Dân Việt

Chuyện ở làng Cựu

Bài và ảnh Lê Thiết Cương 08/02/2014 13:56 GMT+7
Chọn một ngày đẹp trời, tôi về thăm làng Cựu, xã Vân Hòa, huyện Phú Xuyên, Hà Nội. Ngoài chùa Cả chung của 4 thôn: Chung, Chính, Chảy, Cựu thì làng Cựu có một chùa riêng, chùa Phúc Duệ (tên nôm là chùa Dồi).
Chùa không ở trong làng, không ở ngoài làng, chùa nằm ở mép làng, không xa không gần, một con đường đất nhỏ dẫn vào tam quan, xung quanh là đồng lúa, thế là đủ yên tĩnh và thanh tịnh. Ai thì cũng có phận của người ấy, Trời Đất Thần Phật sẽ ở chung và là của chung mọi người. Làng nào cũng có chùa. Mỗi làng mỗi chùa. Chùa thì vậy nhưng đình là bàn thờ của làng, là nơi tụ họp nên đình nằm ở ngay đầu làng.

Đình làng Cựu nhỏ, nằm ngay cạnh cổng làng, trước mặt là đầm sen. Hai cây đa già lặng lẽ thả lá xuống mặt sân lát gạch Bát Tràng.
Cảm ơn bác Trần Ngọc Thụ (người làng Cựu) đã cung cấp thông tin cho bài viết.
Cảm ơn bác Trần Ngọc Thụ (người làng Cựu) đã cung cấp thông tin cho bài viết.

Vẻ đẹp của người Việt, nước Việt, làng Việt tồn tại được bao đời mà nay rạn nứt hết cả. Tiếc! Làng Cựu gần Hà Nội, gần quốc lộ nhưng may sao, lối sống mới không phá hỏng nó nhiều như các ngôi làng khác. Đình làng, chùa làng, tín ngưỡng và tôn giáo, Thần và Phật vừa là cội rễ tinh thần vừa là vỏ bọc để bảo vệ làng. Có ai sống mà lại không cần đến đức tin? Cho nên đình chùa mất thì làng mất. Làng Cựu còn và còn đẹp được trong đời sống hiện đại xô bồ này vì người làng Cựu vẫn giữ được đình, được chùa.

Tôi không vào làng ngay, mà đến chùa lễ Phật trước. Đúng dịp nông nhàn, các già các vãi ra chùa làm công quả, cùng sư trụ trì phơi lá thuốc, đinh lăng, ngải cứu, vỏ bưởi... Sinh lão bệnh tử thì đã đành, nhưng các vị thuốc nam, thuốc của nhà chùa còn hơn cả thuốc, đó chính là sự an lành. Bất kể giàu hay nghèo, cũ hay mới, con người ta luôn có ý muốn hướng thiện, hướng đến sự an tâm, lành tâm. Đó cũng là hạnh phúc mà nền văn minh nông nghiệp mang lại một cách tự nhiên. Chả cứ phải hiện đại, tiện nghi, áo quần xanh đỏ, xe to nhà cao. Người làng Cựu thường nói: chỉ sợ chật bụng chứ sợ chi chật nhà là vậy.

Làng đã có tuổi gần 800 năm, dòng họ Trần như họ tổ lập ra làng, hiện còn gia phả. Đầu thế kỷ 20, người làng Cựu ra Hà Nội làm nghề may, buôn bán vải vóc, tơ lụa, nhiều người trở nên giàu có... Năm 1921, không may, làng bị cháy. Những ngôi nhà chúng ta thấy hôm nay đều được xây sau năm đó do người làng Cựu làm lại.

Đường làng ngõ xóm lát đá phiến hoặc xếp gạch nghiêng. Xen giữa những bụi tre, những hàng rào ô dô là chuối, cam, bưởi, đào tiên, dù là những ngôi nhà ba gian hai chái, sân gạch, cầu ao, hiên, dại theo theo lối cổ truyền Bắc Bộ hay là những ngôi nhà theo phong cách kiến trúc thuộc địa Á, Âu kết hợp thì vẫn đẹp. Càng đẹp hơn, độc đáo hơn khi chúng nằm cạnh nhau trong tổng thể làng.

Gần đây tôi có dịp đi thăm lại một số ngôi làng cổ, không nhận ra nữa. Họ đã phá sạch, đập nhà cổ, xây nhà mới, đường làng bị xi măng, bê tông hóa toàn bộ. Đình chùa thì quét vôi lòe loẹt, tượng cổ sơn lại bằng màu công nghiệp xanh đỏ, đèn đóm nhấp nháy.

Đau ở chỗ, khi nghèo thì giữ được, lúc có tiền thì lại phá. Mà đáng nhẽ ra phải ngược lại mới đúng. Ấy là chưa kể, đâu chỉ là phá cái nhà, cái đình, con đường làng mà là phá di sản của chính cha ông họ đã xây dựng, đã giữ bao đời cho họ.

Lỗi này là do cái sự giàu không đi cùng với văn hóa, có tiền mà không có văn hóa mới vậy.

Nói thế để thấy chuyện ở làng Cựu là hy hữu. Khi có tiền họ mang về quê xây nhà, họ học hỏi tiếp thu những kiểu cách kiến trúc đẹp hồi đó, bây giờ cũng vậy, sau gần 100 năm nhiều gia đình người làng Cựu ở Hà Nội lại quay về để tu tạo, giữ lại những ngôi nhà cổ cho con cháu.

Không chỉ là chuyện của một làng, với một đất nước cũng vậy, phải phát triển song song cả kinh tế và văn hóa, văn hóa mới là động lực, là nền tảng để phát triển kinh tế bền vững. Đồng tiền chỉ là phương tiện để đạt đến một đời sống văn hóa cao hơn.

Tôi đến thăm làng Cựu nhiều lần, vào nhiều ngôi nhà, nhà nào cũng hoành phi, câu đối, gian chính, gian bên treo kín cả cột cái, cột quân. Chữ nghĩa ông cha cao siêu không hiểu hết nhưng tôi tin những con người ở làng Cựu rất trọng chữ nghĩa, vì chữ là văn hóa. Có được làng, giữ được làng không chỉ do có tiền mà phải có cả văn hóa, coi trọng văn hóa.

Đình làng, chùa làng, cổng làng, người làng, việc làng. Làng là nước, nước là làng, nước Việt chính là làng, là nước - làng. Người ta hay nói làng nước là vậy. Còn giữ được làng, giữ được nếp làng thì còn nước, còn nếp nước.