Dân Việt

Cách ly xã hội thêm 1 tuần, kinh tế phục hồi càng nhanh?

Huyền Anh 13/04/2020 16:15 GMT+7
Nếu như kéo dài thời gian cách ly xã hội thêm 1 tuần, doanh thu có thể giảm 5 đồng, nhưng nếu không thực hiện cách ly và để dịch bệnh lây lan, bùng phát mạnh thì có thể mất tới 10 đồng và có thể còn hơn thế nữa. Cách ly xã hội càng triệt để, kinh tế phục hồi càng nhanh.

Như Dân Việt đã đưa tin, tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.Hà Nội sáng 13/4, PGS.TS Trần Như Dương - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, Tổ trưởng Tổ công tác Bộ Y tế phân công hỗ trợ Hà Nội nhìn nhận, trong thực hiện cách ly xã hội, những ngày đầu cho thấy người dân chấp hành rất nghiêm, nhưng những ngày gần đây đã có hiện tượng chủ quan, người dân ra đường đông hơn.

"Nếu không cách ly xã hội nghiêm ngặt thì biện pháp cách ly xã hội cũng bằng thừa", ông Dương nhấn mạnh và cho biết, nếu lấy ý kiến ông về thời gian cách ly xã hội, ông sẽ đề xuất cần cách ly ít nhất 1 tuần nữa, nhưng phải cách ly xã hội một cách nghiêm ngặt. "Cách ly xã hội là để dịch bệnh không lây lan, nếu có phát bệnh thì chỉ ở một chỗ", ông nói.

img

PGS.TS Trần Như Dương - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, Tổ trưởng Tổ công tác Bộ Y tế phân công hỗ trợ Hà Nội đề xuất cần cách ly ít nhất 1 tuần.

Tăng áp lực tài chính với người dân, doanh nghiệp

Đánh giá về đề xuất này, giới chuyên gia kinh tế cho rằng, đó là việc cần thiết, phải làm nếu như tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, mặc dù động thái này sẽ gia tăng áp lực tới người dân, doanh nghiệp và bao trùm hơn nữa là tác động tới kinh tế vĩ mô.

Theo TS. Nguyễn Minh Phong, cách ly xã hội không phải là ngăn cấm giao thông, không phải "ngăn sông cấm chợ", chưa phải phong toả xã hội. Mục đích của cách ly xã hội là để bảo vệ sức khoẻ, tính mạng của nhân dân, người lao động; Chúng ta vẫn phải duy trì sản xuất, lưu thông hàng hoá an toàn, nhất là hàng thiết yếu, vật tư y tế, hàng hoá xuất khẩu, duy trì xuất khẩu bình thường bằng đường biển, đường bộ. Ứng dụng tối đa công nghệ thông tin để làm việc tại nhà, nhưng vẫn bảo đảm tốt tiến độ, chất lượng công việc.

Người dân chỉ ra đường khi thực sự cần thiết, như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa, dừng hoạt động và các trường hợp khẩn cấp khác…

Do đó, đương nhiên kéo dài thời gian cách ly sẽ làm giảm nguồn thu của doanh nghiêp ví dụ như doanh nghiệp sản xuất ra nhưng lượng tiêu thụ thấp do ảnh hưởng của cách ly xã hội hay như các hộ kinh doanh cá thể… giảm nguồn thu trong khi đó vẫn phải gánh rất nhiều chi phí trong khoảng thời gian cách ly như chi phí thuê mặt bằng, chi phí lãi vay, chi phí nhân sự và các loại chi phí khác. Với người dân, thu nhập giảm, người lao động có thể mất việc, năng suất lao động giảm trong thời gian cách ly… "Như vậy, các gánh nặng này đối với người dân, doanh nghiệp cũng tăng lên nếu giãn cách xã hội thêm 1 tuần. Tuy nhiên, về nguyên tắc trên thế giới, cách ly kéo dài là cần thiết", ông Phong nhấn mạnh.

Dưới góc nhìn của mình, TS Cấn Văn Lực thừa nhận, giãn cách xã hội thêm 1 hay 2 tuần nữa cũng không thành vấn đề gì nhiều, nếu cần thiết phải cách ly thêm.

Ông Lực nói, "chúng ta đã cách ly 2 tuần, nếu cần thiết phải cách ly thêm 1 tuần nữa cũng phải chấp nhận. Tất nhiên là người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế sẽ gặp thách thức lớn hơn, khó khăn hơn. Nhưng quan điểm hiện nay phòng chống dịch vẫn là ưu tiên hàng đầu".

Mất 5 đồng hay để mất 10 đồng?

Cũng phải nói thêm rằng, thế giới đã chứng minh cách ly xã hội có tác động tới nền kinh tế nhưng không phải là đánh đổi. Có nghĩa là nếu như bây giờ không cách ly thì hậu quả của nó tệ hại hơn nhiều so với việc thực hiện cách ly.

"Nếu như kéo dài thời gian cách ly khi dịch bệnh còn diễn biến phức tạp thì doanh thu có thể giảm 5 đồng, nhưng nếu không thực hiện cách ly thêm để dịch bệnh lây lan, bùng phát mạnh thì không phải giảm 5 đồng mà sẽ giảm 10 đồng. Nó không phải là đánh đổi mà là bài toán phải tính toán. Tất nhiên, nếu cách ly trong 1 tuần nữa thì trong 1 tuần này chúng ta phải bắt tay vào chuẩn bị về tinh thần, về cơ sở vật chất về tâm thế để sau khi hết cách ly có thể quay trở lại hoạt động với hiệu quả tốt nhất. Cách ly xã hội càng triệt để, kinh tế phục hồi càng nhanh", TS. Cấn Văn Lực phân tích.

Điều này đã từng được chứng minh trong một nghiên cứu về đại dịch cúm năm 1918 tại Mỹ. Nghiên cứu này cho thấy, các biện pháp mạnh như cách ly xã hội sẽ giúp phục hồi nền kinh tế sau dịch bệnh.

Vào thời điểm đại dịch cúm 1918 xảy ra tại Mỹ, các thành phố của quốc gia này thực hiện cách ly xã hội và các biện pháp hạn chế các tương tác xã hội và giao tiếp giữa người dân sớm hơn 10 ngày so với những nơi khác đã chứng kiến mức tăng trưởng kinh tế khoảng 5% trong lĩnh vực sản xuất khi đại dịch cúm kết thúc. "Chúng tôi không tìm thấy bằng chứng nào cho thấy các thành phố áp dụng các biện pháp mạnh về mặt y tế cộng đồng lại có các chỉ số kinh tế kém hơn. Thực tế, các thành phố này thậm chí còn đạt mức tăng trưởng tốt hơn", một nhà kinh tế học nhìn nhận.

Nhấn mạnh đây là bài toán đánh đổi mà mọi quốc gia phải chấp nhận, Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh - Giám đốc Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright cũng nhấn mạnh, không nên chạy theo GDP mà xao lãng mục tiêu chống dịch. "Giữ tốc độ tăng trưởng không phải là mục tiêu chính yếu lúc này. Mục tiêu tối thượng là làm thế nào bảo toàn lực lượng để có thể chuẩn bị nền tảng hồi phục khi bước ra khỏi khủng hoảng. Lực lượng ở đây là sự sống của người dân, sức khỏe của doanh nghiệp, của hệ thống ngân hàng – tài chính và niềm tin của người dân đối với Nhà nước.

Nếu vì tiếc một vài điểm % tăng trưởng GDP mà xem nhẹ hay chấm dứt các biện pháp chống dịch quá sớm thì chúng ta có thể phải trả giá đắt", Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh cảnh báo.