Dân Việt

Vì mã độc, Android bị iOS "đá đểu"

11/03/2013 06:56 GMT+7
Hãng bảo mật F-Secure vừa công bố báo cáo tình hình bảo mật trên nền tảng di động trong năm 2012 với một thực tế đáng buồn dành cho nền tảng di động của Google: ngày càng nhiều mã độc xuất hiện trên Android.

"Phần mềm độc hại trên nền tảng Android đang ngày càng tăng về số lượng và mức độ nguy hại", F-Secure cho biết.

"Mỗi quý, tác giả của các loại mã độc lại cập nhật các biến thể của các loại mã độc đã phát tán trước đó. Tính riêng trong quý IV/2012, 96 loại biến thể mới của mã độc trên Android đã được phát hiện ra, gần gấp đôi so với số lượng mã độc trong quý trước đó".

Theo F-Secure, mã độc trên Android đã tăng theo cấp số nhân trong 3 năm 2010, 2011 và 2012. Đáng chú ý trong 2 năm gần đây, Android là nền tảng di động có số lượng mã độc nhiều nhất trong tất cả các nền tảng di động.

Tính riêng trong năm 2012, Android chiếm đến 79% trong tổng số 301 loại mã độc khác nhau xuất hiện trên các nền tảng di động, trong khi đó iOS của Apple chỉ chiếm "khiêm tốn" 0,7%.



Nền tảng Android

Biểu đồ số lượng mã độc trên nền tảng di động trong 3 năm 2010, 2011 và 2012, cho thấy sự tăng trưởng nhanh chóng về số lượng mã độc trên Android.

Trong khi Android và iOS vẫn đang cạnh tranh nhau để giành vị thế số 1 trên thị trường di động, thì có một thực tế đáng buồn dành cho Android đó là nền tảng di động này lại trở thành "vô đối" về số lượng mã độc.

Với nền tảng iOS, việc giám sát kỹ các ứng dụng được đăng tải kho ứng dụng App Store của Apple đã khiến cho các loại mã độc không có nhiều cơ hội phát tán trên nền tảng di động này. Số lượng mã độc lây nhiễm và phát tán trên iOS trong 2 năm 2010 và 2011 thấp đến nỗi không cần được lưu tâm và nhắc đến.

Có nhiều lý do để Android trở thành mục tiêu yêu thích để phát tán mã độc của hacker.

Đầu tiên có thể kể đến số lượng thiết bị sử dụng Android ngày càng nhiều và đa dạng, thuộc nhiều phân khúc khác nhau. Cũng tương tự như hệ điều hành Windows thường xuyên trở thành "nạn nhân" của hacker phát tán virus hơn so với nền tảng MacOS của Apple bởi vì sự đa dạng và phổ biến hơn của Windows.

Bên cạnh đó, Android là một nền tảng mở, được sử dụng và biến đổi bởi nhiều hãng sản xuất điện thoại, đồng thời nhiều ứng dụng có thể cài đặt lên Android từ bên ngoài thay vì phải cài đặt trực tiếp thông qua kho ứng dụng Google Play. Điều này có thể giúp hacker lợi dụng để đánh lừa người dùng cài đặt mã độc hại lên thiết bị của họ mà không hay biết, góp phần phát tán mã độc hại được dễ dàng hơn.

Ngược lại, iOS là một nền tảng đóng hoàn toàn và chỉ mở cửa một cách giới hạn với các nhà phát triển ứng dụng (quy định những điều mà các nhà phát triển có thể hoặc không thể làm), các ứng dụng cần phải đăng ký lên kho ứng dụng App Store và phải qua sự kiểm soát gắt gao của Apple trước khi đến tay người dùng. Nói cách khác, sẽ rất khó để mã độc có thể qua mặt Apple để xâm nhập và phát tán trên nền tảng iOS.

Sau khi F-Secure đưa ra báo cáo của mình, Apple đã không bỏ lỡ cơ hội "đá đểu" Android của Google khi Phil Schiller, Giám đốc marketing toàn cầu của Apple đã đăng tải một đoạn thông điệp lên Twitter của mình: "Hãy an toàn ở ngoài kia", kèm theo đường link kết quả báo cáo của F-Secure, như một lời "mỉa mai" dành cho Android và người dùng của nền tảng di động này.

Dĩ nhiên, Apple hoàn toàn có lý do để chế nhạo Android về mức độ bảo mật của nền tảng này.

Theo Dân Trí