Dân Việt

Bộ NNPTNT “đẩy” trách nhiệm cho doanh nghiệp!

12/03/2013 08:24 GMT+7
(Dân Việt) - Về tình trạng lúa chất lượng cao tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long không tiêu thụ được, hôm qua (11.3), phóng viên NTNN đã trao đổi với ông Phạm Văn Dư - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NNPTNT.

Ông Dư cho biết, vào dịp thu hoạch rộ, lượng lúa tồn đọng lớn là việc khó tránh, khỏi trong đó có lúa chất lượng cao, do doanh nghiệp chưa thu mua hết hoặc nông dân còn “găm hàng” chờ giá. Hiện việc tiêu thụ lúa gạo diễn ra bình thường, không có đột biến, các hợp đồng lương thực nhìn chung được thực hiện tốt. Sau khi thu mua tạm trữ giá lúa có nhích lên.

img
 

Vậy nhưng theo phản ảnh của một số địa phương, hiện nay, có một lượng lúa gạo chất lượng cao (bao gồm các giống lúa thơm và lúa đặc sản) đáng kể còn tồn đọng?

- Khó khăn của doanh nghiệp nước ta là có hợp đồng rồi mới đi mua lúa nên rất khó để nhận định chính xác xu thế tiêu thụ của thị trường gặp trở ngại. Trong trường hợp có định hướng sản xuất từ trước nhưng lại không có hợp đồng nên việc thu mua bị chậm trễ hoặc không tiến hành được. Vì thế, để giải bài toán này, doanh nghiệp phải gắn bó thực sự mật thiết với nông dân và vùng nguyên liệu để kịp thời và linh hoạt xử lý các tình huống.

Thực tế Bộ NNPTNT cũng khuyến khích nông dân nâng tỷ lệ giống chất lượng cao trong gieo trồng, trong đó có lúa thơm?

- Ở vụ đông xuân 2012- 2013, nông dân vẫn tăng diện tích lúa phẩm cấp thấp trong đó có IR 50404 (khoảng 30-40%) dù đã có khuyến cáo không gieo quá 20%, cho nên diện tích lúa chất lượng cao vụ này giảm, chỉ khoảng 60- 70% (trong đó 30- 35% là lúa thơm). Vì thế, tôi nghĩ việc tiêu thụ lúa chất lượng cao không có vấn đề gì, chỉ 1-2 tháng là tiêu thụ hết. Nếu trong tháng 3 thu hoạch dứt điểm thì tháng 4, tháng 5 sẽ tiêu thụ hết. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý là doanh nghiệp thu mua lúa gạo cần phải liên kết chặt chẽ hơn với nông dân và vùng nguyên liệu để từng bước khắc phục những khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ.

Xin cảm ơn ông!