Dân Việt

Bi kịch đời đẻ mướn - Cắt rốn, cắt tình mẫu tử

01/03/2011 20:14 GMT+7
(Dân Việt) - Những ngày nằm trong phòng hậu sản, bản năng làm mẹ khiến người đẻ mướn nhớ con như điên dại, nhưng tất cả đã muộn, bởi cô đã ký vào bản giao kèo cắt rốn là cắt tình mẫu tử.

Những bản giao kèo nghiệt ngã

Như bất kỳ người đẻ mướn nào, trong suốt thời kỳ mang thai, Vohra phải tuân thủ nghiêm túc những quy định được đặt ra trong bản giao kèo giữa cô và vợ chồng Ordenes.

img
 

Bản hợp đồng đẻ mướn của Vohra và Ordenes quy định rõ: “Đối tác” phải tuân thủ mọi nguyên tắc về vệ sinh thân thể, phải khám thai đều đặn và thông báo trung thực cho người thuê những biểu hiện bất thường nếu có trong khi mang thai.

Ngày 28.2, đại diện Phòng Quản lý xuất nhập cảnh (Công an tỉnh Bạc Liêu), cho biết sẽ nhanh chóng xác minh thông tin về nhân thân các cô gái vừa được giải thoát trong đường dây đẻ thuê tại Thái Lan để sớm đưa các cô này về nước.

Trước đó, ông Phạm Minh Tuấn - Bí thư thứ nhất Đại sứ quán VN tại Thái Lan cho biết, trong số hơn 10 cô gái VN sang đây đẻ thuê có đến 8 người quê Bạc Liêu. Chiều 28.2, Bộ Y tế, các cơ quan chức năng khác của Thái Lan phối hợp với Đại sứ quán VN tiến hành làm việc với các cô gái vừa được giải thoát. (Trúc Ly)

Ngoài ra, “đối tác” cũng phải tuân thủ theo đúng chế độ dinh dưỡng được người thuê ủy thác cho bác sĩ theo dõi hàng ngày. Đặc biệt, một trong những giao ước quan trọng nhất của hầu hết các hợp đồng đẻ mướn đặt ra là sau khi sinh con, người mẹ đẻ mướn phải cắt đứt mọi quan hệ với đứa trẻ, không được phép tiếp cận đứa bé, cũng như làm phiền đến gia chủ.

Rubina Mondal, 30 tuổi, một cô gái ở vùng Anand không thể quên cái ngày khi cô tròn 20 tuổi. Hôm đó, trên chuyến xe từ Gujarat đến Punjab kiếm việc làm, Mondal gặp một phụ nữ lạ. Bà ta ngồi kế bên Mondal và cuộc hành trình dài đó đã được sẻ chia bằng một câu chuyện buồn về hôn nhân gia đình.

Người đàn bà nọ kể về cuộc sống như địa ngục kể từ sau lần bà phát hiện ung thư tử cung, phải cắt bỏ. Không còn khả năng sinh con, người phụ nữ phải sống trong sự ghẻ lạnh của người chồng và gia đình chồng. Rồi một ngày, bà ta nghĩ rằng, phải tìm cho người chồng một đứa con, bằng mọi giá.

Người đàn bà đó, lặng lẽ đi khắp nơi, càng xa càng tốt, để tìm được một cô gái vừa ý. Bà ta gặp Mondal và xem như đó là duyên phận! Sau một hồi tỉ tê, thuyết phục, Mondal nghĩ về người cha tật nguyền và người chị có tuổi mà chưa thể lấy chồng vì gia đình không có của hồi môn, cô chấp nhận làm một người mẹ đẻ mướn ở độ tuổi 20.

Mondal nhớ lại, cách đây 10 năm, công nghệ cấy trứng và tinh trùng chưa nở rộ như bây giờ, nên cô đành chấp nhận “quan hệ” với người đàn ông để mang thai. Mondal được dẫn đến một căn phòng xa lạ. Tại đây, cô và người đàn ông đã làm công việc thụ thai, dưới sự canh chừng của người vợ.

Một trong những giao kèo của Mondal và người vợ là khi gặp gỡ và “quan hệ” với người đàn ông, cô không được phép hỏi chuyện và sẽ bị che mặt bằng một tấm khăn trùm. Sau khi thụ thai thành công, người đàn ông sẽ không bao giờ xuất hiện trở lại, mọi quá trình mang thai và sinh nở sau này, Mondal chỉ được giao dịch với người phụ nữ.

Đặc biệt, sau khi đứa trẻ được sinh ra, cắt rốn, nó hoàn toàn xa lạ và tách rời mãi mãi với Mondal. Đổi lại, Mondal sẽ được nhận một khoản tiền lớn vào thời điểm đó.

Bản năng làm mẹ

Sau lần làm mẹ đó, suốt mười năm nay, Mondal chủ yếu sống bằng nghề đẻ mướn và chưa có cả thời gian rảnh để lấy chồng. Mỗi đứa con cô sinh ra đều gắn liền với một bản hợp đồng. Câu nói cuối cùng cô thường nhận được sau khi công việc hoàn tất là “Hãy quên đứa bé và cả chúng tôi nữa nhé”, khiến tâm hồn Mondal chai sạn.

Khác với Mondal, một phụ nữ đẻ mướn khác là Sofia Malanja lại có bi kịch đau đớn khi mang thai. Malanja biết đến Trung tâm sinh sản Akanksha của bác sĩ Nayna Patel thông qua một chương trình truyền hình năm 2009. Nghĩ rằng, bà Patel có thể giúp cô thoát khỏi hoàn cảnh khó khăn hiện nay, Malanja đã lặn lội từ thành phố Kolkata đến Anand với hi vọng sẽ giành được một hợp đồng đẻ mướn. Tất cả chỉ vì lý do kinh tế, khi đứa con trai 8 tuổi của Malanja đang phải vật lộn với cuộc sống do dị tật tim bẩm sinh gây ra.

Malanja chấp nhận mang thai hộ một cặp vợ chồng người Anh, với mức thù lao 7.500USD. Nhưng thật bất hạnh, sắp đến ngày sinh nở, đứa con trai 8 tuổi của cô đã từ giã cõi đời do căn bệnh hiếm gặp.

Đau đớn vì mất con đến tột cùng, Mondal chuyển dần tình yêu vào đứa trẻ cô đang mang trong bụng mình. Nhưng khi đứa con vừa lọt lòng đã bị cặp vợ chồng người Anh mang đi, trả lại cho cô số tiền như đã giao kèo.

Chút may mắn còn lại đến với Malanja là sau khi về Anh, cặp vợ chồng kia đã chụp ảnh em bé và gửi về cho cô xem. Mỗi ngày nhìn ngắm đứa con không phải là huyết thống, nhưng do chính cô mang nặng đẻ đau, khiến Malanja luôn đau đáu trong lòng về một núm ruột của mình phải rời bỏ.

(Còn nữa)