Dân Việt

Quản lý thị trường "ngăn sông cấm chợ"?

30/03/2012 10:16 GMT+7
(Dân Việt) - Đội quản lý thị trường (QLTT) TP.Thái Nguyên đã tạm giữ hơn 40 ngày phương tiện cùng hàng hóa là gạo tẻ của một hộ dân Bắc Giang khi lưu hành qua tỉnh này, gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng.

Chỉ là một xe chở gạo

Ngày 8.2.2012, xe ô tô BKS 89C- 00188 chở 50 tấn gạo tẻ thu gom của nông dân từ Bắc Giang lên Cao Bằng tiêu thụ, đi qua địa bàn tỉnh Thái Nguyên thì bị Đội QLTT TP.Thái Nguyên tạm giữ xe và hàng.

img
Xe ô tô cùng 50 tấn gạo bị Đội QLTT Tp. Thái Nguyên tạm giữ nhiều ngày (ảnh chụp sáng 23.3.2012).

Sau một ngày, Đội QLTT này ra quyết định khám phương tiện và đồ vật theo thủ tục hành chính và ra quyết định tạm giữ xe và hàng hóa trên xe là 10 ngày. 10 ngày sau (ngày 19.2), Đội QLTT TP.Thái Nguyên ra quyết định kéo dài thời hạn tạm giữ tang vật và phương tiện vi phạm hành chính đối với xe và hàng hóa trên xe, thời hạn tạm giữ kéo dài đến hết ngày 4.5.

Theo biên bản vi phạm hành chính ngày 29.2 (sau 21 ngày bị tạm giữ gạo và phương tiện) của Đội QLTT TP.Thái Nguyên về chủ xe và chủ hàng: “Đã có hành vi vi phạm hành chính: Kinh doanh hàng hóa theo quy định phải có nhãn hàng hóa mà không có nhãn hàng hóa (gạo tẻ đóng bao), hành vi vi phạm Khoản 4 Điều 23 Nghị định số 06 được sửa đổi bổ sung theo Nghị định số 112/2010/NĐ/CP”.

Theo tìm hiểu của phóng viên, dù chỉ là một xe chở gạo tẻ thu gom của những người nông dân đem tiêu thụ, nhưng sau 20 ngày tạm giữ, cơ quan này vẫn không ra quyết định có xử lý hành chính hay không mà đẩy lên Cục QLTT tỉnh Thái Nguyên, đơn vị này lại “đẩy” lên UBND tỉnh.

Ngày 7.3 (sau 29 ngày tạm giữ gạo và phương tiện), Ban chỉ đạo 127 tỉnh Thái Nguyên triệu tập một hội nghị ra thông báo kết luận trả lại toàn bộ hàng hóa tạm giữ cho ông Nguyễn Văn Trụ. Trong văn bản này không đề cập đến vấn đề giải quyết phương tiện như thế nào.

Một sự việc, hai cách xử lý

Ngày 22.3, phóng viên nêu vấn đề: Tại đồng bằng sông Cửu Long, hộ kinh doanh cá thể thuê xe ô tô chở gạo đóng bao bằng máy được đi lại tự do từ tỉnh này qua tỉnh khác, tại sao tại Thái Nguyên lại bị coi là vi phạm? Ông Tạ Đình Dũng - Đội trưởng Đội QLTT TP.Thái Nguyên cho rằng: “Đây là quy định bất cập của pháp luật, nhưng đã quy định thì chúng tôi phải làm”. Ông Dũng cho biết, số gạo nêu trên, nếu đổ ra sàn xe, hoặc đựng vào thùng, chậu... thì được coi là nguyên liệu vận chuyển, không bị xử lý hành chính. Ngược lại, cho vào bao bì không có nhãn hàng hóa là vi phạm, phải xử lý hành chính.

Chủ phương tiện cho biết: “Chiếc xe trị giá gần 3 tỷ đồng mua bằng vốn vay của ngân hàng đã bị tạm giữ trái phép nhiều ngày, thiệt hại lên đến nửa tỷ đồng. Nếu không được bồi thường thỏa đáng, tôi sẽ khởi kiện ra Tòa hành chính”.

Phóng viên đặt vấn đề: Thế nào là bao đựng sản phẩm, bao bì sản phẩm? Ông Nguyễn Tiến Hoàn - Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh Thái Nguyên cho biết: “Gạo của ông Trụ được xác minh là thu mua của người dân về lọc sạn, đóng bao quy cách đánh bóng để đưa bán ra thị trường. Quy định tại Thông tư số 09 ngày 6.4.2007 quy định trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa”.

Phóng viên đặt câu hỏi: Xe ô tô chở gạo không phải là tang vật vụ án, không có quyết định tạm giữ của cơ quan công an tại sao lại bị tạm giữ nhiều ngày, làm cho chủ phương tiện thiệt hại hàng trăm triệu đồng? Ông Nguyễn Tiến Hoàn cho biết: “Quy định không phải hàng cấm, hàng lậu thì không tạm giữ phương tiện vận chuyển. Thế nhưng đối tượng không hợp tác, không giải thích, gọi lại trả, thì trả cho ai...”.