Dân Việt

Không thể kìm lãi suất bằng biện pháp hành chính

14/12/2010 08:44 GMT+7
(Dân Việt) - Xung quanh tình trạng lãi suất tăng "nóng" trong những ngày vừa qua, NTNN đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Quang A - chuyên gia kinh tế.

Lãi suất tăng cao thời gian gần đây theo ông nguyên nhân là gì?

- Thứ nhất lãi suất tăng đột biến chứng tỏ việc điều hành kinh tế vĩ mô có vấn đề. Lãi suất luôn gắn với lạm phát, lạm phát cao thì không thể hạ lãi suất được. Việc biến động chứng tỏ tâm lý, niềm tin của người dân vào tiền đồng bị lung lay và giảm đáng kể.

img
Lãi suất huy động của một số ngân hàng thời gian qua đã vượt tầm kiểm soát. Ảnh minh hoạ.

Nhiệm vụ của Chính phủ và của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là giữ ổn định đồng nội tệ. Rất tiếc là thời gian qua nhà nước đã không làm được điều đó. Tất nhiên lạm phát chịu tác động của giá cả bên ngoài, nhưng đó không phải là chính.

Vậy nguyên nhân chính là gì?

- Cách đây 4-5 tháng, NHNN vừa chỉ đạo các NHTM phải giảm lãi suất, tức là làm tăng tín dụng, tăng cung tiền, đẩy lạm phát tăng. Nghĩa là, chúng ta "quăng mồi lửa, đốt lên ngòi lạm phát". Đấy là nguyên nhân trực tiếp.

Nguyên nhân đằng sau là chúng ta còn ham chi tiêu quá, chi tiêu quá nguồn thu của mình. Căn bệnh lạm phát, muốn giải quyết gốc rễ thì thu được bao nhiêu chỉ nên chi tiêu từng ấy thôi, đừng có tiêu hơn. Nguyên nhân sâu nhất đó là hiệu quả chi tiêu ngân sách nhà nước kém. Đáng lẽ chi ra 4 đồng thì tạo được 1 đồng tăng trưởng. Còn mình phải chi 8 đồng mới được 1 đồng tăng trưởng.

Như vậy có thể hiểu rằng, tình trạng lãi suất tăng cao là không thể tránh khỏi, cho dù nó vượt xa cả mức chịu đựng của doanh nghiệp?

- Việc lãi suất tăng góp phần làm tăng giá, vì thực chất đó là việc tăng giá của đồng vốn, do đó nó lan tỏa khắp nơi. Doanh nghiệp phải tăng chi phí đầu vào thì tăng giá. Vòng xoáy đó nguy hiểm nhưng có những chuyên gia kinh tế lại nói là hạ lãi suất để chống lạm phát.

Cái đó chỉ đúng được 20% thôi. Vì tăng lãi suất tác động làm giảm lượng tiền trong lưu thông nhiều hơn là tác động tăng giá, nên việc tăng lãi suất là điều không thể tránh khỏi. Tất nhiên, nếu kéo dài thì đó là điều không hợp lý.

Vậy theo ông, những cái được của việc lãi suất tăng cao cần được nhìn nhận như thế nào?

img Nếu để việc hỗ trợ tín dụng giảm đi thì các doanh nghiệp sẽ cạnh tranh quyết liệt. Tín dụng mà dễ dãi, lãi suất thấp thì kích thích đầu tư làm ăn, nhiều khi là làm liều. img

- Tăng lãi suất có tác động tích cực là có thể làm cho quá trình tái cơ cấu của nền kinh tế nhanh hơn. Nghĩa là với vốn như thế thì những người căn cơ giỏi thì sẽ phất lên, những người làm ăn không chịu khó, ỷ lại thì sẽ phải co lại.

Đấy là một cơ chế khốc liệt, nhưng là cơ chế rất cần, rất mạnh cho nền kinh tế. Nếu để việc hỗ trợ tín dụng giảm đi thì các doanh nghiệp sẽ cạnh tranh quyết liệt.

Tín dụng mà dễ dãi, lãi suất thấp thì kích thích đầu tư làm ăn, nhiều khi là làm liều. Điều kiện cần thiết để doanh nghiệp làm ăn hiệu quả là ràng buộc ngân sách cứng, tức là không có chuyện ưu ái về tín dụng, vốn.

Để hạ lãi suất, theo ông cần có những chính sách điều hành như thế nào trong thời gian tới?

- NHNN ép các NHTM hạ lãi suất 14-15%, tôi cho rằng đó nhất thời là bằng biện pháp hành chính, cũng có thể cần thiết. Tuy nhiên, đây là việc không bình thường, về dài hạn thì không thể áp dụng được. Trong thực tiễn có hàng nghìn người săm soi để tìm kẽ hở, chẳng hạn như thưởng, khuyến mãi... Đó là thực tế mà nếu chúng ta dùng quá nhiều biện pháp hành chính cứng nhắc để điều hành sẽ gây ra nhiều bất cập.