Gạo xuất sang Nhật phải đạt hơn 500 chỉ tiêu
Theo Hiệp hội Lương thực VN (VFA), khả năng đáp ứng nhu cầu gạo của Nhật với DN VN là rất khó. Bà Cao Thị Ngọc Hoa- Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Lương thực Miền Nam cho biết: “Trước đây, DN đã từng xuất gạo sang Nhật, Hàn Quốc, nhưng sau đó, không xuất nữa do các tiêu chuẩn của thị trường này đặt ra ngày càng khắt khe”.
Theo ông Phạm Văn Dư- Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), việc Nhật Bản mở cửa nhập khẩu trở lại là một cơ hội lớn đối với gạo VN. “Trong bối cảnh ĐBSCL đang đẩy mạnh sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu lớn kết hợp với các tiêu chí theo chuẩn VietGAP, gạo VN không chỉ có thể mở rộng ở thị trường Nhật Bản, mà còn có thể chiếm lĩnh nhiều thị trường lớn khác như Đài Loan, Hàn Quốc…”- ông Dư cho biết. Cũng theo ông Dư, việc “chấm điểm” để gạo VN có thể nhập vào Nhật Bản rất thực tế. Họ có thể đem giống lúa của Nhật sang VN hoặc cử chuyên gia sang VN trực tiếp tham gia nghiên cứu, sản xuất và có những đánh giá dựa trên những tiêu chuẩn khắt khe.
Hữu Thông
Còn ông Phạm Văn Bảy- Phó Chủ tịch VFA cho rằng: “Hạt gạo XK sang Nhật phải đạt hơn 500 chỉ tiêu về chất lượng. Nếu gạo XK sang Nhật mà vi phạm, DN sẽ phải nộp phạt”. Hiện VFA đang phối hợp với các cơ quan chức năng tìm những vùng sản xuất gạo đảm bảo được các yêu cầu khắt khe của Nhật. Thực tế, Nhật đã ngừng mua gạo VN từ năm 2009 khi phát hiện dư lượng thuốc BVTV trong gạo VN. Từ đó, các DN VN không gửi hồ sơ chào hàng nên XK gạo sang Nhật bị gián đoạn.
Cơ hội thay đổi phương thức kinh doanh
Theo bà Hoàng Thị Vân Anh - chuyên gia kinh tế về lúa gạo thuộc Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công Thương), DN VN luôn muốn XK gạo vào Nhật, nhưng việc này gặp rất nhiều khó khăn và thách thức. Trước hết, Nhật?Bản luôn đặt ra các yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm, kèm theo là những hàng rào tiêu chuẩn kỹ thuật. Một khi chuẩn bị không được đầy đủ, DN dễ dàng bị loại ngay từ vòng đầu các phiên đấu thầu”.
TS Lê Văn Bảnh - Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL cho rằng, những thị trường nhập khẩu hàng nông sản giá cao như Nhật ngày càng đặt ra nhiều tiêu chuẩn khắt khe hơn, đòi hỏi các DN phải phối hợp chặt chẽ với nhà sản xuất để có sản phẩm đạt các tiêu chuẩn quốc tế như Global GAP, hoặc ít nhất là tiêu chuẩn trong nước như VietGAP… Mặt hàng gạo trắng VN đến nay chất lượng chưa đồng đều, chưa có thương hiệu nên rất khó vào Nhật.
Theo chuyên gia Nguyễn Đình Bích, XK gạo của VN hiện nay vẫn chủ yếu là gạo phẩm cấp thấp. Để thâm nhập vào các thị trường khó tính, chúng ta cần đổi mới quy trình sản xuất lúa gạo một cách khoa học, hợp lý. Đồng thời, đó là việc xây dựng và bảo đảm uy tín của các thương hiệu gạo, các chỉ dẫn địa lý các loại gạo đặc trưng, chất lượng.
Mai Hương