Phóng viên Dân Việt đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Quang A - một chuyên gia trong lĩnh vực CNTT-VT xung quanh những bài toán của thị trường viễn thông hiện nay.
Ông có nhận xét gì về thị trường viễn thông của chúng ta hiện nay, cụ thể là về tính cạnh tranh và về chất lượng, giá cả phục vụ người tiêu dùng?
- Theo tôi, thị trường viễn thông của VN hiện nay, nhất là ở mảng di động, có sức cạnh tranh rất cao. Chất lượng phục vụ có thể còn điều này điều kia nhưng giá cả tương đối vừa phải so với khu vực.
Việc cổ phần hoá các doanh nghiệp viễn thông sẽ giúp người tiêu dùng hưởng lợi về giá cả, dịch vụ... |
Hai mạng viễn thông lớn là Vinaphone và MobiFone, là hai mạng đầu tiên thuộc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông VN (VNPT) đều phát triển rất nhanh chỉ trong thời gian ngắn. Nhưng theo tôi, không phải bản thân họ tài giỏi mà chủ yếu do thị trường Việt Nam quá tiềm năng, rồi xuất phát từ nhu cầu của người tiêu dùng rất lớn. Nhờ vậy chỉ trong thời gian ngắn 2 nhà mạng này đã tích lũy được số vốn kha khá và phát triển khá tốt, tỷ lệ phần trăm thị phần đều cao ngất ngưởng.
Tuy hoạt động hiệu quả, nhưng trước yêu cầu tái cấu trúc các tập đoàn, tổng công ty thời gian tới đang đặt ra bài toán với VNPT lúc này là phải “xử lý” 2 DN trực thuộc tập đoàn như thế nào để phù hợp với quy định trong Luật Viễn thông. Phương án sáp nhập, là một trong những phương án đang được tính đến liệu có đưa thị trường viễn thông về giống như điện, xăng dầu… Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
- Về mặt kinh tế, đây là chuyện bình thường, nhưng trước khi đưa ra quyết định cuối cùng phải xem xét vấn đề trên nhiều phương diện, mặt lợi – hại. Chẳng hạn như vấn đề có vi phạm luật, nghị định, liệu có trở thành công ty độc quyền chèn ép các công ty khác và nếu có thì bài toán xử lý ở đây sẽ như thế nào. Mặt khác, đối với thị trường viễn thông di động, việc sáp nhập rất dễ xuất hiện nguy cơ chèn ép các công ty khác. Bởi tính chất của thị trường viễn thông di động hơi khác so với thị trường cạnh tranh khốc liệt khác. Khi sáp nhập sẽ tạo ra một công ty mới có thị phần quá lớn, dễ đưa đến tình trạng độc quyền. Nhưng, tôi nghĩ lúc đó, sự quản lý và điều tiết kịp thời của Nhà nước sẽ ngăn chặn được điều này.
Trước đây, việc ra đời MobiFone và một số mạng di động khác được đánh giá như bước cải cách lớn nhằm phá thế độc quyền trong lĩnh vực viễn thông, tạo điều kiện để người tiêu dùng được hưởng nhiều lợi ích về dịch vụ và về giá. Tuy nhiên, nếu sáp nhập, có được hiểu nôm na là quay lại điểm ban đầu?
- Theo tôi không hoàn toàn như vậy. Việc 2 mạng di động này nếu được chấp thuận sáp nhập chỉ nhằm tuân thủ Nghị định 25 của Chính phủ, do bản thân VNPT không thể cùng lúc có 2 đơn vị cùng hoạt động trên một lĩnh vực. Chắc mong muốn này của họ chỉ là một cách thực hiện hòa hợp với Nghị định 25.
So sánh giữa 2 phương án, sáp nhập và cổ phần hóa đối với 2 mạng viễn thông này thì theo ông, phương án nào sẽ đem lại nhiều lợi ích hơn cho người tiêu dùng? Cái hại đem lại nếu sáp nhập là gì?
- Cổ phần hóa bao giờ cũng là phương pháp tốt, mang nhiều lợi ích cho người tiêu dùng, nhưng chắc chắn nó lại ngược với mong muốn của VNPT. Quan điểm cá nhân của tôi, VNPT chỉ chiếm 20% vốn điều lệ là hay nhất nhưng đây là phương án mà VNPT không trình lên cơ quan chủ quản là Bộ Thông tin và Truyền thông vì không mang lại nhiều lợi nhuận cho chính VNPT.
Còn nếu sáp nhập, đầu tiên chúng ta cần nghĩ đến cái lợi đạt được. Chắc chắn quy mô của tập đoàn sẽ tăng, tiết kiệm được chi phí vận hành, tiết kiệm nguồn lực đầu tư… Rồi xây dựng mạng lưới, trạm phát cũng tiết kiệm nhiều chi phí hơn, dành vốn còn lại đầu tư vào hạng mục khác như nâng cao chất lượng… Điểm có thể dở hơn, theo tôi là sau khi sáp nhập có thể trở thành công ty độc quyền, lấn át thị trường, chèn ép những đối thủ khác hoạt động trong cùng lĩnh vực. Quan điểm của tôi, Nhà nước cần làm sao không để điều này xảy ra, không để xảy ra tình trạng hành xử của một “ông lớn”, làm sao 2 nhà mạng đều được tạo điều kiện cùng phát triển, sàn sàn như nhau, cạnh tranh khốc liệt với nhau mới là phương án hay. Vì nếu để cho nó dùng thị phần, sức mạnh thị trường độc quyền làm tổn hại đến nhà cung cấp dịch vụ khác thì lựa chọn của người tiêu dùng sẽ ít đi và gặp thiệt hại.
Vậy, theo ông tại sao VNPT không chọn giải pháp cổ phần hóa Vinaphone để nó hoạt động hiệu quả như MobiFone?
- Có thể nhận thấy lúc này VNPT chưa thật sự cần thiết cổ phần hóa Vinaphone. Nếu cổ phần hóa cả hai, VNPT chỉ nắm giữ 20% vốn, còn lại buộc chuyển sang cho Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước, lúc đó VNPT sẽ thiệt. Với tư cách một tổ chức, chắc chắc VNPT muốn quyền lực của mình lớn hơn chứ chọn phương án gây tổn hại về mặt lợi ích cho mình thì họ không muốn làm.
Theo cá nhân tôi, phương án cổ phần hóa là thích hợp nhất, lúc này sẽ tạo trên thị trường sự tồn tại của 3 nhà mạng lớn, họ phải cạnh tranh khốc liệt, như thế người tiêu dùng càng được lợi, chất lượng tăng lên mà giá cả sẽ phải giảm.
Để đẩy mạnh thị trường viễn thông hoạt động hiệu quả, đem lại nhiều lợi ích hơn nữa cho người sử dụng theo ông cần có giải pháp gì?
- Chỉ có cách bắt các nhà kinh doanh cùng cạnh tranh rồi chính người tiêu dùng sẽ quyết định nên dùng nhà mạng nào cho tốt, đây mới là sức ép lớn nhất. Theo tôi, để đẩy mạnh thị trường viễn thông hoạt động hiệu quả hơn nữa chưa chắc chính phủ đã làm được, chỉ có sức mạnh thị trường và sức ép từ người tiêu dùng đòi hỏi các nhà kinh doanh phải nâng cao chất lượng.
Xuân Trang (thực hiện)