Dân Việt

Người âm thầm giữ cồng chiêng cho đất Mường

19/03/2012 19:55 GMT+7
(Dân Việt) - Có một người mấy chục năm nay đang âm thầm đi tìm lại tiếng chiêng, điệu múa... của đất Mường. Đó là ông Nguyễn Văn Thực ở phường Chăm Mát, TP.Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình.

Nhiều người nói, nhà của ông Thực là một "bảo tàng" nhạc khí của người Mường, bởi trong ngôi nhà sàn đơn sơ của ông ngay chân dốc Cun treo đủ thứ cồng, chiêng, đàn, sáo, nhị…

img
Ông Thực có thể chơi được nhiều loại nhạc cụ.

Tiền bán lợn, gà dành mua... cồng, chiêng

Ông Thực bảo, ngày trước, nơi nhà ông là làng Mường Chăm. Rừng xanh ngút ngàn, suối chảy róc rách, con người hiền hoà lại yêu âm nhạc. Mỗi lần vào phiên chợ Bờ, người ở Mường Vang, Mường Bi, Mường Thàng đi chợ từ ngày hôm trước. Họ ghé ngủ lại làng ông rồi hôm sau đi tiếp. Đêm đó, họ uống rượu, tổ chức văn nghệ. Lần nào cũng vậy, ngoài hát ví, hát đúm, đêm văn nghệ bao giờ cũng có tiết mục đánh chiêng với 3 bài truyền thống: Đi đường đón khách (đón khách đến, đưa khách đi); Bến Dậm sang Bờ (đưa vua quan đi chơi bến Dậm và chợ Bờ) và bài Vui hội.

Ngoài những đêm văn nghệ đón chào khách, khắp các xóm Mường có nhiều lễ hội. Đội văn nghệ làng đi biểu diễn, trong đội văn nghệ có bà nội, bà ngoại ông Thực. Mỗi lần đi diễn, ông lại được bà đưa đi theo nên ông học thuộc lòng các bài chiêng. Ông bảo, âm thanh cồng, chiêng là tiếng nói của cõi lòng, là sinh hoạt tinh thần không thể thiếu của người Mường.

Sau một thời gian, những lễ hội, những buổi văn nghệ xóm không được tổ chức, nhiều người vì miếng cơm, manh áo mà phải bán chiêng. Ông xót xa lắm! Ông quyết định phải cố gắng mua lại những nhạc cụ truyền thống ấy. Ông cùng vợ con rong ruổi khắp các huyện trong tỉnh, rồi Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Thanh Hoá... tìm mua chiêng. "Để có tiền mua cồng, chiêng, vợ chồng tôi phải bán lợn, gà. Mua được chiếc cồng, chiêng nào, bao khó khăn, mệt nhọc dường như tan biến" - ông Thực bộc bạch.

Ông mang ra cho khách xem một chiếc chiêng rồi bảo, chiếc chiêng này có từ thời Tây Sơn. Nhìn nó sù sì, nhưng khi sờ vào thành thì mịn. Ông tình cờ mua được nó trong một lần đi Thanh Hoá. Ông lấy ít nước thoa vào bàn tay rồi xoa chiêng. Tiếng chiêng vang lên như tiếng tù và gọi quân rồi trầm xuống.

Ông nói: “Chỉ có những chiếc chiêng cổ mới xoa lên được tiếng như vậy. Có người trả tôi 15 triệu đồng nhưng không bao giờ tôi bán. Ngày hội văn hoá các dân tộc Mường năm 2007, trong 500 chiếc chiêng, tôi nghe có một chiếc tiếng kêu đặc biệt như chiếc này. Sau này hỏi mới biết chủ nhân ở Yên Mông, TP.Hoà Bình. Nhưng khi tôi tìm đến thì chủ chiếc chiêng này cho biết chiêng đã bị vỡ!

Thành lập đội văn nghệ

Ông Thực mê tiếng cồng từ thời nhỏ. Năm lên 9 tuổi, ông đã biết đánh chiêng, 15 tuổi ông đã đi khắp nơi biểu diễn. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ông tham gia vào đoàn quân tiếp tế lương thực cho bộ đội. Hòa bình lập lại, cuộc sống khó khăn, những bài chiêng dần bị quên lãng. Năm 1994, tổ chức cưới cho con, ông quyết định mang chiêng ra đánh. Rồi ông quyết định thành lập đội văn nghệ của xóm để đi biểu diễn các nơi.

Không chi sưu tầm chiêng, ông Thực còn làm nỏ, cung tên, dao của người Mường để bán cho khách du lịch. Ông bảo, làm những sản phẩm này không chỉ kiếm tiền mà còn quảng bá cho hình ảnh Hoà Bình để mỗi du khách đến xứ Mường hiểu hơn về văn hoá Mường.

Ông quy tập những thanh niên trong làng dạy đánh chiêng, biểu diễn văn nghệ dân tộc mình. Đội văn nghệ của ông thường xuyên biểu diễn ở phường, thành phố, tỉnh và đã giật 2 huy chương vàng trong hội thi chiêng cổ do tỉnh và trung ương tổ chức. Giờ đây, những dịp lễ hội của thành phố, tỉnh, không thể thiếu đội văn nghệ của ông. Ngoài đi biểu diễn ở các lễ hội thì đội văn nghệ thường tổ chức biểu diễn đánh cồng, chiêng, múa sạp… ở các khu du lịch.

Khi thành viên nào trong đội đi lấy chồng, làm ăn xa, ông lại tìm người bổ sung. Và đến hôm nay vẫn đều đặn vào thứ Bảy hàng tuần, 17 thành viên trong đội văn nghệ lại tập hợp tại nhà ông, luyện đánh chiêng, múa Sênh Tiền và nghe ông kể chuyện về văn hóa Mường...