Dân Việt

Mâm cơm mùng Ba, cúng tiễn ông bà

Hòa Vang 02/02/2014 09:33 GMT+7
Hằng năm, cứ đến ngày mùng Ba Tết, nhà tôi lại cúng tiễn ông bà. Lúc sinh thời, cha tôi nói rằng, 3 ngày Xuân, trên bàn thờ gia tiên được ông bà về ngự là điều hạnh phúc cho gia đình.

Tuy nhiên, nếu chúng ta kéo dài lễ cúng tiễn ông bà mà không cúng cơm hằng ngày, để ông bà “nhịn đói” là điều mang tội. Tục cúng tiễn ông bà ở quê tôi không biết có từ lúc nào, nhưng “xưa bày, nay bắt chước”.

Từ sáng tinh mơ, mẹ tôi cùng các chị đã dậy sớm để lo làm gà, chế biến các loại rau quả như khoai tây, cà rốt, súp lơ, khổ qua để nấu các món cúng. Lần này, mẹ tổ chức cúng to bởi vì trong năm, vì kẹt tàu xe, tôi không kịp về sum họp với gia đình trong bửa cơm chiều cuối năm trong bữa cúng rước ông bà.

Bữa cơm đầu năm mới trong gia đình tôi sau lễ cúng tiễn ông bà nhằm chia tay, rồi tôi lại tiếp tục vào TP.HCM tiếp tục việc học hành.

img

Khoảng 10 giờ sáng, mọi việc đã xong xuôi, mâm cơm cúng đầy ắp các món như mọc hấp, chả cuốn, nào canh khổ qua nhồi thịt... và cả bao nhiêu thứ rau, củ được chế biến thơm ngon. Mẹ tôi mặc bộ áo dài, trịnh trọng cúng gia tiên trong làn khói trầm hương thoang thoảng. Sau khi những cây hương (nhang) sắp tàn, Cha tôi rãi “diêm mễ” (gạo muối) cũng như đốt vàng mã để ông bà làm lộ phí về "cõi âm".

Cúng tiễn ông bà xong, mâm Lễ được bưng từ trên bàn thờ xuống với đầy đủ các món ăn, như thịt gà xé, cá tràu nấu ốm, nem rán, bánh chưng, thịt heo luộc, canh khổ qua nhồi thịt, cà rốt xào thịt heo, rau sống, bánh tráng… Khi cả nhà ngồi quây quần bên mâm cơm đầm ấm, mẹ tôi nói các con ăn thoải mái đi vì từ hôm nay trở đi là không còn cúng nữa, gia đình ta nghèo, phải tiết kiệm cho Tết sang năm.

img

Bữa cơm đầu năm của gia đình tôi rất vui vẻ, đầm ấm, thân mật vì có cả các dì, các cậu đến tham dự. Mẹ tôi và các cậu, các dì vừa ăn vừa nói những câu chuyện “hiếu hỉ” xảy ra trong mấy ngày qua. Lúc này, mẹ và các dì, cậu cứ gắp thức ăn ngon cho tôi, nhất là món mọc hấp có hương vị thơm ngon mà tôi thích nhất.

Phải nói mâm cơm ngày rước ông bà là mâm cơm “sum họp” gia đình thì mâm cơm tiễn ông bà mang ý nghĩa bữa cơm “tạm biệt”, chia tay nhau. Sau bữa cơm này, mỗi người trở lại công việc của mình như những ngày bình thường. Và hẹn đến cuối năm mới gặp lại trên mâm cơm chiều cuối năm. Tôi tự nhủ lòng mình, năm nay phải học tập chuyên cần, đạt nhiều thành tích và cố gắng thu xếp về sớm để dự mâm cơm sum họp với gia đình, đừng để mẹ phải chờ trong rưng rưng nước mắt.