Dân Việt

Chiến tranh Triều Tiên tập hai?

20/03/2013 06:46 GMT+7
(Dân Việt) - Việc Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ)gia hạn cấm vận CHDCND Triều Tiên trong tuần qua đã khiến Bình Nhưỡng tuyên bố hủy Hiệp định đình chiến với Hàn Quốc và dọa tấn công phủ đầu cả Hàn lẫn Mỹ.

Liệu sẽ tái diễn chiến tranh Triều Tiên vốn từng xảy ra từ năm 1950 đến 1953?

img
Đại tướng trẻ Kim Jong-un thị sát tiền đồn biên giới CHDCND Triều Tiên

Ai sẽ bị lãnh đủ nặng nhất?

Đúng ngày lễ Quốc tế phụ nữ 8.3, trước đó, HĐBA LHQ (có cả Trung Quốc) thông qua Nghị quyết 2094 nhằm gia tăng các biện pháp trừng phạt đối với CHDCND Triều Tiên sau khi nước này tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ ba hồi tháng 2.2013. Một ngày trước đó, người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney khẳng định Mỹ hoàn toàn đủ lực phòng thủ trước một cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng, sau khi Triều Tiên đe dọa tấn công phủ đầu Mỹ bằng vũ khí hạt nhân (VKHN).

Mỹ cũng “can” Bình Nhưỡng đừng tính toán sai, vì Mỹ sẽ có những động thái cần thiết để bảo vệ Mỹ và các đồng minh gồm Hàn, nơi Mỹ có gần 30.000 quân. Lời “can” cho thấy Mỹ đánh giá sự đe dọa của Bình Nhưỡng là nghiêm túc, do nó tỏ ra đặc biệt phẫn nộ, nên nếu không xảy ra chiến tranh quy mô lớn thì cũng dẫn đến những vụ tấn công quy mô nhỏ gây thương vong. Những tuyên bố này được giới truyền thông quốc tế cho là “bắt đầu ngửi thấy mùi thuốc súng”.

Ngày 8.3, tờ Thời báo Hoàn cầu (thân chính quyền TQ) nhận định nguy cơ chiến tranh Triều Tiên tập hai có thể bùng phát trong tuần này, thời điểm cả hai bên Triều Tiên và Mỹ-Hàn đều tổ chức tập trận nguy cơ lớn. Nhưng thượng nghị sĩ Robert Menendez (Chủ tịch Ủy ban đối ngoại thuộc Thượng viện Mỹ) nói lời đe dọa của Bình Nhưỡng là “phi lý” và nếu thực hiện thì chỉ là một cú tự sát của Triều Tiên,

Trong thực tế, Triều Tiên hồi năm ngoái đã tiến xa với mục tiêu có một loại vũ khí hạt nhân có thể đe dọa Mỹ, dù các chuyên gia nghi ngờ khả năng Triều Tiên có thể đánh được Mỹ bằng một loại tên lửa đạn đạo hoặc thu nhỏ một thiết bị hạt nhân để có thể dàn quả tên lửa đó. Nhưng Triều Tiên sở hữu hàng trăm quả tên lửa tầm ngắn có thể đánh các căn cứ quân sự Mỹ tại Nhật Bản và Hàn.

Theo Hãng tin Reuters, Triều Tiên có đầy tiềm lực quân sự dù lời dọa đánh phủ đầu Mỹ chỉ là dọa suông. Như vậy, Hàn có nguy cơ “lãnh đủ” số pháo và rocket của Triều Tiên. Nhật Bản chỉ cách Triều Tiên chưa tới 1.000km nên cũng thường lọt vào tầm ngắn của số hỏa tiễn tầm ngắn và tầm trung của Bình Nhưỡng.

Phía Hàn hồi cuối năm ngoái xác định dàn pháo ở vùng biên giới của Triều Tiên có thể phát động một cuộc nã pháo đột ngột và tầm cỡ lớn vào thủ đô Seoul, vốn chỉ cách khu giới tuyến phi quân sự (DMZ, ngăn cách hai miền) chỉ 50km.

Triều Tiên có khoảng 12.000 khẩu pháo, dàn trận chủ yếu ở vùng biên giới. Họ cũng có kho tên lửa mà một số có thể bay xa hơn 3.000km, tức có thể đặt Hàn, Nhật và đảo Guam của Mỹ vào tầm ngắm. Họ còn có sức mạnh của tàu ngầm. Năm 2010, một chiếc tàu ngầm đã đánh chìm một chiến hạm Hàn khiến 4 lính thủy chết. Cùng năm ấy, Triều Tiên nã pháo vào một hòn đảo Hàn.

img
Quân đội CHDCND Triều Tiên sẵn sàng chiến đấu

Lựa chọn “đồ chơi thứ dữ”

Nhưng ngoài pháo và tên lửa, Triều Tiên khó thể bì với Hàn. Theo Bộ Quốc phòng Hàn, Triều Tiên có hơn 820 chiến đấu cơ nhưng không đủ xăng để bay tập nhằm duy trì tính hiệu quả chiến đấu. Hàn có 460 chiến đấu cơ và 2.400 xe tăng hiện đại hơn, được bảo trì tốt hơn so với 4.200 xe tăng của Triều Tiên.

Về số lượng, lực lượng quân sự Triều Tiên có 1,2 triệu lính, sẽ “đấu đầu” với 640.000 lính Hàn vốn có sự ủng hộ của 26.000 lính Mỹ đóng tại Hàn. Nhưng thực tế thì Triều Tiên bị suy thoái kinh tế nặng, thiếu nguồn hậu cần nên sẽ khó thể sử dụng vũ khí quy ước để tiến hành một cuộc chiến lâu dài vì rất tốn kém. Đa phần quân Triều Tiên không được huấn luyện kỹ, lại thiếu ăn nên ngoài nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu còn phải lao động nặng hoặc hoạt động nông nghiệp để cung cấp lương thực vốn ít ỏi cho các đơn vị quân đội.

Vì thế, Bình Nhưỡng chú trọng VKHN và công nghệ tên lửa đạn đạo. Các chuyên gia khẳng định còn lâu Bình Nhưỡng mới có thể đánh lục địa Mỹ bằng VKHN, dù đã mất hàng chục năm phát triển hạt nhân. Bình Nhưỡng khẳng định đã phát triển được một loại VKHN thu nhỏ, trong khi việc phóng một quả rocket hồi tháng 12 giúp lần đầu tiên đưa được một vệ tinh vào quỹ đạo cho thấy họ đạt được tiến bộ trong mục tiêu phát triển một quả tên lửa hạt nhân xuyên lục địa.

Nhưng để có một loại vũ khí đáng tin cậy thì cần đưa vào sản xuất và sử dụng, nên các chuyên gia không nghĩ quả rocket Unha-3 là “đồ chơi thứ dữ” của Bình Nhưỡng. Quan điểm chung của họ là Bình Nhưỡng chưa thể thu nhỏ một đầu đạn hạt nhân để đặt vào quả tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, và Triều Tiên chưa thể thử nghiệm để chứng minh họ đã làm chủ công nghệ này.

Chạy đua vũ trang tên lửa đạn đạo

Trong khi đó, rất khó biết khả năng của tên lửa phòng thủ của Mỹ. Người phát ngôn Nhà Trắng tránh nói đến hệ thống phòng thủ chống tên lửa tầm xa, chỉ nói Mỹ “đang đi đúng hướng” sau khi thử nghiệm thành công hệ thống Ground-Based Interceptor, vốn được chính phủ cựu Tổng thống Mỹ George Bush triển khai trên lãnh thổ Mỹ vì lo ngại nỗi đe dọa từ Bình Nhưỡng.

Nhưng các chuyên gia nói những thử nghiệm trước đây thất bại và hiện vẫn đang trong quá trình thử nghiệm. Ở Đông Á, Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ gồm các tên lửa Patriot (phóng từ trên bộ) và tên lửa Aegis (phóng từ trên biển) vốn được thiết kế để ngăn chặn các tên lửa tầm ngắn hơn. Ngoài ra còn có các hệ thống radar cùng nỗ lực chia sẻ tin tình báo giữa Mỹ với các đồng minh.

Các nhà phân tích phương Tây nói các hệ thống này có thể sử dụng để bắn hạ tên lửa phóng từ các vùng phía đông TQ, nên đó là lý do Bắc Kinh nhất trí cùng HĐBA LHQ tăng cường trừng phạt Triều Tiên. Cai Jian là chuyên gia về Triều Tiên ở Đại học Fudan (Thượng Hải) nói một cuộc thử nghiệm đầu đạn hạt nhân của Triều Tiên có thể không là nỗi đe dọa trực tiếp vào TQ, nhưng phản ứng từ Nhật, Hàn hoặc chiến lược tiếp cận khu vực của Mỹ sẽ khiến TQ bị thất thế: ”Đó là lý do TQ phản đối những cuộc thử nghiệm của Bình Nhưỡng”.

Chuyên gia về an ninh Scott Harold ở Hong Kong nói trong khu vực Đông Á đã xây dựng hệ thống tên lửa phòng thủ để có thể đối phó chương trình vũ khí của Triều Tiên, nhưng cũng vì ngày càng tăng nỗi lo ngại về các dự định quân sự của TQ. Tiến sĩ Harold nói: “Nó cho phép Nhật nói “Chúng ta có thể phát triển hệ thống này để chống Triều Tiên, nhưng cũng để tự vệ trước TQ”.

Ông khẳng định Mỹ đã tích cực khuyến khích Nhật-Hàn phối hợp phòng thủ, nên Bắc Kinh lo ngoại đó là khúc dạo đầu của một liên minh ba bên hoặc là NATO phiên bản Thái Bình dương”. Nhưng hệ thống này cũng khiến TQ ráng có thêm nhiều tên lửa, từ đó tạo ra cuộc chạy đua trang bị tên lửa đạn đạo và tên lửa hạt nhân trong khu vực.

+ Nghị quyết 2094 của HĐBA LHQ được cho là sẽ gây khó khăn cho Bình Nhưỡng chuyển tiền và công nghệ vào chương trình hạt nhân. Nhưng nó cũng nhắm vào tầng lớp cầm quyền, khi cấm các quốc gia xuất khẩu hàng hóa đắt tiền vào Triều Tiên, như đồ trang sức, du thuyền, xe xịn và xe đua. Nó cũng cấm các quan chức Triều Tiên xuất cảnh và yêu cầu các quốc gia trục xuất các quan chức làm việc cho một số công ty Triều Tiên. Đã có 3 người bị đưa vào danh sách trừng phạt của HĐBA, gồm các quan chức của một công ty (mà thực chất là đơn vị mua bán vũ khí của Triều Tiên và là đơn vị xuất khẩu các thiết bị liên quan tên lửa đạn đạo). Các nhân vật này cũng bị đưa vào danh sách của Bộ Tài chính Mỹ.

+ Triều Tiên đã bác bỏ nghị quyết của HĐBA, đồng thời tuyên bố sẽ theo đuổi mục tiêu trở thành một quốc gia được trang bị vũ khí hạt nhân đầy đủ.

Theo Thế giới & Hội nhập