Dân Việt

Gian nan nghề "bồng" heo dịp Tết

Thân Thị Thanh Trâm 02/02/2014 11:03 GMT+7
Một ngày giáp Tết, ngang qua chợ heo Bà Rén (xã Quế Xuân, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam) tôi mới thấy hết sự khó nhọc của nghề “bồng” heo thuê ở đây.
Nhưng vượt qua những hôi hám, vất vả của công việc, là tình người lung linh tỏa sáng. Họ biết yêu thương nhau, đùm bọc lẫn nhau, và nhường nhau từng đồng tiền lẻ! Và chợ heo Bà Rén, được đánh giá là một trong những chợ heo tồn tại lâu nhất cả nước. Nơi đây, cũng đã lưu giữ những nét văn hóa độc đáo một thời, của người dân xứ Quảng.

img
Bồng heo

Chợ heo Bà Rén được hình thành từ năm 1970, đây là chợ heo đầu mối lớn nhất của miền Trung. Chợ được cất trên một khoảng đất trống, nằm dọc sông Thu Bồn, sát chân đường cái có quốc lộ 1A chạy qua, ngay dưới chân cầu Bà Rén, nên đặt là chợ heo Bà Rén. Hầu hết heo từ những vùng lân cận như Duy Xuyên, Đại Lộc, Thăng Bình... tập trung về đây để cung cấp cho cả nước, hoặc sang Lào, Thái Lan. Nghề bồng heo thuê không biết có từ khi nào, chỉ biết vì sợ heo trầy trụi, nên sau khi bán, không cột heo để đưa đi, mà phải có người ẵm bồng ra đến tận nơi cho thương lái.

Một cảnh bồng heo
Một cảnh bồng heo

Khu chợ nhộn nhịp bởi cảnh chạy tới, chạy lui của các chị bồng heo thuê. Những ông “Thiên Bồng Nguyên Soái” ngoan ngoãn nằm im lìm trên vóc dáng nhỏ bé, nhanh nhẹn của họ, để người mua thoải mái kén chọn, trả giá.

Những ông thiên bồng nguyên soái
Những ông "thiên bồng nguyên soái"

“Đội quân” bồng heo thuê, đó thường là những người phụ nữ trên 40 tuổi, đến từ mọi vùng quê nghèo. Vì cuộc sống vất vả, thu nhập thấp, nên họ tập trung về đây để...bồng heo thuê! Một phần họ muốn cải thiện cuộc sống khi thất nghiệp, một phần tranh thủ những lúc “nông nhàn” khi cày cấy xong vụ lúa, trồng xong rẫy ngô.

Khác với không khí bán hàng hóa Tết như ở các khu chợ khác, chợ nơi đây những ngày giáp Tết cũng tấp nập hơn, nhưng là cảnh nhớp nháp, ngập ngụa đầy phân heo, và tiếng lợn kêu eng éc... Những chú lợn giống bán tại chợ là một tài sản của người nông dân, họ mua về, nuôi cho những ngày sau Tết. Và trên hết là sự đùm bọc của những người đàn bà nghèo khổ này, họ luôn nở những nụ cười thân thiện.

Một góc của chợ heo
Một góc của chợ heo

Bà Trần Thị Thảo (60 tuổi, trú tại xã Quế Xuân, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam), người được xem là lớn tuổi nhất trong “đội ngũ” bồng heo thuê, với “thâm niên” nghề hơn 20 năm. Bà Thảo cho biết: “ Con cái thì đứa mô có phần nấy rồi, mỗi ngày già đến chợ này để bồng heo thuê. Vì tuổi cao, có những lúc bồng một con heo khoảng 30 kg, heo nặng nhưng cũng phải ráng sức mà bồng, sơ sảy là heo chạy mất như chơi. Bồng heo cũng cần có bí quyết và kinh nghiệm. Bồng xong già đứng thở hùng hục, nhưng có thêm dăm ba đồng lại thấy vui”.

Nhìn bóng dáng lom khom của bà Thảo, chúng tôi thấy chạnh lòng cho cuộc sống đầy vất vả của bà, khi tuổi tác của bà đã về đến ngưỡng xế chiều. Tiếng lợn kêu eng éc, tiếng trả giá mua bán, và những khuôn mặt đầy nhăn nhó của các chị, các bà dưới sức nặng của những con heo góp phần tô thêm vào bức tranh cuộc sống muôn màu muôn vẻ, về sự vất vả của những người đàn bà xứ quảng khi chọn lấy cái nghề này.

Mỗi ngày một phiên, chợ bắt đầu từ tờ mờ sớm, cho đến 9h sáng là tan chợ. Và trong cái nhạt nhòa của buối sớm, trong cơn ngái ngủ, những người phụ nữ của “đội quân” bồng heo thuê này đã có mặt từ bao giờ, để chờ đợi những chuyến heo được vận chuyển từ khắp mọi nơi đổ về.

Họ bắt đầu công việc bồng heo, từ vị trí này sang vị trí khác theo yêu cầu của người thuê. Những người đàn bà nông dân như nhỏ dần đi dưới sức nặng ì ạch của những con lợn, mà chủ thuê nhờ ẵm. Nhưng không ai ngờ, giá của mỗi lần bồng heo thuê như vậy, lại rẻ mạt đến bất ngờ từ 1.000 -2.000 đồng/1 con. Giữa thời kinh tế thị trường như vậy, giá cả tăng vọt, những đồng tiền lẻ sau mỗi phiên chợ heo tích góp lại, để họ có thêm phần trang trải cuộc sống. Khó khăn là thế, rẻ mạt là thế, nhưng ai cũng cố gắng “bám nghề”, cái nghề mà chỉ có trên đất Quảng này mới có!

Cùng với công việc làm nông, hằng ngày tranh thủ thời gian rỗi rãi vào mỗi buổi sáng, vợ chồng chị Nguyễn Thị Xí ( 49 tuổi, trú tại xã Quế Xuân, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam) cho biết: “Tranh thủ vào mỗi sáng, vợ chồng tôi đến đây bồng heo thuê, để kiếm thêm thu nhập. Nghề ni có một không hai, vất vả lắm. Nhưng chúng tôi xem đó như là niềm vui, vì dù sao mỗi ngày chúng tôi cũng có thể kiếm thêm vài chục ngàn để dành dụm nuôi con ăn học. Hiện hai đứa con tôi đều học đại học cả. Đứa lớn theo học đại học kiến trúc Hà Nội, đứa nhỏ học công nghệ thông tin”.

Chị Xí
Chị Xí
img

Mỗi ngày có khoảng 8 đến 10 ngàn con heo từ khắp mọi nơi trong vùng tập trung về đây. Heo về càng nhiều, thì sự vất vả của những người phụ nữ này càng nhiều hơn. Nhưng bù lại, họ kiếm thêm thu nhập để trang trải trong gia đình. Tuy vất vả, nhưng họ biết sống vì nhau và thương nhau lắm. Những hôm nào trong “đội” có ai bị ốm, thì mỗi người gom góp với nhau vài ngàn, khi thì lon sữa, có khi nải chuối.

Mỗi người mỗi mảnh đời, nhưng họ biết thương nhau và sống vì nhau, cùng nhau bám víu cào cái chợ heo để tồn tại. Và chợ thường là nơi để cãi cọ, là chốn xô bồ, nhưng với những người phụ nữ này, họ có thể sẵn sàng nhường nhau từng miếng ăn, từng đồng tiền lẻ khi thấy “đồng nghiệp” của mình túng thiếu, cơ hàn. Chút tình người ấm áp, đầy nghĩa tình đã vượt lên từ cái chợ heo đầy nham nhở, khổ cực ấy.

Phải chăng, đây cũng là một nét đẹp văn hóa còn tồn tại từ lâu đời của đất và người xứ Quảng. Và bài học sâu sắc về chợ đời, chợ người cứ ám ảnh chúng tôi mãi khi rời ngôi chợ này.