Dân Việt

Nữ giám đốc... yêu cỏ!

31/03/2012 06:40 GMT+7
(Dân Việt) - Đang làm luật sư riêng cho một công ty nước ngoài, với thu nhập "không phải nghĩ", bỗng bà “quay ngoắt" sang làm bạn với cây cỏ ngọt, thứ thảo dược mà nhiều người vẫn lầm tưởng... cỏ cho bò ăn.

Mối "lương duyên" bất ngờ

Người phụ nữ "yêu" nông nghiệp mà tôi đang nhắc đến là bà Nguyễn Thị Hương - Tổng Giám đốc Công ty Stevia Ventures (Hà Nội).

Sau cái bắt tay, bà mời khách cốc nước trà túi lọc. Nước vị ngọt nhẹ, mùi thơm đặc trưng khác hẳn với những loại trà túi lọc khác. Bà Hương bảo: "Đây là Thanh Mộc Trà, một sản phẩm của công ty, ngoài ra công ty còn có các loại trà như: Ngọc Hoa Trà, Trà Hoa Cúc... rất tốt cho người bị bệnh tiểu đường".

img
 Bà Nguyễn Thị Hương - Tổng Giám đốc Công ty Stevia Ventures (Hà Nội) kể về "mối lương duyên" với cây cỏ ngọt

Bà Hương quê gốc ở TP. Bắc Giang, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Luật Hà Nội và Đại học Ngoại ngữ, bà về công tác ở Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, rồi thành lập Văn phòng Luật sư riêng. Năm 2008, bà về Tập đoàn Pure Circle của Mỹ làm luật sư riêng. Đây là tập đoàn chuyên về chiết xuất đường từ cây cỏ ngọt.

Theo đánh giá của bà Hương, cỏ ngọt là một cây trồng rất tiềm năng trong tương lai, bởi nó có thể ứng dụng trong rất nhiều lĩnh vực, công nghiệp, y học. Độ ngọt của đường làm từ cỏ ngọt gấp 400 lần đường mía và đặc biệt khi hấp thụ vào cơ thể nó không sinh ra calo, nên rất tốt cho người bị bệnh tiểu đường.

Bà Hương kể lại: "Năm 2009, tôi được tham gia hội nghị Stevia (cây cỏ ngọt) tại Thượng Hải (Trung Quốc), với tư cách là luật sư của Tập đoàn Pure Circle. Trong hội nghị đó, tôi được gặp rất nhiều người- là nông dân, nhà sản xuất, các nhà khoa học của 154 nước trên thế giới.

Sau khi nghe các bài diễn thuyết, trình diễn bằng hình ảnh về cây cỏ ngọt, tôi thực sự được "mở mắt". Trước đây mình chưa hề biết đến một nền công nghiệp hiện đại như vậy và tôi nảy ra ý tưởng đưa mô hình này về áp dụng ở Việt Nam".

Sau chuyến đi ấy, bà bắt đầu tìm tài liệu, học hỏi từ các nhà khoa học, từ những người trước đây đã từng thử nghiệm trồng cây cỏ ngọt. Và bà đã phát hiện ra, GS Trần Đình Long đã là người đầu tiên đưa cây cỏ ngọt về trồng ở nước ta từ năm 1998. Trước đó vài năm, ông đã đưa cây cỏ ngọt vào danh mục giống quốc gia, với tên gọi ST88".

Mang vị ngọt đến với nông dân

Cuối năm 2009, bà Hương quyết định mở công ty riêng tên Stevia Ventures, nhập cỏ ngọt của Mỹ, Nhật, Trung Quốc về khảo nghiệm. Sau 3 năm, công ty đã chọn ra được giống SV1, có đầy đủ các ưu điểm có thể phát triển tốt ở nước ta.

 img
Bà Nguyễn Thị Hương (trái) trong một lần thăm quan trang trại cà chua ở Israel

Để phát triển vùng nguyên liệu, bà Hương đã tìm người có chuyên môn giỏi vào công ty làm việc. Bản thân bà, ngoài tìm hiểu tài liệu trên đài, báo, bà còn nhờ các nhà khoa học hướng dẫn thêm các kiến thức về cây cỏ ngọt. Sau vài năm, bà đã trở thành "chuyên gia", chỉ cần nhìn qua là biết cây đang bị bệnh gì và dùng thuốc gì để chữa. Tuy nhiên, khi triển khai vùng nguyên liệu, công ty gặp rất nhiều khó khăn.

"Đây là giống cây trồng mới, nên người dân rất lo về kỹ thuật, đầu ra. Để giải quyết, công ty đã đầu tư 100% giống, 60% phân bón và hỗ trợ hoàn toàn về kỹ thuật, bao tiêu đầu ra, bởi công ty đang rất cần nguyên liệu", bà Hương cho biết.

Ban đầu do diện tích manh mún, nên việc áp dụng kỹ thuật rất khó. Khi vào mùa thu hoạch, nhiều doanh nghiệp lợi dụng mua "chui", khiến công ty thất thoát một lượng cỏ rất lớn. Bà Hương kể: "Hồi tháng 4, 5.2010, tôi bị bão "đánh" một trận tơi bời.

Do người dân chưa nắm rõ kỹ thuật, vả lại do mưa bão kéo dài, nên mấy chục hécta cỏ vừa trồng giập nát, chết sạch, nên bà con rất lo lắng. Mặc dù chúng tôi đã đầu tư 100% để người dân trồng lại, nhưng nhiều người vẫn từ chối. Chỉ đến khi thấy những hộ dân trồng lại cỏ xanh tốt, có thu nhập cao, họ mới quay lại trồng".

img
Niềm vui của ông Lưu Văn Bình ở xã Xuân Quan, Tân Yên, Bắc Giang khi mỗi sào cỏ ngọt thu hơn 20 triệu đồng/năm. Ảnh: Việt Tùng

Hiện Công ty Stevia Ventures đã mở rộng vùng nguyên liệu ra nhiều tỉnh như Bắc Giang, Hưng Yên, Nghệ An... Trong đó, Bắc Giang là tỉnh có diện tích lớn nhất. Tháng 7.2010, Công ty đã ký dự án phát triển cây cỏ ngọt với UBND tỉnh Bắc Giang trên diện tích 20ha.

Tới năm 2011, Công ty đã được Bộ KHCN phê duyệt Dự án phát triển cây cỏ ngọt với quy mô 50ha. Cỏ ngọt là cây nông nghiệp, nhưng phục vụ cho ngành công nghiệp, nên yêu cầu kỹ thuật cao hơn cây ngô, khoai, nhưng trồng dễ hơn cây dưa chuột, cây cà chua.

Tuy nhiên, theo bà Hương: "Để đạt năng suất cao, cần chọn chân ruộng đất thịt pha cát nhẹ, thuận tiện tưới tiêu, đặc biệt khâu làm đất, tạo tán cho cây rất quan trọng. Cây cỏ ngọt chỉ sau 3 tháng là cho thu hoạch, những lần tiếp theo 2 tháng thu hoạch 1 lần, năng suất đạt 5 tấn/ha, giá từ 30.000 - 40.000 đồng/kg cỏ khô".

Về đầu ra của cây cỏ ngọt, bà Hương cho biết: "Hiện công ty đã ký hợp đồng với các đối tác nước ngoài với số lượng 30.000 tấn/năm, tương đương với 1.000ha. Tuy nhiên, hiện chúng tôi mới có 300ha vùng nguyên liệu. Lá cây cỏ ngọt dùng để chiết xuất đường, thân làm phân bón, lá non làm trà thảo dược. Vì vậy tôi có thể khẳng định không lo về đầu ra, nhiều người nông dân sẽ có thêm việc làm".