Dân Việt

Người nghệ sĩ đi qua cuộc đời Anh hùng Núp: Về làng nhặt dân ca

16/05/2013 09:06 GMT+7
(Dân Việt) - Chuyện đánh giặc của Anh hùng Núp không chỉ cả nước biết tiếng mà còn vọng đến bạn bè ở bên kia Tây bán cầu. Tuy nhiên trong chốn đời tư ông lại là người không may mắn.

Mở đầu cuốn sổ chứa đựng gần 200 bài dân ca Tây Nguyên do mình lặng lẽ sưu tầm ngót chục năm trời, HBen nắn nót mấy dòng chữ: “HBen ghi lại vì sợ mất đi, ghi lại để tặng cho bạn bè, đồng nghiệp yêu thích làn điệu dân ca Tây Nguyên và đặc biệt ghi lại để hát và dạy cho con cháu, giúp chúng còn biết về nguồn cội...”.

Vui vì đã trọn đam mê…

Chuyện đánh giặc của Anh hùng Núp không chỉ cả nước biết tiếng mà còn vọng đến bạn bè ở bên kia Tây bán cầu. Tuy nhiên trong chốn đời tư ông lại là người không may mắn. Người vợ đầu của ông – HLiêu ốm chết trước khi ông tập kết, để lại cho ông một đứa con trai. Những ngày ở Bắc, ông lấy HBen. Chung sống được hai năm thì hai người phải chia tay.

img
Bà HBen say sưa với những làn điệu dân ca Ba Na dù tuổi đã 80.

Trở về Tây Nguyên chiến đấu, một thời gian sau Núp lấy Chơ Rơ – em gái HLiêu theo tục nối dây và Chơ Rơ đã theo ông cho đến cuối cuộc đời. Còn HBen, tuy không trọn mối tình với người anh hùng nhưng sau đó bà cũng có một mối tình thật mạnh mẽ, lãng mạn với một chàng trai Hà Nội – nghệ sĩ violon Đức Thịnh.

58 năm về trước, khi chỉ mới đôi mươi, nữ ca sĩ Ba Na xinh đẹp đã cùng các đồng nghiệp mang lời ca tiếng hát của mình đi khắp các nước bạn bè từ Đông sang Tây kêu gọi ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của dân tộc Việt Nam. Sở hữu tiếng hát trong trẻo cùng vẻ đẹp đằm thắm của một sơn nữ, mọi người vẫn thường gọi HBen là “Họa mi của đại ngàn”… Chuyện ngày xưa dài lắm.

Cứ mỗi lần bà đi vào làng sưu tầm, ông Thịnh - chồng bà lại ra ngồi trước cửa ngóng trông bà về để nghe bà hát bài dân ca mới ghi lại được. Rồi ông đệm đàn cho bà hát… Thời gian gần đây, ông đã không thể kéo đàn cho bà hát thì bà lại ngồi bên ông, hát cho ông nghe những bài dân ca tha thiết…

Có cảm giác niềm vui, niềm hạnh phúc vẫn ẩn chứa trong đôi mắt đã không còn tinh anh của cái tuổi 80. Và giờ đây, khi đã đi gần hết chặng đường đời, hỏi bà còn tiếc nuối điều gì của thời son trẻ? Bà cười hiền lành: “Không tiếc gì đâu, bởi niềm đam mê của mình, mình tự cho là đã trọn vẹn…”.

Năm 1975, HBen trở về Gia Lai. Thêm 25 năm dành tâm huyết phục vụ sự nghiệp văn hóa, nghệ thuật với các chức vụ Phó Trưởng đoàn Văn công Tây Nguyên, Hiệu trưởng Trường Văn hóa - Nghệ thuật Tây Nguyên, năm 2000 bà nghỉ hưu. Dù có nhà xây ở TP.Pleiku nhưng bà vẫn cùng chồng trở về quê hương Kông Chro – mảnh đất nắng gió và nghèo khó nhất Gia Lai - để làm một công việc “trời ơi” dưới con mắt của nhiều người là sưu tầm các làn điệu dân ca dân tộc Ba Na. Đôi vợ chồng già không quản tuổi tác, nắng mưa, rong ruổi khắp các buôn làng gần xa để ghi lại những làn điệu dân ca đã chìm khuất bởi chiến tranh và bao lớp bụi thời gian khắc nghiệt…

Tiếc công cầm “vàng”

Trong ngôi nhà rợp mát bóng cây kế bên thị trấn Kông Chro, gian phòng khách tuy không rộng vẫn được HBen dành hẳn một góc trang trọng nhất đặt chiếc tủ kính. Trong chiếc tủ ấy là tất cả những gì liên quan đến văn hóa Tây Nguyên. Những quyển sổ tay bà tự ghi lại gần 200 bài hát dân ca Ba Na và một số ít của Xê Đăng, Ê Đê… Với bà, đó là những hạt vàng rơi mà vợ chồng bà đã kỳ công nhặt nhạnh khắp các buôn làng gần xa ròng rã hơn chục năm trời…

Bà bùi ngùi kể: Khi biết những bài dân ca của dân tộc sắp theo ông bà về với làng ma, mình bàn với chồng phải tìm cách sưu tầm, ghi chép lại. Điều bất ngờ là ông Thịnh cũng đau đáu không kém gì mình…

Thế là ngày ngày hai vợ chồng rong ruổi trên chiếc xe cà tàng, bất kể nắng mưa. Hễ ai mách làng nào, xã nào có người biết hát dân ca hay là đi. Mà phải đi vào chiều tối mới mong gặp, bởi ban ngày họ còn lên rẫy. Có hôm đường xa, trời tối sụp xuống ổ gà, vợ chồng, xe pháo văng mỗi người một ngả… Công việc đang diễn tiến thì một cú sốc xảy ra với HBen: Chồng bà, nghệ sĩ Đức Thịnh không may bị tai biến, không đi lại được. Được sự động viên, khích lệ của chồng, bà lại một mình tiếp tục công việc. Có hôm vượt chặng đường gần 100km nhưng chỉ ghi được vỏn vẹn 1 bài dân ca rồi lại vội vã quay về vì lo chồng không ai chăm sóc…

Từ lâu, bà đã tặng những bài hát dân ca sưu tầm được cho phòng văn hóa rồi trung tâm văn hóa huyện với hy vọng một ngày nào đó sẽ có những lớp học dân ca Ba Na ra đời… Ước mong giản dị vậy nên khi nghe thông báo mình được Nhà nước công nhận Nghệ nhân dân gian, HBen rất ngạc nhiên… Bà đã nghĩ rằng người chưa bao giờ thấy vàng thì chẳng thể hiểu được giá trị những “hạt vàng” mà hàng bao nhiêu năm vợ chồng bà đã kỳ công lượm lặt…