Như Dân Việt đã đưa tin, kết thúc quý I/2020, Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) của ông Trần Đình Long báo lãi trước thuế 2.636 tỷ đồng, tăng 22% và lợi nhuận sau thuế xấp xỉ 2.305 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ nă 2019. Lãi ròng hơn 2.285 tỷ đồng và cũng là mức cao nhất kể từ quý III/2018.
Tính tới cuối tháng 3/2020, tài sản ngắn hạn của Hòa Phát ghi nhận hơn 34.134 tỷ đồng, gia tăng 21% so với hồi đầu năm. Trong đó, tiền và tương đương tiền tăng 35,5% thời điểm đầu năm, đạt 6.157 tỷ đồng; khoản đầu tư tài chính ngắn hạn tăng 23% lên 1.617 tỷ đồng.
Khoản phải thu của Hòa Phát cũng tăng đáng kể 43% lên 5.012 tỷ đồng, hàng tồn kho duy trì ở mức 19.554 tỷ đồng.
Tổng nguồn vốn tính đến cuối kỳ của Hòa Phát đạt hơn 107.000 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận chưa phân phối đạt 18.133 tỷ đồng.
Đáng lưu ý, tổng nợ vay của Hòa Phát "vượt" 41.300 tỷ đồng, tăng hơn 4.600 tỷ đồng so với đầu năm và chiếm 38,6% tổng nguồn vốn.
Trong đó, vay nợ ngắn hạn thêm 4.263 tỷ đồng, tăng lên 21.100 tỷ đồng; nợ dài hạn cũng tăng thêm 401 tỷ đồng lên 20.243 tỷ đồng. Điều này phần nào lý giải việc chi phí lãi vay trong quý I/2020 của Hòa Phát tăng mạnh lên 481 tỷ đồng. Bình quân mỗi ngày, Hòa Phát của ông Trần Đình Long chi hơn 5,3 tỷ đồng để trả lãi vay.
Liên quan đến dư nợ ngân hàng của Tập đoàn, Hòa Phát của ông Trần Đình Long mới đây đã lên tiếng giải thích về tỷ lệ vốn vay của Tập đoàn này trong quý I vừa qua.
Theo đó, Tập đoàn Hòa Phát của ông Trần Đình Long cho biết, tổng nợ vay ngân hàng của Hòa Phát là 41.343 tỷ đồng, trong đó: Vay ngắn hạn là 21.100 tỷ đồng, Vay dài hạn 20.243 tỷ đồng, tăng 4.463 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm 2020. Tuy nhiên, thực vay ròng của Hòa Phát chỉ là 36.179 tỷ đồng do Hòa Phát cảu ông Trần Đình Long có 5.164 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn tại các ngân hàng.
Tỷ lệ vốn vay ròng so với Vốn chủ sở hữu (Net Debt/Owner's Equity) tại ngày 31/3/2020 là 0,72 lần. Nhưng theo Báo cáo Quản trị nội bộ tuần cuối tháng 4/2020, tỷ lệ vốn vay ròng chỉ là 0,66 lần, tỷ lệ vốn vay ròng so với Tổng tài sản (Net Debt/Total Asset) là 0,31 lần.
Tiền gửi có kỳ hạn tại các ngân hàng của Hòa Phát tuần cuối tháng 4/2020 là hơn 6.200 tỷ đồng. Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp từ sau Tết Nguyên đán, đặc biệt Việt Nam thực hiện chính sách cách ly xã hội trên toàn quốc trong 3 tuần đầu tháng 4, thì Hòa Phát của ông Trần Đình Long nằm trong số hiếm doanh nghiệp có lượng tiền mặt dự trữ lớn như vậy.
"Các con số này cho thấy quản trị tài chính của Hòa Phát rất chặt chẽ, an toàn. So với các tâp đoàn khác có quy mô tương đương, đặc biệt các tập đoàn sản xuất công nghiệp thì các chỉ số tài chính của Hòa Phát tốt hơn hẳn", Tập đoàn Hòa Phát nhấn mạnh.