Dân Việt

Người đọc được “suy nghĩ” của chuột?

12/03/2013 07:11 GMT+7
(Dân Việt) - Các nhà khoa học đã phát triển được một thiết bị đọc suy nghĩ có thể kết nối những con chuột ở Mỹ và Brazil với nhau. Họ tuyên bố thiết bị này mở ra khả năng một ngày nào đó con người và động vật có thể đọc được suy nghĩ của nhau!

“Thần giao cách cảm”

img
Những con chuột liên lạc với nhau bằng thiết bị tương tác đặc biệt cấy vào não

Các nhà khoa học đã phát triển một dạng thần giao cách cảm thô ở động vật, bằng cách giúp một cặp chuột có thể “đọc - hiểu” suy nghĩ của nhau dù ở cách xa nhau hàng nghìn dặm, thông qua một vi chíp cấy ghép vào bộ não của chúng.

Nhóm các nhà khoa học thuộc Đại học Duke (bang Bắc Carolina, Mỹ), cho biết: “Theo như chúng tôi biết, những phát hiện này lần đầu tiên chứng minh rằng một kênh trao đổi thông tin hành vi trực tiếp có thể được thiết lập giữa 2 bộ não của động vật mà không dùng bất kỳ hình thức thông tin liên lạc thông thường nào”.

Trưởng nhóm nghiên cứu Miguel Nicolelis, một người tiên phong trong hoạt động nghiên cứu tương tác não bộ-máy vi tính, nói nghiên cứu là bước đầu tiên hướng đến việc kết nối nhiều bộ não lại với nhau để hình thành một “máy tính sinh học” hay “mạng lưới não bộ” có thể cho phép chia sẻ thông tin giữa các nhóm động vật.

Ông nói: “Chúng ta thậm chí không thể dự đoán những gì sẽ xảy ra khi động vật bắt đầu có thể kết nối với nhau qua một mạng lưới não bộ. Về lý thuyết, chúng ta có thể tưởng tưởng rằng sự kết hợp các bộ não với nhau sẽ cung cấp những giải pháp mà một bộ não đơn lẻ không bao giờ nghĩ tới.

Nó còn có thể dẫn đến việc một con vật sẽ cảm thấy khác về khái niệm “chính mình”, nhưng cũng có lo ngại có thể dẫn đến sự phát triển việc kiểm soát tâm trí”.

Trong các cuộc thí nghiệm, được công bố trên nhật báo Scientific Reports, các điện cực siêu nhỏ được cấy vào trong bộ não của các con chuột giúp chúng có thể chuyển hướng dẫn của mình sang con kia, dù chúng đang ở trong những chiếc lồng đặt cách xa nhau.

Con chuột đầu tiên, được gọi là chuột “tạo mã”, được dạy cách tìm nước ở trong lồng dựa vào hướng dẫn của đèn và nhấn một cần gạt đặc biệt. Bộ não của nó được “kết nối” với con chuột thứ hai, được gọi là chuột “giải mã”. Con chuột này không hề được huấn luyện về cách tuân theo ánh sáng và gạt cần gạt để lấy nước. Nhưng dựa vào hướng dẫn từ xa từ não bộ của con chuột “lập mã”, 70% nó vẫn lấy được nước, vượt xa tỷ lệ thành công bình thường nó có thể làm được.

img
Tiến sĩ Miguel Nicolelis, người dẫn đầu nhóm nghiên cứu

“Liên lạc hai chiều”

Đáng chú ý hơn là sự liên lạc giữa 2 con chuột không phải chỉ một chiều, mà dường như là hai chiều. Chuột “lập mã” sẽ không được nhận hết phần thưởng nếu chuột “giải mã” chọn lựa sai. “Chúng tôi thấy rằng khi chuột giải mã có chọn lựa sai, chuột lập mã sẽ thay đổi cả chức năng não và hành vi để giúp chuột giải mã dễ dàng hơn”, theo tiến sĩ Nicolelis, và ông tin rằng điều đó chứng tỏ đã có liên lạc hai chiều diễn ra giữa hai con chuột.

Thử nghiệm thứ hai liên quan đến cặp chuột phải chọn lựa giữa những cánh cửa rộng và hẹp bằng bộ râu của chúng. Một lần nữa, tín hiệu não bộ được truyền từ một con chuột có hành vi đúng đắn sang con chuột khác để có phần thưởng.

Bằng chứng từ thử nghiệm cho thấy chuột giải mã bắt đầu phát triển một kỹ năng đôi, nó có thể chọn cửa giữa trên cảm giác từ bộ râu của chính nó và của con chuột lập mã.

Tiến sĩ Nocolelis nói: “Nghiên cứu của chúng tôi về vỏ não của chuột giải mã trong các thí nghiệm này cho thấy nó không chỉ nhận cảm giác từ riêng bộ râu của mình, mà cả từ râu của con chuột lập mã. Chúng tôi phát hiện các tế bào thần kinh trên vỏ não chuột giải mã có phản ứng với cả hai bộ râu. Điều này được lập lại với một cặp chuột khác, một con ở thành phố Durham, Bắc Carolina, con kia ở Natal, Brazil.

Bằng việc ghi lại những tín hiệu não từ con chuột và chuyển chúng lên internet đến con kia, các nhà khoa học có thể thay đổi hành vi của con chuột “giải mã” bất chấp khoảng cách vô cùng xa.

Theo Thế giới & Hội nhập