Giàn khoan CNOOC 981 của Trung Quốc trên biển Đông |
Trong bài viết "Trung Quốc và những tranh chấp tại biển Đông: chiến lược mới và cũ" được đăng trong ấn phẩm số tháng 1.2013 mới đây của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, nhà phân tích Lye Liang Fook, phó giám đốc Viện Đông Á thuộc Đại học Quốc gia Singapore, đã cảnh báo những chiến lược mới do Trung Quốc áp dụng trong tranh chấp ở biển Đông cần được làm rõ bởi chúng có ảnh hưởng trực tiếp đến tiến trình giải quyết tranh chấp ở biển Đông, cũng như các nỗ lực để tiến tới ký kết Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông mà ASEAN đang thúc đẩy.
Những chiến lược mới
Theo ông Lye, Trung Quốc một mặt tiếp tục duy trì quan điểm song phương trong tranh chấp ở biển Đông, mặt khác lại thực thi một số chiến lược mới.
Một trong những chiến lược mới này là tăng cường thăm dò dầu khí ở biển Đông, bao gồm cả những khu vực tranh chấp mà một số quốc gia ASEAN tuyên bố chủ quyền, trong đó có Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei. Ông dẫn chứng: vào tháng 9.2010, Chevron China và BP China đã được bật đèn xanh cho việc khai thác dầu khí tại ba khu vực biển sâu là 42/05, 64/18 và 53/30 tại biển Đông.
Vào tháng 5.2011, Công ty Dầu khí ngoài khơi quốc gia của Trung Quốc (CNOOC) đã kêu gọi các công ty nước ngoài tham gia liên doanh để khai thác dầu khí tại 19 khu vực ngoài khơi Trung Quốc, kể cả tại vùng có tranh chấp với Việt Nam (65/24). Vào tháng 6.2012, Trung Quốc lại kêu gọi nước ngoài tham gia liên doanh khai thác dầu khí tại chín khu vực trong vùng kinh tế đặc quyền của mình, trong đó có cả khu vực mà Việt Nam khẳng định chủ quyền.
Một chiến lược mới khác của Trung Quốc là tăng cường quấy rối, uy hiếp, ngăn chặn và đánh đuổi các tàu nước ngoài thực hiện khảo sát, nghiên cứu địa chấn, thăm dò dầu khí hay đánh bắt cá trên biển Đông. Tháng 3.2011, Philippines đã lên tiếng phản đối tàu tuần tra của Trung Quốc uy hiếp tàu khai thác dầu khí đang hoạt động tại khu vực cách tỉnh Palawan của Philippines 50 dặm.
Cũng năm này, Philippines cáo buộc tàu cá của Trung Quốc bắn vào ngư dân Philippines. Tương tự, Việt Nam thông báo rằng tàu hải giám của Trung Quốc đã cố tình cắt cáp của tàu khảo sát tại vùng biển của Việt Nam vào tháng 5.2011.
Thêm vào đó, Trung Quốc cũng sử dụng các biện pháp hành chính và pháp lý để khẳng định chủ quyền phi pháp trên biển Đông, trong đó có việc thành lập cái gọi là "thành phố Tam Sa" hồi tháng 6.2012 với phạm vi quản lý bao gồm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Ngang ngược hơn, chính quyền tỉnh Hải Nam của Trung Quốc hồi tháng 11.2012 còn thông qua điều lệ cho phép cảnh sát biên phòng khống chế tàu nước ngoài "thả neo bất hợp pháp trên vùng lãnh hải thuộc quyền quản lý của tỉnh Hải Nam" và buộc các tàu này quay lại. Mục đích của điều lệ này là nhằm vào ngư dân Việt Nam ra quần đảo Hoàng Sa đánh bắt hải sản.
Trung Quốc cũng áp dụng hàng loạt biện pháp từ gây sức ép chính trị và ngoại giao đến tăng cường khả năng hải quân, thậm chí áp dụng cả những biện pháp kinh tế chẳng hạn như với Philippines hòng buộc các nước liên quan đến tranh chấp phải nhượng bộ.
Vấn đề trong nước
Khảo sát những chiến lược mới của Trung Quốc, nhà nghiên cứu Lye Liang Fook nhấn mạnh cần phải đặt vấn đề biển Đông vào bối cảnh chung các vấn đề mà giới lãnh đạo Trung Quốc đang phải giải quyết. Ưu tiên cao nhất của Bắc Kinh vẫn là đối nội. Trung Quốc đang phải đối mặt với một loạt thách thức trong nước đang cần sự quan tâm cấp thiết và hành động tức thời như bài trừ tham nhũng tràn lan, giải quyết khoảng cách giàu nghèo ở thành thị và nông thôn ngày càng tăng, duy trì một mô hình tăng trưởng kinh tế cân bằng hơn...
Ông Lye kết luận: nếu không xử lý tốt, một trong số những vấn đề này có thể gây ra bất ổn chính trị xã hội. Vì vậy, theo ông Lye, tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở biển Đông tuy quan trọng với Bắc Kinh nhưng là thứ yếu so với các vấn đề trong nước.