Dân Việt

Nông sản loay hoay tìm đầu ra

03/04/2012 16:12 GMT+7
(Dân Việt) - Mấy ngày qua, tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) có hàng trăm xe chở dưa hấu bị ách tắc không tiêu thụ được, hàng trăm tấn dưa đã bị đổ bỏ vì thối.

Đến hẹn lại lên, cứ vào chính vụ là xảy ra tình trạng ách tắc hàng hóa nông sản tại cửa khẩu này mà chưa có biện pháp giải quyết.

Xếp hàng rồng rắn chờ thông quan

Có mặt tại cửa khẩu Tân Thanh ngày 1.4, chúng tôi đã được chứng kiến cảnh hàng trăm xe tải ùn ứ chờ thông quan xuất sang Trung Quốc. Xe nối xe, có thời điểm hơn 300 xe tải xếp thành hàng dài 10km. Ông Nguyễn Công Thạo - một tư thương có xe dưa hấu đang “nằm” chờ cho biết: “Cứ đến mùa của cây trái nào thì tắc mặt hàng ấy. Như anh thấy đấy, một dãy xe chở dưa hấu cứ nằm chờ mãi thế kia, không biết đến khi nào mới xuất đi được, bản thân tôi cũng phải đổ đi hàng tấn dưa vì thối”.

img
Dưa hấu bị thối phải đổ bỏ tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn).

Cùng chung cảnh ách tắc hàng và bị ép giá ở cửa khẩu Tân Thanh, ông Hoàng Ngọc Thanh - tư thương chuyên thu mua và xuất khẩu nông sản ở Nha Trang cho biết: “Dù đã “đánh vật” 3 ngày nay mà tôi mới chỉ giao hết được 4/12 xe hàng dưa hấu lấy từ miền Trung ra”. Theo tính toán của ông Thanh, chỉ riêng cước vận chuyển cho mỗi kg dưa hấu lên đến cửa khẩu mất hơn 3.000 đồng. Trong khi nếu bán được, giá chỉ 3.000-6.000 đồng/kg, thương lái vẫn đành chấp nhận lỗ còn hơn phải đổ dưa đi.

Tắc hàng không chỉ ảnh hưởng tới tư thương, ngay cánh lái xe cũng chịu chung cảnh ngộ. Lau mồ hôi tuôn trên trán vì phải điều khiển xe nhích từng mét tiến về cửa khẩu, anh Nguyễn Thành Đông nói: “Ăn chực, nằm chờ suốt 2 ngày mới tiến được vào tới bãi đỗ xe làm thủ tục thông quan, nhưng hiện tại vẫn chưa giao được hàng. Hàng dưa này khó để lâu lắm, chỉ vài ngày không tiêu thụ được là sẽ bị ủng, thối hết”.

Tắc do làm ăn “tiểu ngạch”

Trao đổi với NTNN, ông Nguyễn Quang Bách – Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Tân Thanh cho biết: “Trung bình mỗi ngày ở Tân Thanh có khoảng 300 xe hàng làm thủ tục xuất, nhập khẩu. Đã thành “thông lệ”, cứ đến mùa của loại hoa quả nào, thì loại ấy lại bị tắc nghẽn. Như những ngày gần đây là tắc nghẽn dưa hấu do đang ở chính vụ”. Cũng theo ông Bách, khoảng 1 tuần trở lại đây, tình trạng ách tắc dưa hấu liên tục xảy ra. Có ngày, các xe chở hàng nông sản tắc tới gần 10km ngay tại cửa khẩu.

Nguyên nhân chủ yếu đã đến tình trạng ách tắc nông sản năm này qua năm khác, nhưng vẫn không giải quyết được, theo ông Vi Công Tường- Phó Cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn là do việc mua bán của các tư thương 2 bên đều chỉ được thoả thuận bằng “miệng”, không phải hợp đồng thương mại. Tức là xuất khẩu theo hình thức tiểu ngạch, tư thương thấy được giá thì chở hàng lên.

Cũng theo ông Tường, cơ sở vật chất, bến bãi của nước ta và phía nước bạn còn hạn chế nên không đủ khả năng đáp ứng việc thông quan khi lượng hàng lớn nông sản đổ về vào chính vụ.

“Vào những ngày ách tắc, chúng tôi không chỉ tăng cường cán bộ và làm thủ tục nhanh, mà cũng trực tiếp sang đàm phán với phía bạn để tạo điều kiện cho hàng hoá lưu thông. Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp tình thế. Theo tôi, để giải quyết lâu dài cần khảo sát năng lực tiêu thụ của phía bạn là bao nhiêu hàng hoá, đồng thời phải có hợp đồng thương mại chứ cứ chở hàng lên ồ ạt cùng một lúc mà vượt quá nhu cầu tiêu thụ thì chắc chắn sẽ bị ép giá” - ông Tường đề xuất.

Đánh giá về hiện tượng này, TS Lê Đức Thịnh -Trưởng bộ môn Thể chế (Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn- Ipsard) cho rằng: “Hiện chúng ta chưa có một đầu mối nào đủ năng lực đứng ra để cung cấp đủ lượng hàng và làm hợp đồng thương mại với phía bạn. Quan trọng hơn nữa là việc đánh giá nhu cầu của thị trường để định hướng ngay từ khâu đầu tiên của chuỗi sản xuất, tránh tình trạng được mùa, rớt giá hết năm này, qua năm khác”.

Sản xuất, tiêu thụ phải thành chuỗi khép kín

Theo ông Vũ Hồng Thủy - Giám đốc Sở Công Thương Lạng Sơn, việc mua bán xuất, nhập khẩu các mặt hàng nông sản tại cửa khẩu Tân Thanh chủ yếu diễn ra giữa tư thương nước ta với tư thương phía bạn nên không có hợp đồng thương mại. Do đó, cứ tới chính vụ là hàng nông sản lại ứ đọng và bị ép giá, mà chúng ta hiện mới chỉ giải quyết được phần ngọn. Để có những biện pháp dài hơi cho đầu ra của các mặt hàng này, cần tính toán ngay từ khâu sản xuất đến tiêu thụ thành một chuỗi khép kín, nhất là việc đảm bảo đầu ra ổn định cho người nông dân.

Do tư thương làm ăn chộp giật

Ông Trần Công Thắng -Trưởng Bộ môn Chính sách và Chiến lược, Ipsard nhận định: “Nguyên nhân tắc nông sản ở cửa khẩu là do nhiều tư thương dù chưa có mối, nhưng vẫn mang hàng lên cửa khẩu để tìm khách hàng, nên thường xuyên bị động về thị trường. Mặt khác, hiện đầu ra cho các mặt hàng nông sản của nước ta chưa có một đơn vị đứng ra điều tiết, trong khi cơ sở vật chất ở cửa khẩu lại chưa đảm bảo, hàng đổ về ồ ạt vào một thời điểm thì không thể tránh khỏi tắc nghẽn. Nếu không giải quyết được những mặt tồn tại trên thì việc tắc nghẽn các mặt hàng nông sản vẫn tiếp tục diễn ra và tư thương, nhất là nông dân tiếp tục bị ép giá, chịu thiệt thòi”.