Hoàn cảnh nghiệt ngã ấy đã đẩy cả gia đình ông Hà Văn Trọn và bà Nguyễn Thị Chín ở thôn Thanh Hà, xã Quảng Thành, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế rơi vào cuộc sống bế tắc, không lối thoát.
Ngôi nhà tồi tàn của gia đình bà Chín. |
Trong căn nhà ẩm thấp nằm khuất ở cuối thôn Thanh Hà, cha con ông Trọn nằm bất động trên chiếc giường cũ nát, cơ thể người con gái đang phồng lên vì căn bệnh suy thận hiểm nghèo. Thấy chúng tôi đến nhà hỏi thăm, bà Chín bảo nhờ có mấy thầy ở tịnh xá Ngọc Hương mà lần đầu tiên trong hơn 30 năm qua, gia đình bà được đón cái tết có hạt dưa và mứt.
Hai cha con ôm bệnh chờ chết
Bà nghẹn ngào cho biết, ngay từ ngày sinh, cô con gái Nguyễn Thị Thu đã phát hiện bị bệnh tiểu đường. Đến năm Thu 16 tuổi thì lại bị suy thận cấp. Các bác sĩ bảo phải thường xuyên lên bệnh viện để chạy thận, nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn, không đủ tiền chạy chữa nên căn bệnh quái ác vẫn hành hạ chị hằng ngày. Bà Chín kể: “Cứ mỗi lần lên cơn, con Thu lại hét lớn trong đau đớn. Có những lúc đau quá, nó ngất đi trong tiếng nấc nghẹn ngào”.
Hằng ngày, cứ tờ mờ sáng là bà Chín đã thức dậy để lo cơm nước, vệ sinh, thay áo quần cho chồng và con gái bị bệnh. Sau đó, bà ra chợ thật sớm để buôn mớ rau, mớ hành kiếm 20 - 30 ngàn đồng. Số tiền tuy ít ỏi nhưng cũng đủ giúp cậu con trai làm phụ hồ lo bữa cơm, bữa cháo cho mọi người ăn cầm cự qua ngày.
Năm nay chị Thu 32 tuổi. Ở tuổi này nhiều người đã có một mái ấm gia đình hạnh phúc. Thế nhưng, chị Thu chưa bao giờ dám mơ ước có một người đàn ông để yêu thương. Chị chia sẻ: “Có lúc cùng đường, tôi nghĩ đến cái chết.
Nhưng rồi lại nghĩ mình chết đi thì mẹ sẽ thêm buồn, thêm khổ. Vì thế, tôi cố gắng sống từng ngày và mong được lành bệnh để đỡ đi gánh nặng cho bố mẹ”. Chị Thu ước mơ có tiền để đi chạy thận nhưng gia đình chị quá nghèo nên 16 năm qua chị chỉ biết nằm tại nhà chờ chết trong tuyệt vọng.
Tai họa lại ập xuống gia đình bà Chín khi trụ cột chính trong gia đình là ông Hà Văn Trọn bỗng dưng bị tai biến mạch máu não. Mấy năm nay, ông Trọn nằm liệt giường, mọi gánh nặng lại đè lên vai người vợ.
Người dân làng Thanh Hà thấy hoàn cảnh nghèo khó của gia đình bà Chín nên vận động nhau giúp đỡ từ bát gạo, củ khoai đến mấy đồng bạc lẻ. Để có tiền đưa chồng và con gái đi bệnh viện, bà Chín chạy vạy vay mượn khắp nơi. Đến nay, số tiền bà đi vay đã lên tới hơn 20 triệu đồng. Biết gia đình bà không có khả năng trả nợ nên khi thấy bà đến gõ cửa mượn tiền, ai cũng lắc đầu. Bần cùng quá, bà đành buông xuôi, phó mặc số phận của chồng, con cho bệnh tật.
Cô con gái lớn nằm liệt giường cũng trở thành gánh nặng cho bà. |
Sống trong tuyệt vọng
Gần 30 năm qua, kể từ lúc về nhà chồng, chưa một ngày nào bà Chín được thảnh thơi vui sống. Hết con đến chồng lần lượt nằm liệt giường khiến bà phải đem tất cả tài sản có giá trị trong nhà đi bán để lo tiền thuốc men.
Dù đang mang căn bệnh lao phổi nhưng bà vẫn gánh vác mọi việc nặng nhọc trong gia đình. Hằng ngày, cứ tờ mờ sáng là bà đã thức dậy để lo cơm nước, vệ sinh, thay áo quần cho chồng và con gái bị bệnh. Sau đó, bà ra chợ thật sớm để buôn mớ rau, mớ hành kiếm 20 - 30 ngàn đồng. Số tiền tuy ít ỏi nhưng cũng đủ giúp cậu con trai làm phụ hồ lo bữa cơm, bữa cháo cho mọi người ăn cầm cự qua ngày.
Bà Chín bên người chồng tai biến mạch máu não. |
Bà Chín thở dài buồn bã: “Thời buổi bây giờ thật khó khăn quá. Ngày trước, ông xã tôi đi bán vé số, mỗi ngày còn kiếm được 50 -100 ngàn đồng để nuôi cả nhà qua được mấy ngày. Nhưng chừ thì hết rồi, ai cũng mắc bệnh cả, gia đình tôi túng thiếu quá, ăn uống bữa đói bữa no, chồng con lại bệnh tật giày vò”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đào Trọng Thành, Chủ tịch UBND xã Quảng Thành, cho biết: “Hoàn cảnh của bà Chín hết sức đáng thương. Sau khi lập gia đình, không có nghề nghiệp, ông Trọn đi bán vé số được một thời gian thì bị tai biến mạch máu não nằm liệt giường. Họ sinh ra được 2 con thì người con gái đầu là Nguyễn Thị Thu lại mắc căn bệnh tiểu đường, sau đó bệnh chuyển sang suy thận cấp, toàn thân bị phù nề. Bản thân bà Chín cũng bị lao phổi.
Cả gia đình giờ chỉ trông cậy vào người con trai phụ hồ và và ít tiền bán rau của bà Chín. Biết ông Trọn, bà Chín gặp khó khăn, UBND xã và Hội Liên hiệp phụ nữ xã cũng đã vận động bà con ở địa phương giúp đỡ gia đình họ nhưng số tiền không đáng kể, không đủ để chữa trị cho một gia đình có đến cả 3 người cùng mắc bệnh hiểm nghèo như thế”.
Chia tay gia đình bà Chín khi trời đã xế chiều, bà nhìn tôi với ánh mắt đầy tuyệt vọng và bất lực. Hình ảnh 2 người bệnh liệt giường nằm mỗi người một góc trong căn nhà tuềnh toàng càng khiến cho cái nhìn của người đàn bà bất hạnh này day dứt hơn. Mong sao có một phép mầu sẽ đến với gia đình bà để họ không còn phải vật vã trong đói nghèo, bệnh tật, được nhìn thấy một tương lai tươi sáng hơn.