Dân Việt

Triều Tiên mời IAEA: Lời mời nghiêm túc?

21/03/2012 06:29 GMT+7
(Dân Việt) - Ngày 19.3, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) tuyên bố đã nhận được lời mời tới Triều Tiên sau 3 năm kể từ khi thanh sát viên của cơ quan này bị Bình Nhưỡng trục xuất.

Đổi lương thực lấy sự nhượng bộ

Hãng tin Reuters dẫn nguồn tin từ IAEA cho biết, họ nhận được lời mời từ ngày 16.3 và sẽ thảo luận chi tiết chuyến đi với CHDCND Triều Tiên và các bên liên quan. Một nữ phát ngôn viên của IAEA cho hay: "Chưa có điều gì được quyết định cả".

img
Đoàn quan sát viên IAEA từng đến Bình Nhưỡng và sau đó bị trục xuất khỏi nước này.

Động thái mới này được cho là nỗ lực của Bình Nhưỡng nhằm chứng tỏ sự nghiêm túc của mình đối với thỏa thuận đổi lương thực của Mỹ để lấy sự nhượng bộ của CHDCND Triều Tiên trong vấn đề hạt nhân mà Bình Nhưỡng và Washington đạt được hồi tháng trước.

Tuy nhiên, tính khả thi của thỏa thuận này đang bị nghi ngờ sau khi Bình Nhưỡng ngày 16.3 tuyên bố sẽ tiến hành phóng vệ tinh lên quỹ đạo vào tháng 4 tới để kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của cố Chủ tịch Kim Nhật Thành.

Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết nước này trên nguyên tắc ủng hộ mọi nỗ lực của IAEA trong việc tiếp cận CHDCND Triều Tiên để giám sát việc thực thi của Bình Nhưỡng đối với mọi điều khoản trong thỏa thuận về hạt nhân đạt được hồi tháng 2.

Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng thỏa thuận này đã bị vi phạm sau khi Bình Nhưỡng tuần trước tuyên bố sẽ tiến hành phóng vệ tinh lên quỹ đạo. Theo thỏa thuận này, Mỹ đồng ý cung cấp lương thực cho CHDCND Triều Tiên. Đổi lại, Bình Nhưỡng phải ngừng các vụ thử hạt nhân, các vụ phóng tên lửa, hoạt động làm giàu urani và cho phép các thanh sát viên của IAEA trở lại nước này.

Lời mời nghiêm túc?

Việc ngày 16.3 Bình Nhưỡng ra tuyên bố về kế hoạch phóng vệ tinh (trùng với ngày IAEA nhận được lời mời tới CHDCND Triều Tiên) đã vấp phải sự phản đối của cộng đồng quốc tế. Mỹ cho biết kế hoạch này của Bình Nhưỡng vi phạm thỏa thuận mới đây và cản trở việc nối lại viện trợ lương thực của Mỹ.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland nói: "Rõ ràng, việc IAEA có thể có được bất kỳ sự tiếp cận nào đều có lợi. Nhưng nó không làm thay đổi thực tế là chúng tôi sẽ coi việc phóng vệ tinh là hành động vi phạm nghĩa vụ của Bình Nhưỡng đối với LHQ và cam kết của Bình Nhưỡng đối với chúng tôi".

Các quan chức Trung Quốc và Triều Tiên ngày 19.3 đã tổ chức cuộc họp lần thứ hai, dự kiến kéo dài 5 ngày, để thảo luận kế hoạch phóng tên lửa của Triều Tiên, trong đó nhiều khả năng Bắc Kinh sẽ gia tăng sức ép phản đối kế hoạch này.

Ngày 20.3, Hãng thông tấn Kyodo của Nhật Bản cũng trích lời một quan chức cấp cao CHDCND Triều Tiên nói rằng Bình Nhưỡng đã yêu cầu IAEA phái các thanh sát viên tới giám sát việc ngừng chương trình làm giàu urani của nước này.

Tuy nhiên, một nhà ngoại giao phương Tây tại Áo cho biết, CHDCND Triều Tiên đã đề nghị gặp gỡ IAEA để thảo luận về việc ngừng chương trình này, chứ họ không đề nghị IAEA tới giám sát việc ngừng chương trình làm giàu urani vào thời điểm này".

CHDCND Triều Tiên được cho là sở hữu đủ nguyên liệu phân hạch để sản xuất tới hơn chục quả bom nguyên tử. Theo các nhà phân tích, Bình Nhưỡng sẽ tiếp tục các hoạt động hạt nhân bí mật. Giới chuyên gia Hàn Quốc và phương Tây cho rằng CHDCND Triều Tiên đang sở hữu đủ lượng plutonium để chế tạo hàng chục quả bom hạt nhân, nhưng hiện vẫn không rõ liệu Bình Nhưỡng có khả năng sản xuất đầu đạn hạt nhân cho các tên lửa tầm xa hay không.