Chiều 5.4, lãnh đạo Bộ NNPTNT khẳng định như vậy tại cuộc họp công bố chính thức kết quả kiểm tra, xét nghiệm chất tạo nạc (một loại chất cấm sử dụng trong chăn nuôi lợn).
Theo lãnh đạo Bộ NNPTNT, vẫn phải tiếp tục kiểm soát việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi (ảnh minh họa). |
Tỷ lệ nhiễm chất cấm thấp
Theo báo cáo chính thức của Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT), qua kiểm tra, phân tích 286 mẫu thức ăn chăn nuôi lấy tại các tỉnh, thành trên cả nước, cơ quan này chỉ phát hiện có 13 mẫu (chiếm tỷ lệ 4,8%) dương tính với nhóm chất cấm Beta- agonist. Riêng tại khu vực miền Bắc, chỉ phát hiện 3/150 mẫu dương tính với nhóm chất này, trong đó có 2 mẫu TACN ở Hòa Bình và Hải Dương, 1 mẫu gan lợn ở Bắc Ninh.
Cũng theo kết quả này, Cục Chăn nuôi đã phát hiện có 8/179 mẫu thịt, gan lợn dương tính với Beta- agonist (chiếm 4,4%). Việc xét nghiệm trên nước tiểu lợn cũng được tiến hành với 108 mẫu, trong đó có 7 mẫu (6,4%) dương tính với Beta- agonist. Ngoài ra, cũng có 2/18 mẫu thuốc thú y (11,1%) có chứa Beta- agonist đã được phát hiện.
Như vậy, kết quả xét nghiệm lần này trái ngược hoàn toàn với kết quả của 1 tháng trước đây, khi có tới 43% mẫu thịt và 26% mẫu nước tiểu được kiểm nghiệm tại TP. Hồ Chí Minh dương tính với Beta-agonist.
Giải thích về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Dương- Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết: “Trước đây, ở TP. Hồ Chí Minh có lấy 11 mẫu của lợn từ các tỉnh khác như Đồng Nai, Bình Dương… để phân tích và tỷ lệ mà họ đã công bố như trên là dựa trên kết quả phân tích bằng phương pháp Elisa (định tính), mang tính chất sàng lọc, còn để phân tích chính xác xem mẫu thịt, nước tiểu đó có chứa Beta- agonist hay không, chúng ta phải tiếp tục phân tích bằng định lượng thì mới chính xác”.
Cũng theo khẳng định của ông Dương, tình hình sử dụng chất cấm trong chăn nuôi hiện đã cơ bản được kiểm soát, song cần tiếp tục tăng cường kiểm soát đề phòng tình trạng này “bùng phát” trở lại.
Chưa thể lơ là
Theo ông Nguyễn Như Tiệp- Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NNPTNT), tình hình sử dụng chất cấm Beta- agonist vẫn rất phức tạp, khó kiểm soát, có thể bùng phát trở lại bất cứ lúc nào nếu chúng ta lơi lỏng.
Còn ông Hoàng Văn Năm - quyền Cục trưởng Cục Thú y đánh giá: “Mặc dù tỷ lệ thịt và TACN nhiễm chất cấm chỉ còn 4,8%, song đây vẫn là hiện tượng đáng báo động. Thực tế, việc giảm trên do chúng ta đang làm mạnh vấn đề này, nên nhiều cơ sở, người chăn nuôi mới “chùn”. Bởi với loại chất cấm này, người dân chỉ cho lợn ăn vào 15 ngày cuối trước khi xuất bán, nếu cho lợn ăn sớm sẽ bị đột quỵ và chết”.
Cũng theo ông Năm, nguồn phân phối loại chất này chủ yếu là nhỏ, lẻ, rất khó kiểm soát, nên thời điểm này, có thể người dân chỉ “tạm” dừng lại. Do đó, bước tiếp theo chúng ta cần phải làm là xử lý tận gốc, đến từng trại chăn nuôi, lò mổ để kiểm tra.
Ông Nguyễn Xuân Dương - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát yêu cầu các cơ quan chuyên môn trong tháng 4 tiếp tục lấy các mẫu thịt, TACN để kiểm tra, xử lý. Ông Phát cho rằng: “Tỷ lệ thịt, TACN nhiễm chất cấm 4,8% vẫn là cao, nếu chúng ta không nỗ lực kiểm soát sẽ lại bùng lên nghiêm trọng”.
Theo ông Phát, chúng ta cần sử dụng kết quả kiểm tra, xét nghiệm để truy xuất nguồn gốc lợn nhiễm chất cấm, đồng thời tìm ra các tổ chức, cá nhân nhập khẩu loại chất này vào nước ta để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
“Nếu phát hiện hoặc nghi ngờ có chỗ nào, đường dây nào buôn bán chất cấm, các đồng chí cứ báo cáo với tôi, để tôi báo cáo lên Chính phủ huy động mọi lực lượng vào cuộc điều tra, bóc gỡ ngay đường dây đó” - ông Phát khẳng định.
Ngọc Lê