Dân Việt

90 tuổi vẫn lướt web, lập gia phả thời @

13/12/2010 19:32 GMT+7
Ghé thăm ngôi nhà nhỏ trong con hẻm trên đường Phan Đình Phùng, người ta không khỏi ngỡ ngàng trước cảnh cụ già tóc bạc trắng, mắt đeo kính đang dí sát màn hình vi tính để sửa tin, kiểm tra email nhoay nhoáy.

Cụ Thân Trọng Ninh (Nhà giáo ưu tú, ngụ phố Phan Đình Phùng, TP Huế) có thể là "tín đồ" cao tuổi nhất của internet tại Việt Nam. Dù đã 90 tuổi nhưng ngày nào cụ cũng thường ngồi nhiều tiếng trước máy tính để biên tập tin, bài của con cháu dòng họ gửi về đóng góp tư liệu cho gia phả điện tử trên website http:hothan.org.

“Tòa soạn” 1 nhân viên

img

Chủ nhân của "gia phả điện tử" Thân Trọng Ninh.

Website dòng họ này ra đời từ tháng 1-2008, là tâm huyết của cụ ấp ủ suốt 4 năm trước đó.

Theo cụ: "Năm 2004, dòng họ có tổ chức cuộc gặp tại Huế nhưng con cháu không biết nhiều nên ít người về tham dự, sau đó khi biết tin thì tới tấp gọi điện về trách móc. Bực mình nên tôi nảy ra ý tưởng lập website điện tử cho dòng tộc mình, để người trong họ dù có ở đâu trên thế giới nhưng chỉ cần kích chuột là có thể nắm bắt được mọi thông tin về dòng tộc mình".

Để trang web ra đời, cụ Ninh đã phải mất 4 năm chuẩn bị: Từ học cách sử dụng thành thạo internet, tìm hiểu các quy định pháp luật về website, học cách thiết kế trang web và kiêm nhiệm luôn việc biên tập thông tin đưa lên mạng.

"Ban đầu chỉ đăng tải một số bài phát biểu của tại buổi hội thảo khoa học bốn năm trước đó nhưng rất nhiều con cháu đã gọi điện chúc mừng, lượt người truy cập tăng lên từng ngày, đến nay đã có gần 2 vạn lượt truy cập", cụ Ninh hớn hở chỉ vào cột thống kê ở cuối màn hình "khoe" con số.

Ghé thăm ngôi nhà nhỏ trong con hẻm trên đường Phan Đình Phùng, nơi nhiều người vẫn gọi vui là "toà soạn" của website dòng họ Thân, người ta không khỏi ngỡ ngàng trước cảnh tượng một cụ già tóc đã bạc trắng, mắt đeo kính lão dày cộm đang dí sát màn hình vi tính để chỉnh sửa tin, bài; kiểm tra email nhoay nhoáy.

Cụ Ninh kể về công việc hằng ngày: "Mỗi ngày tôi kiểm tra email hàng chục lần để cập nhật thông tin liên quan đến dòng họ được con cháu khắp nơi gửi về". Với những bài viết dài, cụ phải in ra giấy rồi cặm cụi chỉnh sửa từng chữ một do không thể ngồi quá lâu trước máy tính.

"Gia phả" thời @

Toàn bộ bài viết gửi về cộng tác, cụ đều in ra và đóng thành tệp theo từng thể loại khác nhau theo cách phân loại của cụ: "Bài chuyên sâu", tin vắn về hoạt động dòng họ, gương sáng con cháu trong họ... Đầu giường của cụ có đến hàng trăm tệp như vậy, chưa kể số tệp đã được cất giữ trong tủ kính.

Nhiều con cháu trong dòng họ cho biết, website không chỉ là nơi giới thiệu những thông tin của dòng họ, mà còn là một dạng gia phả điện tử, khi truy cập người trong họ hiểu hơn về truyền thống, những thăng trầm của dòng họ mình, giúp người trong họ ở mọi miền đất nước dễ tìm đến với nhau hơn.

Cũng nhờ website của dòng họ mà đầu tháng 11 vừa qua, cây thị 312 năm tuổi, chu vi thân 4,2m, chu vi bạnh vè hơn 10m, chiều cao lên tới 25m (tương đương tòa nhà 5 tầng) trong khuôn viên nhà thờ phái Thân Văn (làng Dương Xuân Hạ, phường Thuỷ Xuân, Thừa Thiên - Huế) đã được Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam (VACNE) công nhận là cây di sản đầu tiên ở Huế.

Cụ Ninh, người có công đầu trong việc "tìm danh hiệu" cho "cụ" thị kể lại: "Chúng tôi làm hồ sơ gửi lên Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam đầu năm 2009 đề nghị công nhận cây di sản nhưng lúc đó tài liệu trong hồ sơ còn khá mỏng. Tôi đã đăng thông báo trên website dòng họ, đề nghị mọi người ai có tài liệu, chứng cứ gì thì phải bổ sung ngay. Nhờ thông tin này mà chỉ sau đó một thời gian ngắn, hàng trăm trang tư liệu, hàng chục bức ảnh đã được con cháu gửi về để khẳng định "cụ" thị này đủ điều kiện được gắn biển cây di sản".

Theo Đời Sống Pháp Luật