Triều Tiên, Iran làm nóng nghị sự
Hàn Quốc cho biết, các nhà lãnh đạo thế giới tham dự Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân tại Seoul sẽ thảo luận về các hoạt động nguyên tử bất hợp pháp của CHDCND Triều Tiên và Iran.
Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung Bak và Tổng thống Mỹ Obama dự kiến sẽ có các cuộc thảo luận về hạt nhân Triều Tiên. |
Ngoại trưởng Hàn Quốc Kim Sung-hwan nói rằng mặc dù các vấn đề về vũ khí và phổ biến hạt nhân không nằm trong nghị trình chính thức, song Iran và CHDCND Triều Tiên rõ ràng sẽ là những vấn đề chính bên lề hội nghị.
Ngoài Tổng thống nước chủ nhà Lee Myung Bak, các nhà lãnh đạo của 4 nước tham gia đàm phán 6 bên, gồm Tổng thống Mỹ Barack Obama, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev và Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda, sẽ đến Seoul tham dự hội nghị kéo dài 2 ngày này.
CHDCND Triều Tiên không tham dự hội nghị và nỗ lực theo đuổi chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của nước này không nằm trong nghị trình chính thức, nhưng thông báo của Bình Nhưỡng về kế hoạch phóng tên lửa tầm xa vào trung tuần tháng 4 tới được dự kiến sẽ là vấn đề trọng tâm được bàn thảo.
Triều Tiên đã nhiều lần công kích sự kiện ngoại giao lớn nhất mà Hàn Quốc sắp tổ chức này, đồng thời cho rằng hội nghị chỉ là nhằm che đậy một âm mưu tấn công hạt nhân mà Mỹ và Hàn Quốc cùng các đồng minh muốn thực hiện nhằm vào Triều Tiên.
Hãng thông tấn chính thức KCNA của Triều Tiên bình luận: "Bất kỳ hành động gây hấn nào cũng sẽ bị coi là một lời tuyên bố chiến tranh chống chúng ta, và dẫn đến những trở ngại to lớn cho cuộc đối thoại về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên”. Trên thực tế, bán đảo Triều Tiên đang nóng lên từng ngày sau tuyên bố của Triều Tiên về kế hoạch phóng tên lửa mang vệ tinh quan sát Trái đất vào khoảng thời gian từ ngày 12 đến 16.4.
Còn nhiều rào cản cho đàm phán 6 bên
Tờ "Thời báo Hàn Quốc" dẫn nhận định của giới chuyên gia cho rằng, ngay cả khi Mỹ và CHDCND Triều Tiên tránh được “thế bí” liên quan đến vụ phóng vệ tinh sắp tới của Bình Nhưỡng thì chặng đường tiến tới nối lại cơ chế đàm phán 6 bên vẫn còn hiện hữu nhiều “rào cản” khó vượt qua.
Những hy vọng về giải pháp ngoại giao vừa nhen nhóm lên sau Thỏa thuận Triều - Mỹ 29.2 bỗng chốc bị dập tắt hoàn toàn khi Bình Nhưỡng tuyên bố phóng vệ tinh vào quỹ đạo sử dụng tên lửa đẩy tự chế tạo. Cộng đồng quốc tế đều cho rằng đây là động thái che giấu một vụ thử tên lửa tầm xa.
Giáo sư Huh Nam-sung thuộc Đại học Quốc phòng Quốc gia Hàn Quốc (KNDU) cho rằng “Thỏa thuận 29.2 bao gồm nhiều vấn đề khó thực hiện và CHDCND Triều Tiên có thể dễ dàng tẩy chay với chùm cà rốt trong tay. Chúng ta đã được chứng kiến nhiều lần hình ảnh đó qua các cuộc đàm phán trong quá khứ”.
Theo thỏa thuận nói trên, Mỹ sẽ viện trợ 240.000 tấn lương thực. Đổi lại, CHDCND Triều Tiên chấp nhận cho phép các thanh sát viên hạt nhân quốc tế trở lại giám sát việc dừng chương trình làm giàu urani ở Yongbyon cũng như các hoạt động thử hạt nhân và tên lửa. Giáo sư Huh Nam-sung cho rằng, các điều khoản của Thỏa thuận 29.2 chỉ được thực hiện khi các cuộc đối thoại tiếp tục được duy trì. Điều này có nghĩa Bình Nhưỡng có thể rời bàn đàm phán bất cứ lúc nào mà họ thấy cần thiết.
Quang Minh