Dân Việt

Những món khoái khẩu từ... xương rồng

29/03/2012 11:38 GMT+7
Xương rồng luộc xong vắt ráo nước đem xào với mỡ, nêm thêm muỗng nước mắm... Mùa đông mưa dầm, các mẹ cắt vài đọt xương rồng vào luộc trộn với đậu phộng rang giòn là đã có món gỏi xương rồng nức mũi.

img

Gỏi xương rồng

Chắc hẳn ít ai biết rằng cây xương rồng - một loại cây mọc hoang thành rừng ở vùng cát ven biển các tỉnh miền Trung - lại có thể chế biến thành nhiều món ăn khoái khẩu.

Với cư dân vùng cát huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, xương rồng là một loại thực phẩm có thể luộc, nấu canh hoặc làm gỏi ăn thay cơm vào những năm đói kém, mất mùa. Loài cây chịu được nắng nóng, cát bỏng với gai nhọn chi chít quanh thân này là một nguồn rau xanh dồi dào của người dân vùng cát. Xương rồng có thể xào với tôm, trộn với thịt heo ba chỉ, nấu canh chua với cá lóc, cá trê... Hay đơn giản chỉ cần một nắm hạt đậu phộng rang giòn là đã có một đĩa gỏi xương rồng vừa ngon mắt vừa khoái khẩu.

Gia đình cụ ông Phan Lợi (85 tuổi) nhà ở thôn 5, xã Bình Dương đã mời chúng tôi một bữa cơm với món xương rồng xào tôm thơm ngào ngạt. Lần đầu tiên được ăn món lạ, cảm giác của tôi hơi ngần ngại. Nhưng khi đã nếm thử đũa đầu tiên, tôi biết từ nay trong thực đơn của mình có thêm một món ngon từ loài cây gai góc này.

Thấy chúng tôi tấm tắc khen ngon, cụ Lợi tự hào: “Xương rồng là loại cây cứu đói cho dân tụi tui hồi những năm đói kém, mất mùa. Giờ đời sống khá giả hơn, có tôm cá, thịt đủ thứ, món xương rồng cũng thay đổi theo. Cô thấy đó, xương rồng nấu với thứ gì cũng ngon hết”.

Xương rồng mọc hoang ở các đồi, gò, bãi cát, ai muốn lấy bao nhiêu cũng được, miễn là khéo léo tách các đọt xương rồng sao cho gai không đâm vào tay. Buổi trưa đi làm đồng về, bắc nồi cơm lên bếp, cầm dao ra bãi cát phạt chừng 3-5 đọt xương rồng đem vào là cả nhà đã có một bữa canh mát lòng.

img

Bà Nguyễn Thị Tăng (vợ cụ ông Phan Lợi) đi cắt xương rồng

Chế biến xương rồng rất đơn giản. Chỉ cần gọt sạch gai ở bốn phía, tách lớp màng mỏng ở ngoài cho sạch rồi thái mỏng, đem luộc trên bếp chừng 5 phút, khi màu xanh chuyển sang màu vàng là được. Xương rồng luộc lên có màu vàng như dưa cải muối chua, đem vắt ráo nước là có thể xào, nấu món gì tùy thích.

Xương rồng luộc có vị chua chua, thơm nhẹ chứ không chua đậm như khế, không chua gắt như chanh. Cá lóc hay cá trê xắt lát đem ướp mắm muối, gia vị, bắc chảo xào lên cho thấm rồi cho xương rồng vào, đảo qua vài lượt rồi chế nước sôi vào. Nồi canh sôi chừng ba phút, nêm nếm vừa ăn cho thêm ngò gai, hành lá vào là có thể ăn ngay được.

Xương rồng khi nhai trong miệng cảm giác dai dai, sần sật, chua chua rất ngon chứ không mềm như dọc mùng. Mùa hè ở xứ cát nóng nực, bữa trưa chỉ cần một bát canh chua xương rồng kèm với chén nước mắm ớt là cả nhà đã có một bữa cơm ngon miệng.

Xương rồng luộc xong vắt ráo nước đem xào với mỡ, nêm thêm muỗng nước mắm cũng là một món dễ đưa cơm. Mùa đông mưa dầm không đi chợ được, các mẹ ở vùng cát chỉ cần ra sau vườn cắt vài đọt xương rồng vào luộc trộn với một nhúm đậu phộng rang giòn là đã có một món gỏi xương rồng thơm nức mũi. Đây cũng là một trong những món nhậu khá bắt mồi của ngư dân vùng cát trong những ngày trăng sáng, thuyền nằm bờ.

Theo Tuổi Trẻ