Dân Việt

Tạm dừng xuất khẩu gạo: Đừng lo "mất" thị trường

Thanh Phong 11/04/2020 17:08 GMT+7
Trao đổi với Dân Việt, Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy cho biết, trong bối cảnh hiện tại, cần nhìn nhận vào các bài học trong quá khứ cũng như phân tích thị trường thế giới để có được hướng đi đúng đắn cho hạt gạo của Việt Nam.

Trong thời gian vừa qua, Bộ Tài chính đề nghị tạm dừng xuất khẩu gạo tẻ thường đến hết ngày 15/6/2020 để đảm bảo thu mua đủ lượng gạo dự trữ quốc gia như kế hoạch năm nay là 190.000 tấn gạo và 80.000 tấn lúa. Ông đánh giá thế nào về đề xuất này?

Đề xuất dừng xuất khẩu gạo đến ngày 15/6 của Bộ Tài chính chủ yếu là về các loại gạo phẩm cấp thấp. Đối với các loại gạo chất lượng cao như gạo dẻo, gạo nếp vẫn nằm trong kế hoạch xuất khẩu.

Nguyên nhân của đề xuất dừng xuất khẩu là do các loại gạo phẩm cấp thấp như vậy, trong năm nay người dân tại Nam Bộ cấy rất ít. Tuy nhiên, những loại gạo như vậy lại được người tiêu thụ nhiều và nằm trong kế hoạch dữ trữ quốc gia. Ngoài ra, các cơ quan chức năng khi dự trữ cũng cần tính toán tới việc cần "đảo" giữa số gạo mới và cũ.

Ngoài ra, theo tôi đánh giá, việc chỉ nói về việc xuất nhập khẩu hoặc dự trữ chỉ nói về gạo là chưa thật chính xác, vì có rất nhiều đơn vị còn thu mua cả lúa. Nguyên nhân là do lúa thì có thể lưu trữ được 18 tháng, còn gạo chỉ được hơn 7 tháng. Do đó, đôi khi người ta phải mua cả lúa để dự trữ.

Trong mùa vụ năm nay, sản lượng gạo vẫn đủ xuất khẩu ước tính từ 6 đến 6,5 triệu tấn. Tuy nhiên, chúng ta đã có "bài học" từ năm 2008, nếu dừng hẳn hoạt động xuất khẩu sẽ khiến tình trạng người dân không còn vốn để tái đầu tư.

img

Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy

Xin ông cho biết thêm về các "bài học" trong việc xuất khẩu gạo của Việt Nam trong quá khứ? Liệu rằng chúng ta có thể rút kinh nghiệm như thế nào trong bối cảnh hiện tại?

Đầu những năm 1980, miền Bắc bị thiếu hụt lương thực nặng nề. Do cơ chế cũng như tình hình giao thông vận tải ngày ấy, nếu chuyển lương thực từ miền Nam ra miền Bắc giá sẽ khá cao. Khi đó, Bộ trưởng Bộ Lương thực (nay là Bộ NN&PTNT) ông La Lâm Gia đã đưa ra một đề xuất táo bạo là "xuất Nam, nhập Bắc".

Theo đề xuất này, miền Nam đang thừa gạo thì có thể cho xuất khẩu lấy ngoại tệ. Còn miền Bắc thiếu lương thực, thay vì lấy gạo từ Miền Nam ra thì nên cho nhập khẩu gạo phẩm cấp không cao với giá về đến Việt Nam rẻ so với gạo đưa từ miền Nam ra.

Tuy nhiên, đề xuất táo bạo này của ông La Lâm Gia đã không được chấp thuận. Sau này, nhiều chuyên gia ngành lương thực cho rằng, đề xuất của ông La Lâm Gia tuy rất táo bạo nhưng hoàn toàn đúng đắn và hoàn toàn có thể thực hiện được vào thời điểm đương thời.

Năm 1987, khi Việt Nam bị thiếu tới 1 triệu tấn lương thực, có doanh nghiệp ở phía Nam cũng đề nghị Hội đồng Bộ trưởng cho phép xuất khẩu gạo. Lúc đó, đề nghị này bị coi là điên rồ bởi cả nước đang thiếu gạo thì lấy đâu ra gạo mà xuất.

Tuy nhiên, trên thực tế, ở các tỉnh Nam Bộ, lúa gạo trong dân vẫn còn khá nhiều. Nhưng do chính sách thu mua 1 giá, tức là giá lúa nghĩa vụ hay lúa dư được Nhà nước thu mua theo chương trình huy động lương thực, đều chỉ có một giá như nhau và rất thấp khiến nông dân bị lỗ.

Điều này làm cho nông dân phải giấu bớt lúa dư (ngoài lúa nghĩa vụ) để lén bán ra thị trường tự do. Cũng do cơ chế thu mua không hợp lý nên việc điều tiết lương thực ngày đó gặp nhiều khó khăn trở ngại, góp phần gây thiếu lương thực, trong khi vẫn còn gạo trong dân.

Đến năm 2008, bài học về xuất nhập khẩu gạo vẫn còn nguyên. Năm 2008, khi mà Việt Nam đang xuất gạo với giá 900 USD một tấn (giá hiện tại gần 400 USD) thì có lệnh ngừng xuất khẩu khiến giá gạo giảm còn trên 300USD.

Trong khi Thái Lan mở kho xuất đi ào ào thì dân mình cay đắng chở gạo đi bán lẻ trước cổng các khu công nghiệp. Sau này, giới kinh doanh đánh giá, Việt Nam đã đánh mất một cơ hội xuất khẩu gạo với khối lượng lớn và giá rất tốt.

Nhiều chuyên gia cũng đánh giá là ở Việt Nam, gạo là mặt hàng mà nguồn cung có thể được bổ sung sau 3 - 4 tháng, nên việc lo sợ quá mức về thiếu hụt nguồn cung đã dẫn tới việc đánh mất cơ hội cho cả người sản xuất lúa gạo (nông dân) lẫn các nhà xuất khẩu.

img

Không nên vì "quá sợ" mà dừng xuất khẩu gạo, đẩy người dân vào "thế khó".

Vậy theo đánh giá của ông về hoạt động sản xuất lúa trong năm nay như thế nào và giá trị của hạt gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế ra sao?

Theo Bộ NN&PTNT, tổng sản lượng thóc năm nay ước khoảng 42 – 43,5 triệu tấn. Nếu cộng với số thóc, gạo dự trữ Quốc gia là 7,5 triệu tấn và hơn 1,5 triệu gạo tồn kho năm 2019 chuyển sang, thì nhiều chuyên gia dự tính Việt Nam vẫn an toàn – nếu xuất khẩu 6 – 6,5 triệu tấn gạo như năm 2019.

Nói về "sức mạnh" và "giá trị" của hạt gạo Việt Nam tại thời điểm hiện tại ra sao? Xin được dẫn chứng rằng, khi nghe tin Việt Nam tạm dừng xuất khẩu gạo (ngày 23/3/2020), thì ngày 24/3, Hiệp hội các nhà buôn Hong Kong đã gửi thư tới Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA).

Ngày 26/3, Bộ trưởng Tài chính Philippin đã điện cho Bộ trưởng NN&PTNT Việt Nam. Ngày 27/3 Úc đã điện gửi Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Việt Nam đều muốn nhập khẩu gạo và cam kết là thị trường ổn định trong giao thương.

Về phía Hàn Quốc cũng đang cân nhắc khả năng mời thầu đợt tháng 5 tới đây, với lượng nhập khẩu dự kiến là 50% tổng hạn ngạch hơn 55.000 tấn gạo dành cho Việt Nam năm nay.

Điểm cần bàn luận ở đây là, nhiều nước bị Covid-19 làm xáo trộn, chưa chuẩn bị kịp nguồn lương thực dự trữ lâu dài. Đây là cơ hội tốt cho lúa gạo Việt Nam tính toán xuất khẩu và chủ động mặc cả về giá với khách hàng hợp đồng mua.

Ngoài ra, Việt Nam còn có một lợi thế, là với Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) sẽ có hiệu lực vào tháng 7/2020, việc tận dụng hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm mà EU dành cho Việt Nam, sẽ là cơ hội tốt để Việt Nam thu hẹp bất lợi trong cạnh tranh và mở rộng thị trường gạo cao cấp này.

Xin cảm ơn ông!