỹ Phước 3 treo bảng bán chẳng ai mua, cho thuê giá rẻ cũng chẳng ai mướn. Mỗi căn nhà phố ở đây tùy theo vị trí mà hiện có giá từ 800 triệu đến 1,2 tỷ đồng. Thời điểm sốt bất động sản năm 2007, có khi được thổi lên đến 2,4 tỷ đồng/căn.

 img

Nhà đẹp nhưng không ai ở đã bắt đầu xuống cấp, mục nát theo thời gian. “Tôi thấy tội nghiệp cho những công nhân ở gần đó, ngày đêm nhìn thấy những căn nhà cửa đóng im ỉm còn mình thì phải thuê mướn phòng trọ mỗi tháng cả triệu đồng” – bác Sáu Khu chỉ tay về phía dãy nhà lầu mặt tiền tiếc nuối.

Dạo quanh phố biệt thự lộng lẫy tại Mỹ Phước 3 ai cũng trầm trồ, thán phục một đại công trình xây dựng làm đổi thay cả vùng quê Bến Cát. Nhưng đi vào đây rồi, điều đọng lại là sự tiếc nuối hùi hụi.

Những căn biệt thự bên ngoài sơn tít hoành tráng nhưng hoang vắng chủ nhân. Điều bất ngờ lớn, biệt thự không người ở dùng để nuôi chim yến. Quan sát tại dãy biệt thự hàng chục căn lợp mái ngói đỏ tươi đẹp, nhưng chưa có người đến sinh sống, chỉ duy nhất có tiếng chim yến kêu râm rang.

“Ôi tiếc quá, căn nhà biệt thự rộng hàng trăm mét vuông dùng để cho yến ở” – anh bạn đi cùng thẫn thờ.

Cuộc “tháo chạy” bất thành

Phải thừa nhận rằng sau thành công vang dội ở Khu đô thị Mỹ Phước 1, chủ đầu tư là Tổng công ty đầu tư và Phát triển công nghiệp – TNHH Một thành viên (Becamex IDC Corp.,) đã tốn rất nhiều tiền của và công sức mới có được hạ tầng tiêu chuẩn tại các khu đô thị tiếp theo Mỹ Phước 2, 3 và 4. Đó cũng là thời điểm quy hoạch bắt đầu có dấu hiệu xa rời nhu cầu thực tế của cuộc sống người dân. Ở thời điểm đó, làn sóng mua bán bất động sản dấy lên ào ạt.

 img

Ông Đào Minh Thuân, một người có nhiều thâm niên kinh doanh bất động sản tại các khu đô thị Mỹ Phước lý giải rằng, hàng ngàn người đã lỡ đổ tiền kể cả vốn vay ngân hàng vào mua nhà và đất, rút chân ra không được nên mắc kẹt lại ở trong đó.

“Bất động sản ở các khu đô thị Mỹ Phước chỉ là giao dịch thương mại, người ta mua đi, bán lại để kiếm lời. Còn bất động sản để ở hầu như không có” – ông Thuân giải thích.

Còn 4 căn nhà chết dí trong các khu đô thị Mỹ Phước mà ông Thuân muốn bán rẻ để trả nợ ngân hàng, nhưng chờ mãi không thấy người mua.

 img

Quá nhiều người mua đi, bán lại nhà đất trong khu đô thị Mỹ Phước. Người nào vay tiền ngân hàng, thế chấp bất động sản thì muốn bán tháo để chạy cũng không được vì ngân hàng “ngáng chân”. Bán cắt lỗ phải có ý kiến đồng ý của ngân hàng. Những người nào may mắn lắm thì mới rút kịp, nhưng số đó rất hiếm hoi.

Qua khảo sát của PV, có nhiều công ty bất động sản ở Mỹ Phước khuyên khách hàng chỉ nên mua đất để đầu cơ trung và dài hạn mà không nên mua nhà để ở!

Phải chăng đây là một nguyên nhân hình thành nên những dãy phố ma không người ở Bến Cát? Ngay cả khi đang đứng giữa lòng khu đô thị Mỹ Phước 3, bên cạnh những căn nhà phố liền kề nguy nga, tráng lệ nhưng cô quạnh này, chúng tôi cũng không thể hình dung được rằng cuộc hội nhập sau giải tỏa như mơ ước đã có những dấu hiệu “đổ vỡ”!

>> Kỳ II: Sống loay hoay giữa đô thị