Dân Việt

Thế giới tuần qua: "Nóng ran" cùng hạt nhân và tên lửa

31/03/2012 10:22 GMT+7
Dân Việt - Quốc tế nóng ran về kế hoạch phóng vệ tinh của Bình Nhưỡng, Hội nghị an ninh hạt nhân tại Hàn Quốc, dấu hỏi về tương lai kế hoạch hòa bình của Kofi Annan tại Syria… là những mảng màu nổi bật nhất.

Dấu ấn hạt nhân

Vấn đề về an ninh hạt nhân đã trở thành nội dung chủ đạo, xuyên suốt chương trình nghị sự của Hội nghị Quốc tế Thượng đỉnh tổ chức tại thủ đô Seoul, Hàn Quốc từ 26-27.3 vừa qua.

Kết thúc hai ngày làm viêc, Tuyên bố chung nêu rõ, các nước và các tổ chức sẽ cùng nỗ lực hạn chế tối đa và dần đi tới từ bỏ uranium làm giàu cấp độ cao, chống phổ biến vũ khí hạt nhân, khuyến khích sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình, phối hợp với cảnh sát quốc tế trong việc chống buôn bán trái phép các nguyên liệu hạt nhân, đưa Công ước về Bảo vệ thực thể vật liệu hạt nhân có hiệu lực vào năm 2014 …

Nhìn từ bề nổi, Tuyên bố chung đã cho thấy tính nhất trí cao về vấn đề an ninh hạt nhân. Tuy vậy, các nhà phân tích cho rằng, Hội nghị lần này không đem lại kết quả tiến bộ nào đáng kể so với hội nghị đầu tiên tổ chức tại Mỹ hồi năm 2010. Hạn chế lớn nhất chính là việc Hội nghị đã không đưa ra được những ràng buộc pháp lý để các bên buộc phải tuân thủ các cam kết, thay vì hình thức tự nguyện.

Bình Nhưỡng phóng vệ tinh hay thử tên lửa?

Nỗi quan ngại về chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên đã không là chủ đề xa lạ từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, tình hình được đẩy lên tới mức đáng báo động sau tuyên bố ngày 16.3 của Bình Nhưỡng rằng, họ sẽ phóng vệ tinh bằng tên lửa đẩy tầm xa lên quỹ đạo vào tháng Tư tới.

img
Ảnh: AP

Ngay lập tức, Hàn Quốc, Mỹ, Anh, Nga, Đức… và thậm chí là cả Trung Quốc – đồng minh thân thiết của CHDCND Triều Tiên – đều đã lên tiếng thể hiện “nỗi bất an, nghi ngại”. Seoul kịch liệt phản đối kế hoạch này và coi đây là “hành động gây hấn không thể chấp nhận”.

Trong khi đó, Washington đã chính thức tuyên bố ngừng chương trình viện trợ lương thực cho CHDCND Triều Tiên vì cho rằng, quốc gia này đã vi phạm nghị quyết của Liên Hợp Quốc, đồng thời phá vỡ các cam kết với Mỹ. Bên cạnh đó, Nhà Trắng cũng khẳng định sẽ xem xét lại toàn bộ hệ thống chính sách ứng xử đối với CHDCND Triều Tiên, một khi họ quyết tâm phóng vệ tinh tới cùng.

Trong tuần qua, các nguồn tin giấu tên đã liên tục cập nhật những thông tin mới nhất về công tác chuẩn bị cho vụ phóng vệ tinh của Bình Nhưỡng. Theo đó, tới nay, Bình Nhưỡng đã lắp xong tên lửa vào bệ phóng.

Hôm 29.3, cũng xuất hiện thông tin, CHDCND Triều Tiên đã nạp nhiên liệu cho tên lửa. Tuy nhiên, chỉ ít giờ đồng hồ sau đó, giới chức Hàn Quốc đã lên tiếng bác bỏ.

Sở dĩ bầu không khí quốc tế nóng lên xung quanh vấn đề tên lửa Triều Tiên là vì một chữ “ngờ”. Trong khi Bình Nhưỡng khẳng định, đây chỉ là một vụ phóng “vệ tinh thời tiết”, phục vụ cho các ngành sản xuất, thì thế giới, đặc biệt là Hàn Quốc và phương Tây lại cho rằng, thực chất đây chỉ là vỏ bọc của một vụ thử tên lửa đạn đạo.

Tương lai nào cho kế hoạch hòa bình?

Hôm 27.3, ông Kofi Annan – Đặc phái viên chung của Liên Hợp Quốc (LHQ) và Liên đoàn A-rập (AL) – tuyên bố, chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã chấp nhận bản kế hoạch hòa bình sáu điểm do ông soạn thảo, nhằm chấm dứt tình hình bạo lực đẫm máu kéo dài hơn một năm qua tại quốc gia Trung Đông này.

Liên Hợp Quốc đã lên tiếng chúc mừng ông Kofi Annan, đồng thời miêu tả đây là một bước đi đầu tiên vô cùng ý nghĩa trên hành trình thực hiện sứ mệnh khó khăn của Annan tại Syria.

Trong khi đó, phương Tây bày tỏ thái độ “lạc quan một cách thận trọng” trước lời hứa của Syria. Một ngày sau thông báo Syria chấp nhận kế hoạch hòa bình của ông Kofi Anna, nhiều quốc gia và tổ chức đã cùng lên tiếng hối thúc Syria biến các cam kết thành hành động cụ thể.

“Chúng tôi sẽ đánh giá sự chân thành và nghiêm túc của ông Assad thông qua những gì ông ấy làm, chứ không vì những gì ông ấy nói”. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton phát biểu.

Giới chức ngoại giao hôm 30.3 cho biết, Liên Hợp Quốc đang lên kế hoạch thành lập một phái bộ giám sát ngừng bắn ở Syria.

Kế hoạch hòa bình sáu điểm của ông Kofi Annan nhằm giải quyết khủng hoảng Syria bao gồm: đàm phán chính trị, rút binh sỹ và vũ khí hạng nặng khỏi các khu dân cư, cho phép triển khai viện trợ nhân đạo, trả tự do cho những người biểu tình đang bị giam giữ, đảm bảo quyền tự do đi lại và tiếp cận nguồn tin cho giới phóng viên, và tôn trọng quyền biểu tình hòa bình.