"ATM gạo" cho người nghèo tại địa chỉ 204B Vườn Lài, quận Tân Phú, TP.HCM
Đôi mắt đã trũng sâu vì mỏi mệt, Hoàng Tuấn Anh có những chia sẻ rất chân thật xung quanh việc hỗ trợ cộng đồng trong dịch Covid-19, khi đâu đó có người nói rằng anh đang PR, "đánh bóng tên tuổi"…
"ATM gạo" đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam khiến nhiều người biết đến cái tên Hoàng Tuấn Anh (SN 1985), Giám đốc Công ty PHG Lock. Thế nhưng, ít ai biết, đây chính là ông chủ doanh nghiệp đã thuê chuyên cơ, tài trợ toàn bộ vé máy bay, vé xem trận chung kết và chi phí ăn uống cho 200 người hâm mộ bóng đá Việt Nam. Cách đây vài tháng là trận chung kết U23 châu Á tại Thái Lan; trước đó là lần đội tuyển Việt Nam tranh huy chương đồng ASIAD 18 tại Indonesia.
Trong 2 chuyến đi ấy, có nhiều người lao động nghèo và cả người khuyết tật vì anh nghĩ "họ chẳng dễ có cơ hội đi nước ngoài".
Sau Tết Nguyên đán 2020, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trong nước, Tuấn Anh tài trợ hơn 100 chiếc chuông cửa camera cho các bệnh viện dã chiến Củ Chi, Cần Giờ và Viện Pasteur TP.HCM. Bởi, việc tặng những thiết bị thông minh có thể hạn chế lây nhiễm cho những người đang ở tuyến đầu chống dịch.
Anh đã tạo ra cây "ATM gạo" như thế nào?
- Tôi thấy trong mùa dịch, có nhiều người muốn tặng nhu yếu phẩm cho người nghèo, nhưng nếu phát thủ công và tập trung đông người thì rất dễ xảy ra việc lây lan dịch bệnh. Để hạn chế dịch lây lan trong việc phát gạo, tôi đã tận dụng máy móc có sẵn của công ty về ngành khóa thông minh và nhà thông minh rồi đem chế tạo ra chiếc máy phát gạo tự động 24/24h.
Cấu tạo của máy bao gồm một nút bấm kết nối với một van tự động và một thùng chứa gạo được điều khiển thông minh qua phần mềm, nhờ vậy mà có thể quản lý được người nhận (có đúng người nghèo hay không và người đó có đến lấy nhiều lần trong một ngày không).
Những người có hoàn cảnh khó khăn khi đến nhận gạo phải xếp hàng cách nhau 2 mét và không tập trung quá 10 người để có thể rút gạo tự động. Người nhận khi đến chỉ cần bấm nút, gạo trong máy tự động chảy ra. Mỗi lần lấy được khoảng 1,5 - 2 kg.
Ban đầu, tôi dự kiến trong khả năng của mình mỗi ngày nạp vào máy 500 kg gạo. Thế nhưng, từ khi khai trương đến nay, lượng người đến càng ngày càng đông. May mắn là trong những ngày gần đây, nhiều nhà hảo tâm cùng chung tay với tôi, họ chở gạo đến để cùng chia sẻ cho những người khó khăn.
Nhiều người gọi máy phát gạo tự động mà tôi chế tạo là cây "ATM gạo", người thì gọi là "ATM niềm tin" – niềm tin vào xã hội vì còn có rất nhiều người có tấm lòng hảo tâm dang tay giúp đỡ người nghèo trong cơn khốn khó.
Cách làm từ thiện của anh có vẻ chẳng giống ai?
- Đến thời điểm này, vẫn có nhiều người nghĩ 4.0 là cái gì đó xa lạ, tôi chỉ là người bình dân hoá nó. Đơn cử như máy phát gạo, người nghèo cũng có thể sử dụng và hưởng lợi, họ không cần phải chen lấn, chờ đợi quá lâu để được nhận gạo. Hôm nay tôi vừa chế thêm cái cần cẩu, sau này khâu cẩu gạo từ dưới đất lên bỏ vô thùng sẽ không mất sức người nữa.
Tôi là dân cơ khí, khi cần gì tôi sẽ liên tưởng tới logic cơ bản. Hồi đi học, tôi không học đáp số mà chỉ học phương pháp thôi. Có vài trăm phương pháp, chỉ cần suy từ đó là ra hết. 100 phương pháp có thể giải cả triệu, cả tỷ bài toán còn đáp số thì có cả tỷ, ai mà học cho nổi!
Có một câu nói: Cuộc sống này là đi giải quyết những vấn đề. Cuộc sống của tôi cũng vậy, có rất nhiều vấn đề cần giải quyết. Tôi muốn giải quyết vấn đề của mình theo cách tối ưu nhất, không nhất thiết phải giống với số đông.
Chia sẻ với người nghèo, còn bản thân anh đã bao giờ sống trong cảnh nghèo khó chưa?
- Thế hệ tôi may mắn sinh ra khi đất nước đã vượt qua khoảng thời gian khó khăn hậu chiến, tôi được ba mẹ cho đi du học tự túc. Nói nghèo thì không đúng, nhưng từ nhỏ ba đã rèn cho tôi tính cần cù lao động.
Từ lớp 5 tôi hay được ba đưa ra nông trại làm nông dân, tự tay vắt sữa, hốt phân bò, tắm heo, tát ao bắt cá… đủ cả, thực ra tuổi thơ như vậy rất vui. Nó cũng hình thành cho tôi thói quen không ngại khó, ngồi không tôi thấy khó chịu. Nói vậy để thấy rằng cuộc sống của tôi lúc nào cũng gắn với lao động dù không phải quá thiếu thốn.
Tôi học tập và sống ở Úc 13 năm. Khi còn học đại học, tôi đã bắt đầu khởi nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ. Bằng số vốn nhỏ tích luỹ được, tôi từng đầu tư vào thực hiện dự án lắp đặt tấm cách nhiệt miễn phí cho các hộ dân, theo chủ trương của Chính phủ Úc. Tôi còn nhớ như in thời điểm đó là năm 2007, chỉ trong 6 tháng, tôi đã kiếm được 1 triệu USD. Nhưng không ngờ chỉ 1 năm, Chính phủ Úc cho dừng chương trình này.
Đã nhập hàng trăm container hàng, mỗi container trị giá tầm 25.000 - 30.000 USD. Mỗi container đối với tôi "quý như vàng", nhưng chỉ vài tiếng đồng hồ tôi mất trắng!
Thiệt hại lúc ấy quá nặng nề, bởi ngoài vốn liếng đã đổ vào nhập nguyên liệu, tôi còn phải chịu thêm chi phí tiêu hủy khoảng 2.000 USD/container. Trong 5 giờ đồng hồ, tôi chẳng còn gì trong tay…, thế là hết!
Tôi rơi vào trạng thái khủng hoảng tinh thần. Trong tôi bị đè nặng suy nghĩ: Mình sẽ tự tử! Nhưng dường như có linh tính, mẹ tôi gọi điện sang và nói: "Con có khó khăn gì thì nói mẹ sẽ giúp!". Mẹ chính là vị cứu tinh của tôi khi ấy.
Giờ thì bà mất rồi, tháng 3 (âm lịch) này cũng là dịp giỗ tròn năm của mẹ.
Tại sao anh quyết định trở về Việt Nam?
- Thực sự nhiều người cũng đặt câu hỏi là tại sao tôi không ở Úc lập nghiệp. Tôi còn ba mẹ đã lớn tuổi, tôi muốn ở cùng để chăm sóc. Ngoài ra, tôi thấy ở Việt Nam có cái hay là đất nước đang phát triển nên còn rất nhiều cơ hội cho mình. Nói nôm na như ngành khoá điện tử, lúc mình làm nó là số 0, giờ nó là con số 1%, tức là còn 99% cho mình chinh phục. Chỉ có điều những người nào kiên trì mới có thể làm được.
Đối với một người trẻ 25 tuổi, tôi nghĩ không nhiều người có sức chịu đựng được 10 năm không lợi nhuận. Như tôi phải "đắp" tiền của gia đình bỏ vào thêm. Lúc đó ngành khoá điện tử tại Việt Nam là con số 0, giờ lên được 1% cũng là nhiều. Lúc đó người ta hầu như chưa biết nó là gì, mình là người khơi dậy nhu cầu sử dụng khoá điện.
Đặt mục tiêu kinh doanh khoá điện tử 10 năm sẽ có lợi nhuận nhưng dịch bệnh nên đợt này khó khăn thực sự, nhưng đã làm rồi thì mình cứ tiến tới thôi. Nhìn lại quá khứ rồi chán nản cũng không hay.
Dịch Covid-19 khiến việc kinh doanh của anh ảnh hưởng như thế nào?
- Tôi chưa từng thấy giai đoạn nào khó khăn như giai đoạn này. Bản thân tôi ngoài việc sản xuất khoá điện tử thì 50% hoạt động kinh doanh đến từ bất động sản. Tuy nhiên, dịch Covid-19 đã làm cho doanh thu sụt giảm nghiêm trọng.
Vì vậy, thực sự là tôi không có tiềm lực quá lớn để hỗ trợ cộng đồng nhưng may mắn là tôi bỏ ra 0.1% sức sáng tạo và là cầu nối, giúp 99,9% sự đóng góp của các "Mạnh Thường Quân" đến được với những người khó khăn. Bản thân mình chỉ đóng góp 0.1% mà tạo ra giá trị hưởng ứng đến 100% thì với mình đó là lợi nhuận về tình nghĩa. Thế là quá đủ rồi!
Người nghèo có cơm, cháo là điều đáng trân trọng
"ATM gạo" được tạo ra để phục vụ người nghèo, liệu anh có ngại việc phát nhầm đối tượng?
- Tôi cũng đã xem một số video một số người ăn mặc sang trọng đến nhận quà từ thiện tại các điểm phát quà từ thiện. Trường hợp đó xảy ra tại điểm phát gạo, tôi sẽ hỏi họ có khó khăn gì không.
Một số tài xế xe công nghệ đến nhận gạo, trông họ cũng khoẻ khoắn, vậy là tôi nói họ đưa cho tôi coi ứng dụng chạy xe, thì đều là con số 0 hết. Với một người trụ cột trong gia đình vơi thu nhập là 0 đồng thì việc họ nhận một bịch gạo về, con họ có tô cháo, vợ và ba mẹ của họ có bát cơm, với tôi đó là điều đáng trân trọng.
Một số người đến nhận gạo nhiều lần, xếp một hàng dài, đến lúc máy từ chối họ cũng nản. Tự họ sẽ đồn với nhau: "À, chiếc máy này không thể lợi dụng được đâu!". Hiện những người nhận nhiều lần cũng dần từ bỏ.
Thực sự máy móc chỉ giải quyết được 80-90%, tình cảm con người máy không hiểu được. Trường hợp các cụ già đến, tôi mang bao gạo 5kg tặng để các cụ không phải xếp hàng, hoặc những trường hợp đặc biệt, mình có thể giải quyết bình thường.
Tôi đặt mỗi lần máy cho 1,5kg vì nó tương đương 6 lon gạo, một gia đình ăn tằn tiện chút xíu thì sẽ được 6 ngày. Tuy nhiên, 1,5kg gạo này chỉ tương đương với mười mấy ngàn đồng thôi, nếu những người khá giả vì mười mấy ngàn xếp hàng nửa tiếng, 1 tiếng để nhận 1,5kg gạo thì có lẽ họ cũng thực sự cần được hỗ trợ.
Điều anh chia sẻ làm tôi nhớ đến nhận xét của một bạn đọc: "ATM gạo" là sản phẩm được tạo ra bằng trí tuệ và cả sự thiện lương…
-Phật giáo dạy rằng, lương thiện cũng là một loại trí tuệ, hơn nữa còn là trí tuệ đỉnh cao bởi để thiện thì cần có sự hiểu biết, phân biệt tốt xấu đúng sai và kiềm chế được bản thân, không bị hoàn cảnh xung quanh làm ảnh hưởng. Vì thế, làm người khó nhất không phải là giàu có, thành công, nổi danh mà khó nhất là lương thiện.
Anh có kế hoạch gì để lan toả mô hình máy phát gạo tự động?
-Tôi là người biết lượng sức mình. Ví dụ, trước đây tôi vốn học ngành xây dựng, anh rể tôi cũng làm ngành này. Sau một công trình lớn, anh ấy sụt liền 20kg, nhìn vào đó nên tôi mới chuyển hướng kinh doanh.
Việc phát gạo bây giờ cũng vậy, làm tới ngày thứ 3 tôi thấy cũng quá sức mình, không có kham nổi. Máy móc cũng đã tương đối ổn định, 3 điểm sắp tới tôi vẫn sẽ quản lý 50%, còn những điểm sau sẽ do các "Mạnh Thường Quân" tự đứng ra tổ chức.
Với tôi, muốn đi xa phải đi cùng nhau. Người góp sức, người góp công thì mới lan rộng ra được. Khi tôi làm ra chiếc máy, mọi người đã tích cực góp gạo, hi vọng những tấm lòng hảo tâm sẽ góp tiền của, công sức để nhân rộng tại các địa phương khác. Nếu có 100 điểm, có thể giúp được khoảng 100.000 người khó khăn trong mùa dịch này.
Tôi được truyền cảm hứng rất lớn từ những nỗ lực của Chính phủ. Những người bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 không chỉ được khám chữa bệnh, cách ly, ăn uống miễn phí, thậm chí còn có những chuyến bay miễn phí để họ quay trở về quê hương.
Giữa dịch nhiều người tự hào vì mình là người Việt, rất nhiều Việt kiều ở nước ngoài đã về Việt Nam tránh dịch, rõ ràng Chính phủ đã làm được những điều tuyệt vời. Là một công dân, bản thân tôi cảm thấy mình có trách nhiệm cùng chia sẻ khó khăn với Chính phủ, cùng góp sức vượt qua mùa dịch.
Xin cảm ơn anh!