Theo ông Mori Mutsuya, dựa trên đề xuất của Chính phủ Việt Nam với Chính phủ Nhật Bản, JICA đã và dự kiến sẽ ký một số hiệp định vay vốn, cụ thể như: Ngày 6.3, tại Tokyo, hiệp định vay với tổng kinh phí khoảng 25 tỷ yên cho hai dự án là Tín dụng hỗ trợ quản lý kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh và Chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 4 đã được ký kết. Cuối tháng 3.2014, JICA dự kiến tiếp tục cung cấp khoản vay với tổng kinh phí khoảng 120 tỷ yên cho Việt Nam.
Ông Mori Mutsuya trao giải Nhất giải báo chí JICA năm 2013 cho phóng viên Nguyễn Văn Tùng (bút danh Việt Tùng) - Báo Nông thôn Ngày nay.
Tại buổi họp báo, ông Mori Mutsuya đã đại diện cho Cơ quan Hợp tác quốc
tế Nhật Bản tại Việt Nam trao giải Nhất giải báo chí JICA năm 2013 cho
phóng viên Nguyễn Văn Tùng (bút danh Việt Tùng) - Báo Nông thôn Ngày
nay.
|
Trước đó, từ tháng 12.2013 đến tháng 2.2014, JICA cũng đã ký hiệp định
vay vốn với Chính phủ Việt Nam với tổng kinh phí là 55 tỷ yên cho 3 dự
án gồm: Dự án xây dựng vành đai 3 thành phố Hà Nội (đoạn Mai Dịch - Nam
Thăng Long); Dự án xây dựng nhà ga hành khách số 2 sân bay quốc tế Nội
Bài (giai đoạn 3) và Dự án nâng cấp Nhà máy thủy điện Đa Nhim.
Ông Mori cho biết, từ năm 1992 đến năm 2012 JICA đã ký hợp tác vốn vay (vốn cam kết) với Việt Nam là 2.000 tỷ yên và khoảng 84 tỷ yên vốn viện trợ không hoàn lại. Ngoài ra còn phải cử khoảng 7.000 chuyên gia và khoảng 525 tình nguyện viên Nhật Bản sang tư vấn, chuyển giao khoa học, công nghệ cho Việt Nam.
Từ thực tế triển khai và giải ngân vốn ODA của Việt Nam năm 2013, định hướng JICA đưa ra trong năm 2014 sẽ chú trọng đào tạo nguồn nhân lực và hướng đến các dự án hợp tác công tư (PPP). Tuy nhiên, ông Mori cũng cho rằng, việc thu hút vốn để xây dựng các dự án PPP là không hề đơn giản, không chỉ ở Việt Nam mà là thực trạng chung của nhiều nước Châu Á.
Ông Mori bày tỏ: “Cơ sở hạ tầng là lĩnh vực được chúng tôi ưu tiên hỗ trợ hàng đầu như hệ thống tàu điện ngầm mà Hà Nội và TP.HCM đang xây dựng. Ngoài ra Nhật Bản cũng đã và đang chuyển giao các công nghệ cần thiết như vận hành tàu điện ngầm, xây dựng hệ thống thu phí, thành lập công ty vận hành, sửa chữa các tuyến đường sắt… nhằm phát triển hệ thống đường sắt đô thị và gia tăng hiệu quả vận hành giao thông công cộng, chúng tôi sẽ hỗ trợ việc sử dụng thẻ điện tử. Giai đoạn đầu sẽ áp dụng với vé tháng xe buýt, sau đó sẽ áp dụng với tàu điện ngầm trong tương lai”.