Ông Lê Trường Lưu |
Rút kinh nghiệm những năm trước, năm nay, đầu mùa mưa bão tỉnh đã tiến hành kiểm tra tất cả các cửa xả lũ của các nhà máy thủy điện để có hư hỏng thì khắc phục ngay, như vậy mới đảm bảo an toàn.
Tỉnh cũng thường xuyên yêu cầu các đơn vị hồ đập có các phương án quan trắc để theo dõi mức độ an toàn của các hồ thủy điện, đồng thời cũng bỏ kinh phí để kiểm tra lại số liệu quan trắc của các đơn vị hồ đập bằng việc thuê lực lượng khí tượng thủy văn kiểm tra giúp.
Nói chung, tỉnh rất thận trọng, vì nếu không thận trọng là các hồ thủy điện dễ bị vỡ khi có mưa lũ. Khi xây dựng các công trình thủy điện người ta đã tính đến khả năng chịu đựng tần suất lũ của các công trình, như chịu được tần suất lũ 100 năm hay 1.000 năm mới có một lần.
Tuy nhiên, do các nhà đầu tư thường sợ vỡ đập nên thường xả lũ khi mực nước chưa đạt mức quy định.
Trên thực tế, khi trời mưa nhỏ thì các hồ thủy điện có hiệu quả trong ngăn lũ nhưng mưa lớn thì hiệu quả chưa ai biết. Đặc biệt, khi mưa lớn dài ngày thì hậu quả chưa biết đường nào mà lần, như thủy điện Bình Điền gây ra lũ lớn năm 2009.
Hiện hầu hết các sông trên địa bàn đều đã có dự án thủy điện nhưng tác động mạnh đến môi trường chủ yếu là các dự án thủy điện Bình Điền, Hương Điền và Tả Trạch. Thiệt hại của người dân, nhất là về nông nghiệp cũng một phần do thủy điện, như hiện tượng thủy sản bị chết vì dịch bệnh ở huyện Quảng Điền. Khi thủy điện tích nước, dòng chảy của các sông không có nên gây ra dịch bệnh ở thủy sản.
Quy hoạch thủy điện của tỉnh đã có, tất nhiên tỉnh cũng đang rà soát lại, xem xét lại các dự án thủy điện ảnh hưởng đến môi trường và gây lũ lụt để rút giấy phép. Trong quy hoạch, một số vùng có dự án thủy điện nhỏ quá thì không hiệu quả, nên cần phải xem xét.
An Sơn