TS Nguyễn Quang A trao đổi với PV Dân Việt xung quanh tác dụng cũng như lo ngại sau khi gói tín dụng 30.000 tỷ đồng hỗ trợ thị trường BĐS vừa được thông qua.
TS Nguyễn Quang A cho rằng: Tác động chung của nó không thể lớn. Tuy vậy, nó sẽ giúp một số người mua, thuê nhà ở giá thấp, cũng như giúp các công ty kinh doanh trong mảng thị trường này nhất là các công ty xây dựng nhà nước.
TS Nguyễn Quang A. |
Thưa ông, gói hỗ trợ thị trường BĐS trị giá 30.000 tỷ đồng vừa được thông qua ngày hôm qua 15.5. Thông tin này ít nhiều gây hy vọng cho cả người tiêu dùng và các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực BĐS.
Ông đánh giá ra sao về tác động của gói hỗ trợ này đối với thị trường BĐS? Liệu thị trường sẽ chuyển biến theo hướng nào?
- Gói hỗ trợ này chỉ dành riêng cho 5 ngân hàng thương mại nhà nước. Tổng dư nợ của các ngân hàng này cỡ 1.300 ngàn tỷ đồng và trong đó liên quan đến BĐS cỡ 650 ngàn tỷ và con số 30 ngàn tỷ chỉ chiếm khoảng 4,6%. Như thế tác động chung của nó không thể lớn. Tuy vậy, nó sẽ giúp một số người mua, thuê nhà ở giá thấp, cũng như giúp các công ty kinh doanh trong mảng thị trường này nhất là các công ty xây dựng nhà nước.
Nếu đồng ý với ý kiến cho rằng đây không phải là liều "thuốc tiên" để vực dậy thị trường BĐS thì theo ông cần phải thêm những giải pháp gì để không lãng phí nguồn lực 30.000 tỷ trong bối cảnh ngân sách khó khăn hiện nay?
- Thực ra, ngân hàng nhà nước cho 5 ngân hàng này vay với lãi suất thấp hơn 1,5% so với lãi suất mà họ cho khách hàng vay. Nói cách khác ngân hàng nhà nước cho vay với giá rẻ (4,5%) để các ngân hàng này cho vay với mức 6%. Như thế nói lãng phí nguồn lực 30.000 tỷ là chưa chính xác.
Phần lãng phí giả định (nhưng không thực) có thể là 450 tỷ mà thôi. Lãi suất huy động của các ngân hàng đang xuống (6% ở Vietcombank). Các ngân hàng đang khó cho vay chứ không phải thiếu tiền để cho vay. Và mức lãi suất cho vay 6% có thể làm tăng số khách hàng của mấy ngân hàng này.
Liên quan đến thị trường BĐS, thời gian qua có rất nhiều ý kiến tranh luận về việc cứu thị trường BĐS là cứu ai, người mua hay doanh nghiệp? Quan điểm của ông về vấn đề này? Theo ông với những quy định trong Thông tư này thì thực sự là cứu ai?
- Không thể cứu ai được với con số nhỏ như vậy, và cũng chẳng cần cứu ai cả. Tại sao lại phải cứu?
Thực ra, để vực dậy thị trường BĐS thì trước hết phải để thị trường điều tiết, các công ty nào thua lỗ phải để cho nó phá sản (tức là để các ông chủ của nó bị thiệt thậm chí mất hết vốn và không còn khả năng tham gia thị trường nữa và như thế làm trong sạch thị trường) và khi đó các chủ mới tiếp thu khối bất động sản ấy có thể bán với giá thấp hơn rất nhiều so với giá của các công ty bị phá sản muốn bán nhưng chẳng ai mua.
Tức là phải chấp nhận uống thuốc đắng để trị bệnh. Còn với 30 ngàn tỷ, nếu làm đúng, chỉ là để kích thích một mảng của thị trường (cái gọi là nhà ở xã hội) mà thôi.
Về gói tín dụng, dư luận lo ngại vốn giá rẻ (lãi suất 6%) sẽ khó đến tay người mua nhà. Là một chuyên gia từng làm trong lĩnh vực ngân hàng theo ông với những quy định trong Thông tư vừa được thông qua thì liệu người dân có hy vọng tiếp cận được với gói tín dụng lãi suất thấp này một cách công bằng và thuận lợi hay không?
- Đó là nỗi lo thực. Làm gì có chuyện công bằng ở đây! Tại sao lại chỉ cho 5 ngân hàng thương mại nhà nước? Đó là sự không công bằng ngay từ đầu.
Còn bao nhiêu thủ tục xét duyệt nữa và rất có thể các chi phí thêm đó mà người vay tiền, các ngân hàng, kể cả ngân hàng nhà nước (phải kiểm tra) sẽ làm cho lãi suất thật cao hơn 6% đáng kể.
Khi hình thành chính sách này đã có ai dự liệu các chi phí phát sinh thêm ấy hay không? Có lẽ cần đánh giá kỹ hơn và phải thay đổi cách tư duy một cách triệt để.
Xin cảm ơn ông!
Chuyên gia kinh tế Bùi KiếnThành phân tích:
Thông tư quy định 30% trong tổng số 30.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp vay làm dự án nhà ở xã hội là một con số rất nhỏ bé so với nhu cầu hàng triệu căn nhà ở xã hội mà người dân đang cần. Liệu sẽ có bao nhiêu căn nhà được xây dựng, số tiền này liệu có đủ cho 1doanh nghiệp hay 10 doanh nghiệp vay để làm một dự án nhà ở xã hội hay không.
Đồng thời quy định thời hạn người mua được phép vay tối thiệu là 10 năm cũng là điểm bất hợp lý nghiêm trọng trong thông tư này khiến cho lợi ích của người mua nhà không được bảo vệ một cách thỏa đáng. Tại sao lại bắt buộc họ phải vay trong 10 năm, nếu họ có nhu cầu trả trước thời hạn thì sao”, ông Thành đặt câu hỏi.
“Nếu vì những quy định bất lợi như vậy, biết đâu người dân không mặn mà mua nhà thì tác dụng của chính sách sẽ đi đến đâu”, ông Thành nói.
Hồ Hương (ghi)
Phương Hà (thực hiện)