Dân Việt

Lãi suất tăng cao, doanh nghiệp “thoi thóp”

15/12/2010 07:17 GMT+7
(Dân Việt) - Lãi suất cao và tỉ giá chênh lệch đang như chiếc vòng kim cô “siết” lấy doanh nghiệp nhất là vào thời điểm năm hết, Tết đến khiến nhiều doanh nghiệp lao đao.

Theo thông tin từ hầu hết các ngân hàng, hiện tại các doanh nghiệp “khách ruột” đang “được” vay vốn với lãi suất thoả thuận khoảng gần 18%/năm. Các doanh nghiệp (DN) “xấu số, ít quan hệ khác” đang chịu mức lãi suất 21%/năm.

Nhưng 21% chưa phải là điều tồi tệ nhất. Đại diện Phòng Tín dụng - Ngân hàng Liên Việt cho biết: Hầu hết là các khách hàng vay tín dụng bất động sản mới được ưu tiên, còn hầu hết các khoản vay đều “đóng cửa” trước các đề xuất của khách hàng.

Hoạt động cầm chừng, tăng giá sản phẩm

Ông Nguyễn Đức Quế - chủ một trang trại nuôi gà tại Lương Sơn (Hà Nội) cho biết: Lãi suất vay cao liên tục nhiều tháng nay khiến trang trại rơi vào tình trạng hoạt động cầm chừng, “giật gấu, vá vai”. Các khoản nợ cũ đã phải chịu phạt và trả hết từ cách đây 1 tháng, nhưng ông Quế không dám vay khoản vay mới. Hiện trang trại của ông đang duy trì tình trạng chăn nuôi “èo uột” cho có.

img
Nhiều ngân hàng thông báo tạm ngừng cho vay hoặc không trả lời dứt khoát đề xuất vay của doanh nghiệp. Ảnh minh họa.

“Lúc nào tôi cũng như ngồi trên đống lửa vì không có vốn thì sản xuất đình trệ, thu nhập của năm nay biết trước là sẽ rất thấp. Trước đây, lãi suất huy động thấp còn dám đi vay họ hàng, người thân để kinh doanh. Nay lãi suất huy động cũng cao “ngất ngưởng” biết làm gì cho “lại” để trả lãi cho người thân” - ông Quế giãi bày.

Giám đốc một công ty thương mại và chế biến thực phẩm ở xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm, Hà Nội cho biết, DN vừa mới ký hợp đồng vay 1,4 tỷ đồng từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh Từ Liêm, kỳ hạn 1 năm với lãi suất 14%. Mặc dù đây là khoản vay nằm trong diện được hưởng lãi suất ưu đãi, nhưng trước đó, DN vay ngân hàng lãi suất chỉ khoảng 10%, nay tăng tới 4% là một khoản không nhỏ. “Chúng tôi đã phải tăng giá hầu hết sản phẩm thêm 15%, sản lượng sản xuất cũng bị cắt giảm 50% so với trước” - vị giám đốc cho hay.

Ông Trần Quang Bình - Giám đốc DN sản xuất hàng mỹ nghệ ở huyện Chương Mỹ cho biết: Khi đặt vấn đề vay vốn với các ngân hàng thì có nơi thông báo tạm ngừng, có ngân hàng đã cử nhân viên xuống tận nơi thẩm định hoạt động, sản xuất kinh doanh của DN nhưng vẫn khất lần, đến thời điểm này vẫn chưa có câu trả lời chính thức là có cho vay hay không.

Đối mặt với khó khăn

img Nhiều khi chúng tôi phải chấp nhận mua nguyên liệu với giá đắt để được nợ tiền trong bối cảnh lãi suất quá cao như hiện nay. img

Chấp nhận một thực tế lãi suất tăng cao, đại diện nhiều DN cho biết, “cầm cự” được là tốt lắm rồi (!). Ông Nguyễn Hải - Tổng Giám đốc Công ty CP Chế biến thực phẩm cho rằng lãi suất tăng quá cao là “bất ngờ và khó phản ứng”.

Hiện tại, giải pháp hữu hiệu nhất mà vị Tổng Giám đốc này cho hay là DN phải chấp nhận vay nóng với lãi suất lên tới 2,5 -3%/tháng trong thời hạn 3 tháng để giải quyết nhu cầu tích trữ hàng hoá và sản xuất hàng cuối năm. “Với mức lãi suất 21-22% thì không thể đảm bảo có lợi nhuận kinh doanh 25-30% để đáp ứng duy trì hoạt động của DN được” - ông Hải cho biết.

TS Vũ Đình Ánh - Viện phó Viện Nghiên cứu thị trường giá cả cho rằng: Mặc dù lãi suất cao gây khó khăn rất nhiều cho DN, nhưng họ vẫn phải tiếp cận các khoản vay với mức lãi suất này. Vấn đề là chúng ta có thể điều chỉnh được lãi suất về mức hợp lý, phù hợp với sức chịu đựng của nhiều DN hay không bởi với mức lạm phát như hiện nay dao động ở mức 11 - 12% thì lãi suất cao xấp xỉ như năm 2008 là trên 20% là điều bất hợp lý và sẽ gây nên những đình trệ, ảnh hưởng khó lường đến nền kinh tế và các chỉ tiêu tăng trưởng bền vững.