Điều gì sẽ xảy ra khi đến đợt đáo hạn 20-12, Vinashin không trả được 60 triệu USD - số tiền chỉ bằng 1/10 món nợ mà tập đoàn này đang gánh?
Ngày 7-12, các chủ nợ quốc tế của Tập đoàn Công nghiệp Tàu thuỷ Việt Nam (Vinashin - VNS) đã tuyên bố sẽ từ chối đề xuất hoãn khoản thanh toán lần đầu tiên vào 20-12 tới của Vinashin. Credit Suisse - đại diện các chủ nợ cho biết: Họ không đồng ý gia hạn thời gian thanh toán món nợ 60 triệu USD.
Nhà nước: Vinashin vay, Vinashin trả
Cho đến trước thời điểm đáo nợ khoản nợ, Chính phủ vẫn kiên trì với quan điểm “Không trả nợ thay cho VNS”. Trao đổi với NTNN hôm qua, Vụ trưởng Vụ Kinh tế Công nghiệp (Bộ KH&ĐT), ông Nguyễn Quang Dũng nói: Việc khất nợ, hoãn nợ hay cho vay vốn đối với VNS hiện nay hay không là việc của các ngân hàng và các tổ chức tín dụng.
Nhiều dự án đóng tàu của Vinashin đang dở dang, không thể bán để lấy tiền trả nợ. |
Chúng tôi đã trình Chính phủ đề án tái cơ cấu tập đoàn này và Chính phủ đã "quyết" nên sẽ không có chuyện Chính phủ sẽ trả nợ thay hay tác động gì tới việc vay và trả nợ của Vinashin.
Chính tập đoàn này sẽ phải tự vận động, tự vay, tự trả và tự cố gắng vươn lên trong sản xuất, kinh doanh. Chính phủ đã tạo điều kiện tối đa cho tập đoàn này tái cơ cấu, do đó, không có lý do gì tập đoàn này lại ỉ lại hơn nữa.
Vinashin: “Vô phương”
Tân Tổng Giám đốc của Vinashin Nguyễn Ngọc Sự hôm qua đã chính thức lên tiếng khi trả lời phỏng vấn VEF: Giờ ép Vinashin trả nợ ngay thì vô phương. Tất cả tiền vay đầu tư vào công trình dở dang, bán đi sao được? Tàu mới đóng một nửa thì ai mua? Các nhà cho vay có mua tàu không? Họ thu nợ bằng các dự án này thì thu để làm gì? Khoản nợ lớn như thế mà bắt chúng tôi trả ngay thì chắc chắn, chúng tôi không trả được ngay vì không có nguồn…
Cũng theo ông Sự, nếu dồn Vinashin vào cảnh vỡ nợ, phá sản, các ngân hàng chủ nợ 600 triệu USD cũng không thu được đồng nào. Theo hợp đồng, không có cam kết về việc Vinashin vỡ nợ thì chủ nợ thu được gì? Họ cũng mất hết. Như vậy, hai bên đều cùng thiệt. Đó là thực tế, không thể khác được.
Trao đổi với NTNN, TS Nguyễn Quang A - chuyên gia kinh tế cũng cho rằng: Vinashin là một pháp nhân, họ vay thì họ phải trả. Và nếu chưa trả được thì phải tìm cách tái cơ cấu lại nợ bằng các biện pháp: Gia hạn nợ, giảm lãi suất, xóa một phần nợ lãi hay nợ gốc... thậm chí cấp tín dụng mới.
Trong trường hợp doanh nghiệp bị phá sản thì các chủ nợ có thể chỉ lấy lại được một phần hay mất trắng toàn bộ khoản đã cho vay tùy thuộc vào các điều khoản vay ghi trong hợp đồng. Vinashin, 3 ngày sau khi khất nợ không thành công, đã có văn bản thông báo với các ngân hàng chủ nợ rằng tới 20-12 họ chưa có nguồn trả.
Điều gì sẽ xảy ra?
Hãng định mức tín nhiệm Standard & Poors Rating Services cho rằng, tình hình nợ của Vinashin có thể ảnh hưởng tiêu cực tới chất lượng tín dụng của các ngân hàng trong nước thông qua việc gây áp lực đối với lợi nhuận và vốn của các ngân hàng này.
Cách đây vài ngày, hãng Moodys đưa ra nhận định, nợ của Vinashin có thể chiếm tới 3% tổng dư nợ cho vay của các ngân hàng Việt Nam; đồng thời, khả năng trả nợ thiếu chắc chắn của Vinashin có thể làm tổn hại tới định mức tín nhiệm dành cho các doanh nghiệp quốc doanh khác.
Riêng đối với những khoản nợ trong nước, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng - bà Dương Thu Hương cho rằng: “Nếu diễn biến xấu, một khi doanh nghiệp phá sản, không còn tồn tại thì bản thân các ngân hàng sẽ phải huy động quỹ dự phòng rủi ro để bù đắp”, dù vẫn thừa nhận riêng đối với VNS “đây quả thực là một khoản rủi ro khổng lồ”.
Anh Đào - Mai Hương