Dân Việt

Lao động nông thôn thiệt thòi

18/03/2012 01:19 GMT+7
(Dân Việt) - Tuần lễ Quốc gia An toàn lao động và phòng chống cháy nổ sẽ chính thức diễn ra từ ngày 18 đến 24.3, tại Đồng Nai. Tuần lễ năm nay có chủ đề: “Xây dựng văn hóa phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là trách nhiệm và quyền lợi của doanh nghiệp và người lao động”.

Xung quanh vấn đề phòng ngừa bệnh nghề nghiệp cho lao động, PV Báo NTNN đã có cuộc trao đổi với TS - BS Trần Thị Ngọc Lan - Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và Môi trường (Bộ Y tế).

img
Công nhân quét keo dán tại Công ty Giầy Hongfu (Hoằng Hóa, Thanh Hóa) rất dễ mắc bệnh nghề nghiệp.

Trong nhóm bệnh nghề nghiệp thì nhóm bệnh nào là phổ biến nhất, nguy hiểm nhất, thưa bà?

- Hiện nay, chúng ta có 28 bệnh nghề nghiệp đã được đưa vào danh mục bệnh nghề nghiệp được thanh toán bảo hiểm y tế, trong đó phổ biến nhất là bệnh bụi phổi silic. Xếp thứ hai là nhóm bệnh do yếu tố vật lý, do tiếng ồn công nghiệp. Tiếp theo là các yếu tố do nhiễm độc hóa chất như thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất công nghiệp…

Hiện cả nước đã có trên 27.000 lao động được Bảo hiểm xã hội Việt Nam chi trả các chi phí điều trị liên quan tới bệnh nghề nghiệp. Trong đó, hơn 75% trường hợp mắc các bệnh phổi do có liên quan tới bụi phổi silic. Bệnh do tiếng ồn nghề nghiệp rơi vào khoảng 10%, số còn lại là các bệnh do nhiễm hóa chất. Tuy nhiên, con số đó chỉ phản ánh một phần rất nhỏ thực tế lao động mắc bệnh nghề nghiệp.

Vậy, các nhóm bệnh bụi phổi, tiếng ồn thường phân bố ở những ngành sản xuất nào, thưa bà?

- Thông thường, các nhóm bệnh trên thường gặp ở các doanh nghiệp khai thác nghiền đá, khai thác vật liệu xây dựng, khai thác than, khai thác mỏ, làm đường, làm gạch ngói... Ngoài ra, tại một số doanh nghiệp sản xuất giày da, dệt vải có sử dụng hóa chất dung môi, lao động cũng có thể mắc các bệnh hen. Ở nhiều khu công nghiệp dệt, may, lao động cũng thường mắc phải các bệnh về tiếng ồn, gây điếc nghề nghiệp. Thường thì các bệnh này không có tính chất đặc thù, chính vì vậy tỷ lệ khám nhận biết bệnh cũng gặp nhiều khó khăn.

Thực tế các doanh nghiệp, nhất là các nhà máy ở khu vực nông thôn không quan tâm tới việc thống kê bệnh nghề nghiệp và hỗ trợ lao động phòng tránh bệnh. Bà nhận định gì về vấn đề này?

- Đúng là công tác dự phòng bệnh nghề nghiệp trong các khu công nghiệp, khu xây dựng vẫn còn nhiều hạn chế. Năm 2011, cả nước chỉ có 16,6% các doanh nghiệp thực hiện báo cáo về bệnh nghề nghiệp và tai nạn lao động. Ngành y tế chỉ có chức năng khám, chữa bệnh và phục hồi chức năng, từ đó tư vấn cho các doanh nghiệp về cách phòng tránh bệnh nghề nghiệp. Bản thân ngành y không có trách nhiệm buộc ông doanh nghiệp phải nghe theo mình, chỉ có thể khuyến nghị để họ thay đổi nhận thức và hành vi đối với vấn đề trên mà thôi.

img Hiện nay, chúng ta có 28 bệnh nghề nghiệp đã được đưa vào danh mục bệnh nghề nghiệp được thanh toán bảo hiểm y tế, trong đó phổ biến nhất là bệnh bụi phổi silic. img

Bà Trần Thị Ngọc Lan

Theo bà, để giảm thiểu bệnh nghề nghiệp, cần phải có biện pháp gì?

- Hiện nay, có 3 nhóm đối tượng có thể góp phần làm giảm thiểu bệnh nghề nghiệp, đó chính là chủ doanh nghiệp, lao động và nhân viên y tế chăm sóc sức khoẻ cho người lao động. Muốn giảm thiểu bệnh nghề nghiệp, chúng ta cần phải tạo được sự liên kết trong cả 3 mắt xích nói trên. Tại khu vực nông thôn, cần có sự vào cuộc của cơ quan chức năng giám sát mắt xích trên. Tuy nhiên, khâu này ở nông thôn còn rất yếu nên lao động chịu nhiều thiệt thòi.

Xin cảm ơn bà!