Theo những người lớn tuổi kể lại thì ngày xưa, chị em phụ nữ mà có được một bộ quần áo may bằng lãnh Mỹ A thì thật là sang trọng. Bộ quần áo ấy chỉ dành để mặc vào những ngày lễ, tết. So với lãnh Mỹ A, vải "xá xị Xiêm" - một loại lụa Thái Lan nổi tiếng thời đó - cũng không sánh bằng.
Bên nàng mặc lãnh Mỹ A
Đưa đò sang chợ, tưởng xa hóa gần.
Câu ca truyền miệng từ xưa quanh các bến đò ngang ở đất Tân Châu này chắc hẳn nhiều người còn nhớ. Đó không chỉ là lời tán tỉnh cô gái đẹp của anh lái đò, mà câu ca còn hàm ý kết luận rằng "người đẹp nhờ lụa"... Mà phải là lụa Tân Châu mới càng làm tôn thêm nét duyên dáng, đến nỗi chàng lái đò cảm thấy dòng sông như ngắn lại khi có cô gái mặc lãnh Mỹ A ngồi cạnh.
Khi nghiên cứu về làng nghề của quê hương, nhà văn Mai Văn Tạo mới biết rằng, có một thời, lụa Tân Châu từng có mặt ở Singapor, Philippin và cả quốc gia nổi tiếng về nghề dệt vải là Ấn Độ, bởi nó được giới thượng lưu và hoàng tộc thời đó rất yêu thích.
Sáng trăng trải chiếu hai hàng
Bên anh đọc sách, bên nàng quay tơ
Quay tơ phải giữ mối tơ
Dẫu năm bảy mối cũng chờ mối anh...
Khung cảnh thanh bình trong bài thơ trên là hình ảnh thời kỳ đầu của nghề ươm tơ, dệt lụa ở Tân Châu. Thời đó, người ta dệt lụa theo khung dệt cổ. Khổ vải dệt ra chỉ rộng khoảng bốn tấc, khi may quần áo phải nối vải nên không đẹp. Dần dần, làng nghề tạo ra khung dệt khổ 8 tấc, rồi 9 tấc, đồng thời nghiên cứu làm cho lụa đẹp hơn, bền hơn với nhiều hoa văn tinh xảo như: cẩm tự, hoa dâu, hoa cúc, mặt võng, mặt đệm v.v...
Độc đáo nhất có lẽ là kỹ thuật nhuộm lụa từ trái mặc nưa, một kỹ thuật làm cho lụa Tân Châu đen tuyền, óng ả, quần áo mặc đến rách mà vải vẫn không bị xuống màu. Đây chính là phát kiến của người làng nghề xưa, nền tảng khiến cho lụa Tân Châu nổi tiếng một thời. Nhưng cho đến bây giờ, không ai biết chính xác người nào đã tìm ra cách nhuộm này. Chỉ biết rằng hồi đó, mỗi năm, người làng nghề phải qua Campuchia mua hàng trăm tấn trái mặc nưa mới đủ dùng. Sau này, người Việt trồng thử, thấy được nên trồng nhiều đến ngày nay.
Theo tư liệu thì trước năm 1945, ở Tân Châu đã có "nhà tằm" lớn của tư nhân, thu hút nhiều thợ ươm tơ, thợ dệt, thợ nhuộm vào làm. Rồi từ "nhà tằm" này, những người thợ học hỏi, trao đổi kinh nghiệm tay nghề cho nhau. Đến thập niên 1960 thì ở Tân Châu đã có hàng trăm nhà dệt quy mô lớn nhỏ khác nhau. Nhiều nhà dệt tiếng tăm còn mãi đến bây giờ như Đỗ Phước Hòa, Trần Văn Tôn, Trịnh Thế Nhân, Trần Văn Nho v.v... Một số con cháu của họ vẫn còn nối nghiệp gia đình đến ngày nay.
Lụa Tân Châu nổi tiếng nhờ dệt bằng tơ tằm. Để có những cuộn tơ vàng óng ả, người Tân Châu đã phải trải qua những tháng ngày trồng dâu nuôi tằm vất vả quanh năm. Có những năm, ruộng dâu trồng đến hơn 10.000 hecta, trải dài từ Tân Châu, Chợ Mới đến tận biên giới Campuchia, mới đủ cung cấp cho tằm ăn.
Nghề nào cũng vất vả, cũng phải chịu gian nan, khổ cực mới gặt hái được thành công. Với người Tân Châu, nghề trồng dâu nuôi tằm cũng khá vất vả. Từng có câu tục ngữ : "Làm ruộng ăn cơm nằm, làm tằm ăn cơm đứng". Tằm phải được chăm sóc suốt ngày đêm, nhất là trong giai đoạn đưa tằm lên bủa giăng tơ. Tuy nhiên, đây cũng là giai đoạn vui nhất của làng nghề, cũng giống như ngày nông dân ra đồng thu hoạch vụ mùa.
Sau những bước thăng trầm, làng nghề tơ lụa Tân Châu nay lại được vực dậy, con tằm lại tiếp tục nhả tơ. Ruộng dâu, vườn mặc nưa sống lại. Không những vậy, làng nghề phải nhập thêm kén ươm từ Bảo Lộc, Lâm Đồng về mới đủ cung cấp cho nhu cầu sản xuất. Tuy nhiên, nếu đem so sánh với các mặt hàng vải vóc hiện đại và đa dạng ngày nay, tơ lụa Tân Châu tỏ ra là một loại hàng khiêm tốn. Nó kén chọn người tiêu dùng, hoặc chủ yếu đáp ứng cho các trào lưu.
Đối với các nhà thiết kế thời trang chuyên nghiệp thì lụa Tân Châu là một sản phẩm thuần Việt, đậm đà tính dân tộc và là niềm tự hào của người Việt nếu chúng ta biết sử dụng chính lụa Việt Nam để tô đẹp thêm nét duyên dáng của phụ nữ Việt Nam.
Nhà thiết kế thời trang Võ Việt Chung đã chọn tơ lụa Tân Châu làm chất liệu chính trong nhiều chương trình giới thiệu thời trang và anh đã thành công ngoài sự mong đợi. Chính sự mềm mại và hoa văn phong phú, độc đáo của lụa Tân Châu đã gợi nên những ý tưởng sáng tạo trong anh. Những mẫu thiết kế bằng chất liệu lụa Tân Châu của anh đã được giới thiệu trong đợt Liên hoan Du lịch ĐBSCL tại An Giang.
Ngày nay, lụa Tân Châu đang từng bước tìm lại sức sống xưa của mình. So với thập niên 50 - 60 thì sản lượng còn kém xa, nhưng chất lượng tơ lụa thì đã ngang tầm với những quốc gia có ngành tơ lụa phát triển. Những sản phẩm bền và đẹp như hiện nay là kết quả của cả một quá trình người làng nghề không ngừng học hỏi, đổi mới công nghệ và luôn tìm ý tưởng sáng tạo nên những mẫu mã mới, đáp ứng nhu cầu của khách hàng.