Đó là những bức xúc được đưa ra tại buổi khởi động chương trình vận động chính sách về an toàn thực phẩm (ATTP) đối với nông hộ do Trung tâm Nghiên cứu và phát triển hệ thống nông nghiệp (CASRAD) tổ chức ngày 29.3.
Rau sạch bán chợ bẩn
Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Văn Đức (Gia Lâm, Hà Nội) đang có 1.060 hộ sản xuất trên 250 ha rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Hộ nhỏ nhất trên 3 sào, lớn nhất hơn 3 mẫu rau. Mỗi ngày, trung bình HTX cung cấp ra thị trường từ 50-70 tấn rau các loại, vào vụ mùa có ngày lên đến 120 tấn. Do sản lượng nhiều nên sau khi thu mua của bà con, HTX chỉ có thể chở ra chợ đầu mối, bán buôn.
Chưa có ai kiểm tra ATTP của các hàng rau nhỏ lẻ. |
Ông Nguyễn Văn Đức – Chủ nhiệm HTX cho biết: “Do bán ở chợ đầu mối nên giá thành rau cũng chỉ nhỉnh hơn rau thông thường 200-1.000 đồng/kg. Chúng tôi chỉ có thể tự dán tem rau an toàn Văn Đức đối với những thùng rau lớn, hàng chục cân chứ không thể kiểm soát được việc người mua xé lẻ ra bán đến tay người tiêu dùng như thế nào, họ có gian dối trộn rau bẩn vào không. Vì thế, chúng tôi luôn lo lắng sản phẩm sau an toàn của mình sẽ bị đánh lận con đen”.
Ông Đức mong muốn có được một chợ đầu mối chuyên bán hàng sạch để rau mình được đánh giá đúng về chất lượng và giá trị.
Cùng nỗi lo với người dân, ông Lê Toàn – Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Phú Thọ cho biết, hiện nay, xã Tân Đức (thị trấn Việt Trì) đang có gần 400 hộ sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP với sự tài trợ của Tổ chức VECO (Bỉ). Tân Đức cũng tự dán nhãn chứng nhận cùng đảm bảo PGS với sự làm chứng của 3 bên: Nhà quản lý, người sản xuất và người tiêu dùng.
“Vì chi phí cho việc kiểm định mọi mặt để được cấp giấy chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP rất lớn (khoảng 60 triệu/vùng rau 5-10ha và chỉ có giá trị 1 năm lại phải xin lại) nên hộ dân sản xuất nhỏ không thể “kham” được. Vì vậy chúng tôi tự bảo lãnh cho chất lượng rau an toàn của chính mình” – ông Toàn cho biết.
Tuy nhiên, điều ông Toàn bức xúc nhất chính là việc lấy danh dự và cả “miếng cơm manh áo” của mình ra để đảm bảo chất lượng an toàn này không được coi là hợp pháp nếu như không được Chi cục Bảo vệ thực vật đứng ra bảo lãnh. Trong khi đó, Luật ATTP đã có điều khoản cho phép người sản xuất tự chịu trách nhiệm về ATTP về sản phẩm của mình.
Những người “ngoài luật pháp”
TS Đào Thế Anh – Giám đốc CASRAD cho biết, tại Việt Nam có đến 75% diện tích sản xuất nông nghiệp thuộc các hộ nhỏ lẻ và cung cấp trên 60% các sản phẩm nông sản, hầu hết được bán trực tiếp ra các chợ phục vụ dân sinh. Tuy nhiên, lực lượng sản xuất và các sản phẩm này vẫn nằm chưa có cách quản lý ATTP triệt để.
Theo ông Thế Anh, khi đi cùng Sở Công Thương kiểm tra hơn 120 cửa hàng bán rau an toàn trên địa bàn Hà Nội thì có quá nửa cửa hàng đã đóng cửa nhưng cũng lại có nhiều cửa hàng mới mở không có trong danh mục. Trong dự thảo hướng dẫn triển khai Luật ATTP không thấy có nông hộ. Lý do mà nhiều nhà quản lý đưa ra là do sản xuất của các hộ nhỏ lẻ, sản xuất không ổn định, trình độ thấp, tập quán canh tác lạc hậu… vì vậy khó quản lý, kiểm tra, có xử phạt cũng như “bắt cóc bỏ đĩa”.
TS Đào Thế Anh
Ông Lê Toàn cho biết, sẽ không khó quản lý, khó kiểm tra khi khoanh vùng các hộ nhỏ lẻ thành nhóm sản xuất và để họ tự đảm bảo chất lượng, tự kiểm tra lẫn nhau. Hợp tác xã Vân Đức cũng đã tạo được sức mạnh khi đứng ra “cầm trịch” giúp gần 1.100 hộ gia đình khai thác thị trường, đảm bảo về mặt chất lượng và nghiêm khắc loại trừ những hội viên không tuân thủ đúng quy trình sản xuất. Đây có thể là một biện pháp hữu hiệu để các hộ sản xuất nhỏ có thể yên tâm hơn khi theo quy trình sản xuất đảm bảo ATTP, đặc biệt là rau an toàn.
TS Thế Anh cho biết, thời gian tới, CASRAD sẽ phối hợp với một số tổ chức khác để tổ chức nhiều hội thảo và đẩy mạnh truyền thông để vận động chính sách ATTP cho các hộ sản xuất nhỏ, đảm bảo tạo “môi trường” chính sách thông thoáng và an tâm cho người dân.
Diệu Linh