Dân Việt

Đề án Quỹ tiết kiệm nhà ở: Hay nhưng khó khả thi

01/04/2012 14:53 GMT+7
Dù đã có sự điều chỉnh lớn như chuyển từ hình thức đóng góp bắt buộc sang tự nguyện; phân nhóm đối tượng thu nhập thấp và thu nhập trung bình nhưng Quỹ tiết kiệm nhà ở vẫn chưa thực sự thuyết phục…

Có đủ “góp gió thành bão”?

img
Đề án có khả thi khi giá nhà quá cao mà thu nhập quá thấp?

Ghi nhận những điểm mới của đề án được sửa đổi lần thứ 2 nhưng nhiều người dân vẫn băn khoăn. “Quỹ không yêu cầu người lao động phải đóng góp 1% lương mà chuyển sang tự nguyện nhưng tự nguyện thì chắc là chẳng mấy ai thực sự mặn mà”. Người có điều kiện đã mua nhà, không cần đóng góp; rất đông người thu nhập, có nhu cầu mà chỉ đóng 1% lương thì chẳng biết đến bao giờ mới trả hết nợ”.

Với hệ số lương là 3, tiền lương hàng tháng gần 2,5 triệu đồng, phải trích nộp khá nhiều khoản như BHXH; BHYT; Bảo hiểm thất nghiệp, các loại phí và quỹ của cơ quan, địa phương… Thử hỏi người lao động còn “sức” để tham gia nữa không?

Có nhiều vấn đề khác liên quan trực tiếp đến quyền lợi của mình như BHYT, BHXH, BHTN… đôi khi người LĐ còn không mấy “mặn mà” thì việc “tự nguyện” tham gia Quỹ quả là quá xa vời, nhất là khi thu nhập của công chức hiện nay chưa thể đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu.

Ngoài ra, Quỹ cũng chưa tính đến các tình huống phát sinh khá phổ biến trên thực tế hiện nay là sự di chuyển lao động, từ cơ quan này sang cơ quan khác, chuyển thành phố hoặc nghỉ việc… Bác Nguyễn Thế Hiệp (Tây Hồ - HN) cũng phản ánh: “Nếu người LĐ đã 50 tuổi như tôi vẫn có nhu cầu vay tiền mua nhà thì khả năng chi trả ra sao? Nguồn trả đã được tính toán thế nào, chỉ dựa vào lương hay phải có thêm các nguồn khác để quỹ không bị thâm hụt và thất thoát?”

Thực tế, tổng thu nhập trung bình khoảng 5 triệu đồng/tháng, người lao động phải cần từ 50 – 70 năm mới có đủ khả năng mua nhà, dù có đóng 1%/tháng vào Quỹ thì sau 5 năm đóng góp để đủ điều kiện được vay tiền mua nhà theo quy định đề án đưa ra thì con số chỉ là 3 triệu đồng (không đủ để mua 1m2 nhà ở xã hội). Chưa kể, lãi suất của Quỹ Tiết kiệm nhà ở chỉ 3-5% một năm, trong khi đó, lãi suất tiết kiệm ngân hàng khoảng 14%/năm, cùng với lo ngại về lạm phát, trượt giá đồng tiền, sự bất ổn của bất động sản…

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng khẳng định: “Nếu tỷ lệ người tự nguyện tham gia quá nhỏ, thì quỹ sẽ không thể hình thành chứ chưa nói đến việc phát huy được tác dụng như mục tiêu ban đầu”.

Thiếu thực tế - chưa rõ ràng

Ông Nguyễn Việt Hồng (Vụ trưởng Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp – Bộ Tài chính) cũng cho biết: “Mô hình này đã áp dụng tại nhiều nước trên thế giới và dựa trên rất nhiều yếu tố để thành công như: nền kinh tế phát triển, ngân sách cho Quỹ lớn; quản lý, giám sát chặt chẽ; thị trường ổn định và đời sống, thu nhập cũng như ý thức người lao động cao….

Tại Việt Nam, nền kinh tế đang phải đối mặt với lạm phát, thị trường bất ổn, quản lý lỏng lẻo thiếu minh bạch và thu nhập bình quân đầu người quá thấp nên Đề án khó khả thi nếu chỉ trông vào sự tự nguyện đóng góp của người LĐ. Ngoài ra, đề án cũng chưa thực sự rõ ràng, chi tiết để thấy được tính hiệu quả, lợi ích cho người tham gia”

Việc huy động nguồn quỹ từ tiền dự án, ngân sách địa phương, ngân sách trung ương, một phần lợi nhuận từ phát hành xổ số kiến thiết hoặc xổ số nhà ở, phát hành trái phiếu nhà ở… cũng khiến nhiều chuyên gia lo ngại sẽ khó thực hiện và nảy sinh tiêu cực.

Ông Trương Hải Trung - Phó GĐ Sàn giao dịch BĐS Dầu khí cũng băn khoăn về định mức đóng 5 năm mới được vay mua nhà: “Cơ hội mua nhà sẽ rất “chênh vênh” vì khi tìm được một căn hộ đúng ý, hợp túi tiền lại phải đợi đủ 5 năm mới được vay(?!) chưa kể, người có thu nhập cao hơn sẽ dễ đạt định mức cũng như có cơ hội mua nhà sớm hơn còn những người thu nhập thấp sẽ tiếp tục chờ đợi”.

Vì vậy, để người có nhu cầu thực sự có thể mua được nhà, nếu quỹ đi vào hoạt động thì cũng phải tính đến chuyện thiết thực hơn là cần tạo điều kiện để người mua nhà tiếp cận được căn nhà có diện tích, giá thành hợp lý. Còn với tình trạng như hiện nay, dù có được vay tiền từ quỹ, người có nhu cầu vẫn phải… rụt rè.

Ông Nguyễn Việt Hồng cũng gợi ý thêm: “Để đề án có tính khả thi cần phải có một cuộc điều tra xã hội học nghiêm túc. Ví dụ, cần tiến hành khảo sát nhu cầu xem bao nhiêu phần trăm người hưởng lương sẽ tự nguyện đóng quỹ? Có bao nhiêu người đồng tình, không đồng tình – và lí do cụ thể ra sao? Phân tích những tác động và hiệu quả hoạt động của quỹ, phối hợp với các bộ: Tài chính, Ngân hàng để xây dựng Quy chế quản lý quỹ…Đặc biệt, cần công khai để lấy ý kiến cộng đồng và nâng cao tính minh bạch trong việc vận hành, sử dụng quỹ”.

Theo Phụ nữ Thủ đô