Một chiếc V-22 Osprey của quân đội Mỹ. Ảnh: trang web Bộ Quốc phòng Mỹ |
GAO đã mở một cuộc điều tra theo yêu cầu của Thượng viện Mỹ bằng cách lập một công ty ảo để thử mua linh kiện điện tử mới cứng chứ không phải loại tân trang cho vũ khí từ tháng 8-2011 đến tháng 2-2012. Trong số 396 công ty chào hàng có tới 334 công ty của Trung Quốc.
Trong số đó, GAO đã mua 16 loại linh kiện từ 13 công ty Trung Quốc. Tất cả những linh kiện này được đưa vào một phòng thí nghiệm độc lập để kiểm định. Kết quả: hàng dỏm!
Nguy hiểm đến tính mạng binh sĩ
GAO nói họ đã mua các loại linh kiện bao gồm cả linh kiện dùng trong máy bay chiến đấu F-15, máy bay V-22 Osprey, tên lửa Maverick AGM-65A và tàu ngầm hạt nhân. Các linh kiện này đều có số chứng nhận không trùng khớp với bất kỳ loại linh kiện nào hoặc số chứng nhận không vượt quá ngày linh kiện đó được thật sự sản xuất.
Kết quả: những linh kiện này cũng không lọt qua nổi các cuộc kiểm định vì được xác định là đồ dỏm hoặc có “nghi vấn cao”. Thậm chí có linh kiện mang số chứng nhận bịa đặt, có nghĩa là các công ty chào hàng sẵn sàng bán những linh kiện mà về mặt công nghệ là không tồn tại.
“Các linh kiện giả có thể làm gián đoạn nghiêm trọng nguồn cung cho Bộ Quốc phòng, làm tổn hại đến tính hợp nhất của hệ thống vũ khí và gây nguy hiểm cho mạng sống của các binh sĩ” - báo cáo của GAO đánh giá.
Báo cáo cảnh báo hầu như bất cứ thứ gì cũng gây rủi ro nghiêm trọng nếu bị làm giả, từ cái khóa chốt ở máy bay đến linh kiện điện tử cho tên lửa dẫn đường.
Trong báo cáo vào tháng 11-2011 trước đó, GAO cho biết các linh kiện giả đã được phát hiện ở ít nhất bảy máy bay, trong đó có hai chiếc C-27J được điều đến Afghanistan, máy bay chống tàu ngầm P-8A và một số chiếc C-130J của Hãng Lockheed Martin.
Phải hành động ngay
“Việc Trung Quốc không xử lý tình trạng hàng giả xảy ra ở đất nước họ đã đẩy an ninh quốc gia và an toàn cho binh sĩ chúng ta vào tình huống nguy hiểm. Điều này cũng ảnh hưởng đến hàng ngàn việc làm ở Mỹ” - thượng nghị sĩ Mỹ Carl Levin, người đứng đầu Ủy ban Vũ trang thượng viện, nói và nhấn mạnh những phát hiện mới của GAO đang gây nên quan ngại sâu sắc.
Năm ngoái, ông Levin và thượng nghị sĩ John McCain (cùng là thành viên Ủy ban Vũ trang thượng viện) đã chỉ trích Trung Quốc vì không ngăn chặn được tình trạng làm linh kiện giả. Vào thời điểm đó, hai thượng nghị sĩ này cho biết từ năm 2009, các nhà điều tra đã xác định được 1.800 vụ liên quan đến 1 triệu linh kiện dỏm. Thượng viện sau đó đã yêu cầu GAO vào cuộc.
Theo hai thượng nghị sĩ này, các linh kiện có thể được mua từ nhiều nguồn và thường bị dính hàng dỏm. Nguồn hàng dỏm từ Trung Quốc được xác định là cao hơn gần năm lần so với nguồn từ các nước khác, theo báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ.
Với báo cáo của GAO, thượng nghị sĩ McCain cũng bày tỏ lo ngại vì sao hàng dỏm của Trung Quốc lại vào Mỹ dễ dàng như thế. Còn thượng nghị sĩ Levin lại nhấn mạnh: “Nếu Trung Quốc không hành động, chúng ta sẽ phải hành động. Điều then chốt là Bộ Tài chính và Bộ An ninh nội địa phải thực thi quyền được trao theo Luật ủy quyền quốc phòng quốc gia để ngăn chặn những linh kiện giả này trước khi nó vào được nước Mỹ”. Và chuyện này không thể trì hoãn được nữa.