Từ tháng 1.2009, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đã yêu cầu chuyển hồ sơ vụ việc cho cơ quan điều tra làm rõ, xử lý nghiêm người sai phạm, nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện.
Theo báo cáo của UBND TP.HCM gửi Thanh tra Chính phủ (TTCP) thì: “Nguyên nhân chính dẫn đến khiếu kiện phức tạp tại dự án là do ông Vũ Đình Chỉnh - nguyên Chủ tịch Công đoàn ĐHQG, nguyên Trưởng ban Quản lý dự án (QLDA) 245 đã cố ý làm trái, ký hợp đồng bán nền nhà sai đối tượng và số lượng, không đúng chủ trương, tiêu chí đã được UBND TP.HCM phê duyệt”.
Bà Đỗ Kiều Mộng Thu chỉ vị trí ngày trước là đất của mình, nay đã thành bình địa. |
Chưa thỏa thuận đã ủi sập nhà dân!
Tháng 1.2004, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Đua (nay là Phó Bí thư Thường trực Thành ủy) ký quyết định tạm giao đất cho Công đoàn ĐHQG TP.HCM để đầu tư xây dựng nhà ở cho cán bộ, giảng viên trên diện tích 80,8ha tại phường Phú Hữu (quận 9).
Tháng 3.2004, đại diện chủ đầu tư (bên A) là ông Vũ Đình Chỉnh - Chủ tịch Công đoàn ĐHQG kiêm Trưởng ban QLDA (gọi tắt Ban QLDA 245) ký hợp đồng với Ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận 9 là đại diện bên B để bên B "thực hiện công tác kiểm kê, áp giá, bồi thường, giải phóng mặt bằng".
Sau nửa tháng, ngày 18.3.2004, UBND quận 9 mới ký quyết định thành lập Hội đồng bồi thường, hỗ trợ thiệt hại, tái định cư, giải phóng mặt bằng của dự án. Nhưng, trước khi UBND TP.HCM tạm giao đất và Hội đồng bồi thường được thành lập, chủ đầu tư đã tiến hành thương lượng đền bù với người dân có đất trong phạm vi dự án.
Do đã "lỡ" ký bản hợp đồng nói trên nên liên tục trong gần 2 năm, Ban BTGPMB đã thúc ép người dân phải di dời, giải tỏa. Ngày 27.12.2005, hơn chục chiếc máy xúc, máy ủi và nhiều phương tiện cơ giới khác đã ủi sập nhà của 3 hộ dân Trương Cao Minh, Nguyễn Ngọc Thúy Lan, Đỗ Kiều Mộng Thu và san lấp vườn thành bình địa dù chưa thực hiện xong việc thỏa thuận đền bù với chủ sử dụng đất. Do vậy, 3 hộ dân này đã gửi đơn khiếu nại suốt trong 8 năm qua nhưng vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng.
Ngày 30.12.2005, Ủy ban MTTQ TP.HCM có văn bản gửi Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Đua, trong đó nêu rõ các sai phạm như: Khi triển khai dự án không mời các hộ dân lên thông báo; chủ đầu tư không có thiện chí thương lượng về giá đền bù (biểu hiện qua việc lần thứ nhất đưa ra giá 60 lượng vàng/1.000m2, lần thứ hai lại giảm xuống 400 triệu đồng/1.000m2; có hộ thì đưa ra giá lần đầu là 500.000 đồng/m2 nhưng lần sau lại ra giá 400.000 đồng/m2…). Ngoài ra, chủ đầu tư còn rao bán đất dự án khi chưa đền bù xong; mục tiêu dự án không chính đáng...
Tự ý mua đi bán lại để trục lợi
Trước khi có quyết định giao đất (từ tháng 4.2001), Công đoàn ĐHQG có văn bản gửi các công đoàn cơ sở, nêu rõ mục đích dự án “nhằm giải quyết nhu cầu nhà ở của cán bộ, giảng viên”. Việc đăng ký góp vốn, mua nền được giao cho Trung tâm Nghiên cứu công nghệ và thiết bị công nghiệp do ông Vũ Đình Chỉnh làm Giám đốc và bà Lê Thị Thanh Thủy - cán bộ Trung tâm thực hiện.
Thế rồi, chỉ trong 2 tháng (7 và 8.2001), ông Chỉnh ký ồ ạt 1.065 hợp đồng góp vốn đầu tư mua 1.343 lô đất với tổng diện tích hơn 34,3ha. Trong đó: Cán bộ, giáo viên chỉ 549 hợp đồng với 705 lô đất, còn cá nhân không phải cán bộ, giáo viên có 516 hợp đồng với 638 lô đất, chiếm hơn 15,3ha.
Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, trong quá trình thực hiện Dự án Khu nhà ở ĐHQG tại phường Phú Hữu, Công đoàn ĐHQG do ông Chỉnh đại diện đã ký 516 hợp đồng (638 lô) với những người không phải cán bộ, giảng viên ĐHQG.
“Đây là việc làm trái quy định (…), dẫn đến phát sinh việc một số cá nhân lợi dụng sơ hở trong quản lý đầu cơ đất đai, mua đi bán lại để trục lợi, trái với mục tiêu và chính sách của Đảng, Nhà nước và TP.HCM trong giải quyết nhu cầu đất ở đối với cán bộ, giảng viên ĐHQG. Trách nhiệm chính thuộc về cá nhân ông Chỉnh - Chủ tịch Công đoàn ĐHQG, Trưởng ban QLDA 245” – Thanh tra Chính phủ chỉ rõ.
Thanh Tàu