Cắt băng khai trương Công ty TNHH một thành viên Tâm Phát. |
Ý tưởng đúng đắn (dù khá trễ) này xuất phát từ một nữ doanh nhân trẻ - bà Đinh Thoại Dung - Giám đốc Công ty TNHH MTV Tâm Phát (số 22, Nguyễn Hữu Cảnh, thị trấn An Phú, huyện An Phú).
Gắn doanh nghiệp với nông dân
Chị Dung bộc bạch: Sau hơn 10 năm “tắm” mình trong nghề nuôi cá tra và kinh doanh thức ăn, thuốc thủy sản, tôi nhận thấy nghề nuôi cá tra đã quá nhiều thăng trầm. Những tổn thất, thiệt hại không chỉ ảnh hưởng đến ngư dân, cả doanh nghiệp xuất khẩu, nhà sản xuất cung ứng thức ăn chăn nuôi cũng bị tác động. Vì tâm huyết với nghề, tôi quyết định lập công ty làm vai trò trung gian liên kết các doanh nghiệp với nông dân nhằm tạo sức mạnh phát triển bền vững nghề nuôi cá.
Ngày 17-11-2010 vừa qua, công ty đã chính thức ra mắt và tiến hành ký kết các văn bản thỏa thuận liên kết hợp tác với các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng thức ăn chăn nuôi, thuốc thủy sản lớn nhất Việt Nam, ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm đầu ra cho ngư dân nuôi cá và với các doanh nghiệp thu mua, chế biến thủy sản đông lạnh xuất khẩu.
Theo thỏa thuận ký kết, Công ty TNHH MTV Tâm Phát sẽ làm đầu mối nhận thức ăn chăn nuôi và thuốc thủy sản của các nhãn hiệu có uy tín như ANOVA, CONCO, CARGILL… để cung ứng cho ngư dân nuôi cá với giá gốc của nhà máy xuất bán ra. Mức hỗ trợ tối đa là 30% trên tổng chi phí thức ăn nuôi cá của nông dân và không tính lãi.
Nông dân còn được tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật nuôi, quản lý dịch bệnh và chất thải, hỗ trợ nuôi theo tiêu chuẩn Global GAP, bảo vệ rủi ro, hỗ trợ chiết khấu giá mua thức ăn, chiết tính giá thành nuôi sao cho đảm bảo có lãi, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm và bảo vệ giá xuất bán, ưu đãi phương thức thanh toán tiện lợi nhất… Nông dân tham gia vào hệ thống khách hàng của Tâm Phát, ngoài việc được ưu đãi và bảo vệ quyền lợi thì phải tuân thủ nghiêm ngặt những quy trình kỹ thuật của công ty, nhằm tránh những rủi ro thiệt hại xảy ra.
Hài hòa lợi ích
Nông dân Nguyễn Hữu Nguyên (xã Mỹ Phú, Châu Phú) vui mừng: Sản phẩm cá tra nuôi lệ thuộc 80% giá thành sản xuất. Người nuôi cá luôn phụ thuộc vào các nhà máy chế biến xuất khẩu. Sự liên kết giữa người bán và người sản xuất sẽ cứu được nghề nuôi cá tra.
Theo thỏa thuận hợp tác bao tiêu sản phẩm cá tra cho ngư dân, Công ty TNHH MTV Tâm Phát đã ký kết hợp tác với công ty TNHH Xuất nhập khẩu thủy sản Thuận An và Công ty IDI. Việc bảo vệ giá xuất bán của ngư dân nuôi cá, bà Dung cho biết Tâm Phát sẽ lấy giá chuẩn của 3 doanh nghiệp lớn là Công ty Agifish, Công ty Vĩnh Hoàn và Nha Trang để thu mua cá cho nông dân. Sau đó, Tâm Phát sẽ bán lại cho các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu, thanh toán tiền cho nông dân ngay sau khi bán cá.
Bà Nguyễn Thị Huệ Trinh - Giám đốc Công ty TNHH SX-TM-DV Thuận An cho rằng đây là mô hình rất có lợi cho người nuôi cá, mở ra hướng phát triển bền vững cho ngành nuôi thủy sản trong điều kiện khó khăn nhất của con cá tra.
Ông Lê Chí Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội AFA nhận xét, nghịch lý đang xảy ra với nghề nuôi và chế biến cá tra xuất khẩu. Hiện tại, nguồn nguyên liệu cá tra đang thiếu cho các nhà máy chế biến nhưng lại thừa sản phẩm xuất khẩu. Trong khi ngư dân nuôi cá tra ngày càng gặp khó khăn thì doanh nghiệp chế biến xuất khẩu đang phát triển mạnh.
Lợi ích của doanh nghiệp chế biến xuất khẩu không đồng hành với lợi ích của nông dân. Do đó, mô hình liên kết của Công ty TNHH MTV Tâm Phát sẽ hài hòa lợi ích giữa người bán và người sản xuất, mở ra cơ hội hợp tác phát triển ổn định sắp tới cho nông dân nuôi cá tra.
Hà Ngân