Dân Việt

Giá thức ăn chăn nuôi tăng do đâu?

19/12/2010 14:40 GMT+7
(Dân Việt) - Bộ Công Thương khẳng định, nguồn cung thức ăn chăn nuôi trong nước hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu. Nhưng thực tế là giá mặt hàng này liên tục tăng lên thời gian gần đây.
img
Phần lớn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi phải nhập nên giá thức ăn chăn nuôi trong nước.

Báo cáo của Bộ Công Thương cho biết, năm 2010, sản xuất thức ăn công nghiệp trong nước ước đạt 11 triệu tấn. Thức ăn tự cung, tự cấp khoảng 2,7 triệu tấn và nhập khẩu ước trên 6 triệu tấn. Như vậy, với nguồn cung 19,7 triệu tấn, theo Bộ này hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu chăn nuôi trong nước.

Giá vẫn tăng...

Từ tháng 11 đến nay, giá TACN liên tục tăng. Cụ thể: Giá một số mặt hàng thức ăn chăn nuôi hỗn hợp sản xuất trong nước phổ biến ở mức 8.406 – 9.200 đồng/kg (đối với thức ăn cho lợn) và ở mức 8.370 – 9.570 đồng/kg (đối với thức ăn cho gà). So với tháng 10, giá đã tăng từ 3,46 – 4,99%.

Theo ông Lê Bá Lịch - Chủ tịch Hiệp hội TACN VN, nguyên nhân chủ yếu là do VN phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu (khô dầu đậu tương nhập khẩu 100%), mà gần đây giá nguyên liệu sản xuất TACN thế giới lại liên tục tăng.

Theo số liệu của Bộ Công Thương, ước tính năm 2010 VN phải nhập khoảng 1,6 triệu tấn ngô, tăng 350.000 tấn so với năm 2009. Các loại nguyên liệu thức ăn giàu đạm khác như đậu tương, khô dầu đậu tương phải nhập 90-95%; Premix khoáng, vitamin, các chất tạo màu, tạo mùi phải nhập khẩu 95-98%...

Khô dầu đậu tương hiện đã tăng 8,8 -9% so với hồi cuối tháng 4-2010; cám gạo tăng hơn 34% (1.150 đồng/kg), bột thức ăn gia cầm tăng gần 40%, bột cá tăng khoảng 15%. Ngoài ra, nhu cầu chăn nuôi tăng sau dịch bệnh cộng với chi phí đầu vào tăng (giá điện, giá xăng, tỉ giá ngoại tệ...) cũng khiến giá TACN tăng lên.

Theo TS Đinh Văn Hải - Trưởng bộ môn Kinh tế phát triển (Học viện Tài chính), nước ta hiện có trên 240 nhà máy chế biến TACN với sản lượng lên đến 9,5 triệu tấn. Tuy nhiên, cả nước hầu như chưa có các vùng nguyên liệu tập trung, các nhà máy phải nhập hơn 50% lượng nguyên liệu từ nước ngoài nên những tác động xấu về giá là khó tránh khỏi.

Bộ Công Thương còn dự báo, nhu cầu dầu thực vật dùng trong thực phẩm và nhiên liệu chăn nuôi tăng mạnh sẽ đẩy giá dầu đậu tương tại Mỹ và kéo theo trên toàn cầu tăng lên mức cao mới vào đầu năm 2011. Điều này sẽ còn gây sức ép lên giá TACN tại VN.

Bao giờ có sự kiểm soát giá?

Hiệp hội TACN cho rằng, đã đến lúc các cơ quan chức năng cần quyết liệt "ra tay" quản lý giá mặt hàng TACN. Bởi nếu chỉ viện vào việc phụ thuộc giá nguyên liệu thế giới tăng thì chưa đủ. Vì theo báo cáo của Hiệp hội này, từ đầu năm đến nay do ảnh hưởng của dịch bệnh, tiêu thụ TACN đã giảm sút nghiêm trọng.

Nhiều nhà máy sản xuất TACN tồn kho sản phẩm rất lớn, các doanh nghiệp trước tháng 10 đều tồn kho tăng 60% so với cùng kỳ năm 2009, trong đó tồn kho thức ăn cho gia súc gia cầm ở mức tăng 73%, thức ăn cho thủy sản tăng 40%. Các cơ quan chức năng còn dự báo, với mức tồn kho cao, giá TACN sẽ ổn định và khó có thể tăng mạnh. Vậy mà giá trong nước vẫn tăng!

Cuối năm sản xuất chăn nuôi được mở rộng để phục vụ nhu cầu dịp lễ, Tết, đây phải chăng lại là "dịp" để các doanh nghiệp lại đẩy giá TACN tăng lên? Ông Lịch đã nhiều lần lên tiếng về sự "độc quyền vô hình" trong ngành TACN. Đó là TACN tại VN tập trung gần 70% vào các công ty liên doanh hoặc 100% vốn đầu tư nước ngoài.

Các doanh nghiệp này hoàn toàn có thể liên kết chi phối, khống chế giá bán ra trên thị trường. "Giá nguyên liệu đầu vào chúng ta kiểm soát được thông qua giá cả trên thị trường nhưng "đầu ra" của TACN đến nay vẫn không thể kiểm soát. Nếu ngành nông nghiệp và công thương không sớm có các biện pháp cụ thể để kiểm soát giá, thì người nông dân sẽ chịu thua thiệt mỗi lần giá TACN tăng"-ông Lịch nói.