Đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến ngành hàng không gần như tê liệt, các đường bay quốc tế bị cho dừng hoạt động, còn đường bay nội địa bị hạn chế đến mức tối thiểu nhằm tránh sự lây lan.
Theo báo cáo mới nhất của Cục Hàng không cho biết, thị trường vận tải hàng không Việt Nam trên cả 2 phân khúc quốc tế và nội địa liên tục sụt giảm nhanh, mạnh so với cùng kỳ và kế hoạch năm.
Cụ thể, trong 3 tháng đầu năm, lượng hành khách thông qua hệ thống cảng hàng không trên cả nước chỉ đạt 24 triệu khách, giảm 12,4% so với cùng kỳ 2019.
Trong đó, khách quốc tế đạt 7 triệu, giảm 31,6%; khách nội địa đạt 17 triệu khách, giảm 0,7%. Riêng trong tháng 3, lượng hành khách thông qua cảng đạt 5,7 triệu, giảm 42% so với cùng kỳ. Khách nội địa đạt 4,7 triệu khách, giảm 25%; khách quốc tế đạt 1 triệu khách, giảm kỷ lục tới 71%.
HVN lỗ quý I vượt lãi cả năm 2019, VJC "âm" lợi nhuận kể từ khi lên sàn
Việc sụt giảm nhanh lượng hành khách khiến cho thị trường vận tải hàng không lao đao, nhiều hãng hàng không "loay hoay" tìm cách tháo gỡ trong bối cảnh ngành hàng không gần như "đóng băng". Có những thời điểm các hãng hàng không như Bamboo Airways, Vietnam Airlines, Vietjet Air đều phải cắt giảm các chặng bay duy trì 1 chuyến trên ngày do ảnh hưởng của Covid-19.
Trước thực tế này, việc các doanh nghiệp trong lĩnh vực hàng không báo lỗ hàng nghìn tỷ đồng trong 3 tháng đầu năm cũng không có gì là lạ.
Trong đó, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines - Mã: HVN) là đơn vị chịu tổn thất nặng nề nhất khi doanh thu thuần giảm hơn 26% còn 18.800 tỷ đồng. Vietnam Airlines lỗ nặng 2.611 tỷ đồng bất chấp những nỗ lực cắt giảm chi phí, giảm nhân sự, cắt giảm lương… Số lỗ này vượt qua cả mức lãi 2.537 tỷ đồng hãng hàng không quốc gia đạt được trong cả năm 2019.
Điều đáng nói, sức "công phá" của đại dịch Covid-19 không chỉ khiến cho Vietnam Airlines lỗ nặng mà còn có thể khiến cho hơn 50% người lao động của hãng phải ngừng việc (hơn 10.000 người); toàn bộ người lao động phải giảm lương, thậm chí cán bộ từ cấp ban trở lên tự nguyện không nhận lương.
CTCP Hàng không Vietjet (Vietjet Air - Mã:VJC) của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo cũng không nằm ngoài dự báo của thị trường khi báo lỗ ròng gần 1.000 tỷ đồng trong quý vừa qua. Doanh thu vận tải hàng không chỉ đạt 7.222 tỷ đồng, giảm 30% so với cùng kỳ.
Đây là lần đầu tiên Vietjet Air ghi nhận lợi nhuận quý âm kể từ khi niêm yết đầu năm 2017. Dù vậy, con số này vẫn thấp hơn dự kiến trước đó của chính ban lãnh đạo Vietjet.
Theo Ban lãnh đạo Vietjet, mức lỗ này là thấp hơn dự tính ban đầu là do công ty chủ động trước các kế hoạch ứng phó đại dịch. Hãng hàng không mở rộng hoạt động vận chuyển hàng hóa cũng như bổ sung các sản phẩm dịch vụ mới, tăng khuyến mãi kích cầu. Đồng thời, Vietjet cũng đã đàm phán thành công với các đối tác cho vay về việc giãn khoản phải trả từ 3 - 12 tháng, cắt giảm và tối ưu chi phí hoạt động từ 35 - 40% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, FLC Group của ông Trịnh Văn Quyết nơi đang chiếm 52,11% của Bamboo Airways báo lỗ sau thuế 1.172 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong báo cáo tài chính FLC không tách bạch kết quả kinh doanh của Bamboo Airways nhưng theo dự đoán của giới đầu tư, Bamboo Airways cũng không thể tránh khỏi "tổn thất" do Covid-19.
Lợi nhuận đơn vị cung cấp dịch vụ phụ trợ hàng không "lao đốc"
Không đến mức lỗ nặng như Vietnam Airlines hay Vietjet nhưng doanh thu của các đơn vị cung cấp dịch vụ phụ trợ hàng không cũng đều lao dốc. Lợi nhuận của doanh nghiệp nhà Johnathan Hạnh Nguyễn (Sasco) xuống thấp kỷ lục là một ví dụ điển hình.
Báo cáo tài chính quý I của Công ty cổ phần Dịch vụ hàng không Tân Sơn Nhất (Sasco) ghi nhận doanh thu giảm 28% so với cùng kỳ, đạt hơn 520 tỷ đồng. Các hoạt động mang về nguồn thu chính như bán hàng miễn thuế, hoạt động phòng chờ... đều sa sút vì sân bay Tân Sơn Nhất vắng khách khi Covid-19 bùng phát. Do đó, Sasco lãi ròng "vỏn vẹn" 16 tỷ, cùng kỳ năm trước Sasco báo lãi sau thuế 84 tỷ. Đây cũng là mức lợi nhuận thấp kỷ lục trong một quý của Sasco từ khi công ty niêm yết trên sàn chứng khoán vào năm 2015.
Sasco hiện là doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ hàng không, chuyên quản lý và vận hành hệ thống cửa hàng miễn thuế, bán hàng lưu niệm, nhà hàng, phòng chờ tại sân bay lớn nhất tại Việt Nam. Trong đó, các cửa hàng của công ty tập trung chủ yếu tại cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Doanh nghiệp còn kinh doanh dịch vụ phòng chờ thương gia tại sân bay Cam Ranh, cung cấp suất ăn hàng không cho Bamboo Airways, đầu tư một số dự án bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng ở Phú Quốc.
Tương tự, doanh thu của Công ty cổ phần Dịch vụ Hàng không Taseco (Taseco Airs) chuyên cung cấp dịch vụ hàng không, suất ăn tại các sân bay lớn như Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Phú Quốc... cũng giảm hơn 21%, xuống còn 196,3 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của Taseco Airs khoảng 16 tỷ đồng, giảm gần 70% so với quý I năm ngoái.
ACV báo lãi "khủng" nhờ gần 33.000 tỷ gửi ngân hàng
Đáng chú ý, trong bối cảnh ngành hàng không gần như bị "đóng băng", các doanh nghiệp hàng không báo lỗ bạc tỷ thì Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) - chủ quản lý và vận hành nhiều sân bay nhất trong nước vẫn lãi sau thuế hơn 1.550 tỷ. Mặc dù giảm 22% so với cùng kỳ song số lãi này đã vượt kế hoạch lãi 1.476 tỷ đồng của cả năm nay.
Cũng phải nói thêm rằng, trong quý I, khi hoạt động kinh doanh chính bị hạn chế do dịch bệnh, ACV tiếp tục tăng hàng nghìn tỷ tiền gửi ngân hàng. Tính đến cuối tháng 3, riêng khoản tiền mặt và tiền gửi ngân hàng ngắn hạn gần 33.000 tỷ đồng, tăng 9% so với đầu năm (tiền và các khoản tương đương tiền tăng 130 tỷ; tiền gửi ngân hàng dưới 12 tháng tăng 1.500 tỷ). Chính hàng chục nghìn tỷ tiền gửi này mang về cho ACV gần 540 tỷ đồng tiền lãi trong quý I, tăng 170 tỷ so với cùng kỳ. Bình quân mỗi ngày, ACV thu gần 6 tỷ từ lãi tiền gửi.
Kết quả kinh doanh quý I/2020 phần nào cho thấy sức "công phá" của đại dịch Covid-19 đối với các doanh nghiệp ngành hàng không và theo một số dự báo, "tổn thất" trong quý II/2020 này còn nặng nề hơn khi toàn bộ mạng bay quốc tế dừng hoạt động, các đường bay trong nước cũng chỉ được khai thác với tần suất hạn chế. Trong một báo cáo mới đây của Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), công ty này cho rằng, tương tự trước đó như MERS, SARS, hàng không cần 6-7 tháng để phục hồi sản lượng hành khách. Với sự kiện gây thiệt hại nhanh chóng như vụ khủng bố 11/9 cần 4-5 tháng mới phục hồi. Tuy nhiên, với Covid-19 lần này, BSC dự báo thời gian phục hồi sẽ lâu hơn do dịch bệnh diễn biến khó lường, cùng với đó thế giới đang đứng trước nguy cơ suy thoái, tác động xấu tới tâm lý tiêu dùng