Dân Việt

Giọt nước và dòng sông

Hoàng Sơn 29/07/2013 13:33 GMT+7
Năm 2000, tôi mới là anh cử nhân văn chương 23 tuổi đến “gõ cửa” Nông Thôn Ngày Nay xin làm cộng tác viên. Khi đó tờ báo vừa tròn 16 tuổi và chỉ mới ra 2 số mỗi tuần.

Những ngả rẽ đời

Kiên trì “chinh phục” trong 3 năm, khi “nàng” sắp bước vào tuổi 19, tôi và một số đồng nghiệp khác như Văn Hoài, Ngọc Anh, Lê Huyền mới được đặt bút ký vào bản hợp đồng lao động đầu tiên. Đến nay, mối duyên ấy đã tròn 10 năm hạnh ngộ.

Nhà báo Hoàng Sơn trên đường tác nghiệp.

Nhà báo Hoàng Sơn trên đường tác nghiệp.

Trong 10 năm ấy, Tuyến, Tuấn, Sỹ và Sơn – 4 người bạn của tôi đã lên lon đại uý quân đội, đã là chỉ huy đại đội thuộc các tiểu đoàn bộ binh chủ lực hoặc thuyền trưởng chỉ huy hải đội biên phòng. 3 người bạn đồng trang lứa khác đã trở thành cảnh sát giao thông, công an kinh tế và cả sĩ quan quản giáo. 10 năm ấy, một số người bạn khác thời đại học của tôi như Hoài Nam, Ngọc Bình hay Hồng Long đã hoàn thành chương trình tiến sĩ ở Nhật Bản, Hoa Kỳ...

Cũng thời gian ấy, có không ít người bạn cùng thời trung học vướng vào vòng trầm luân: 3 người chết vì AIDS, vĩnh viễn không còn cơ hội nhìn lại 10 năm khởi nghiệp. Vài người vướng vào lao lý vì ma tuý, có người bây giờ vẫn ở giữa 4 bức tường. 1 người bạn khác bỏ dở chương trình đại học về làm xe ôm... Hồi đó, dẫu có nằm mơ cũng không thể tưởng tượng ra được những ngả rẽ đời người giữa mỗi chúng tôi.

Nhưng tôi sẽ kể về họ vào một ngày khác. Giờ đây, tôi đang nhớ về 10 năm của tôi với Nông Thôn Ngày Nay. 10 năm ấy, tôi nương theo nghề mà bay trên những cánh đồng, qua 2 vùng đồng bằng châu thổ, trên ruộng bậc thang, giữa rừng biên giới, lội giữa các rạn san hô ở quần đảo Trường Sa và đặt chân lên những cánh đồng ngoài cõi bờ hình chữ S trong những lần công tác ở đất nước Triệu Voi, xứ sở Chùa Vàng hay đảo quốc Mặt trời mọc… Đi, viết và trải nghiệm, đó có lẽ là những điều quý giá nhất đối với chúng tôi.

Ngày hôm qua của tôi

Tục ngữ có câu: “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Tôi đã trải qua gần 4.000 ngày đàng, qua bao nhiêu bến sông, tôi cũng không nhớ nữa, gặp gỡ và viết về mấy trăm, có thể là cả nghìn nhân vật. Có lẽ tôi khôn lên chút ít nhưng thực thà nhận ra rằng càng gặp nhiều người, càng thấy mình kém cỏi.

Không dám nói tới những bậc tinh hoa, chỉ trước người hành khất, tôi đã thấy mình kém nhẫn nại hơn; trước người nông dân, tôi kém hơn về sự chịu thương, chịu khó. Họ còn làm thầy giảng giải cho tôi những bài học về hạt lúa, củ khoai, sự tằn tiện từng đồng cho con em thoát ly lên thành phố.

Trước người lính Trường Sa, tôi thấy mình phồn hoa đô hội, không đáng gì so với sự dấn thân và đức hy sinh hồn nhiên của họ... Ngay cả một chú lùn nghèo khó ở Mường Lò (YênBái) cũng có thể dạy cho tôi bài học nho nhỏ, rằng anh nhà báo Nông Thôn Ngày Nay đến từ thủ đô sẽ chẳng cao hơn bao nhiêu, nếu không biết ngồi xuống khi chụp ảnh chung hoặc chuyện trò với họ.

Họ không chỉ là những nhân vật đi vào ký ức của tôi. Thuở ban đầu trai trẻ tôi đến với họ, viết về họ, chụp hình chung với họ, nhiều lúc không khỏi thiển cận nghĩ rằng “tôi đã đến nơi đây rồi đấy”. Nhưng dần dần, tôi thấm thía những điều ngược lại. Chính họ mới là những người lưu giữ quá khứ và dấu chân trai trẻ của tôi. Nhiều nhân vật và những bài viết về họ trên báo Nông Thôn Ngày Nay đã lưu giữ “ngày hôm qua của tôi” mãi mãi!

Khởi đầu từ vị trí phóng viên Ban Công tác hội với chị Thanh Hiền, tôi được luân chuyển qua nhiều ban khác như Nội chính với anh Lê Anh Hoài (nay đã chuyển sang Tiền Phong), Ban Xã hội, rồi về Ban Thư ký toà soạn…

May mắn là trong một gia đình gắn kết, sự cộng tác làm việc nhóm hiệu quả đã giúp nhóm tác giả Báo Nông Thôn Ngày Nay (trong đó có tôi) tạo được một số loạt bài ấn tượng. Một trong số đó là loạt bài “1 hạt thóc, 40 khoản đóng góp” vào năm 2007 – loạt bài đã góp phần thúc đẩy chính sách của Nhà nước trong việc miễn giảm các khoản thuế, phí của nông dân cả nước với số tiền hơn 1.000 tỷ đồng/năm từ 2008 đến nay.

Giải A- Giải Báo chí Quốc gia 2007 đem lại niềm vui chung cho mọi người. Nhưng với tôi, đó là thời điểm bắt đầu để suy nghĩ sâu hơn về hướng phát triển các chuyên đề vận động chính sách cho nông dân, từ đó kiên trì để theo hướng đi ấy. Chúng tôi vẫn thường động viên nhau, trong một đội hình ít ngôi sao hiển hiện, nếu chơi gắn bó, chặt chẽ, sáng tạo, tôn trọng tinh thần tập thể thì vẫn có thể “ghi bàn”.

Một giọt nước không có nhiều ý nghĩa, nhưng nhiều giọt nước đồng hướng thì có thể tạo thành dòng sông. Khi giọt nước hiểu bản thân mình ẩn chứa bao nhiêu hạt phù sa sẽ biết chọn cho mình con đường vào cánh đồng hay đi về biển cả. Với tôi, tôi thấy hạnh phúc khi mình vẫn là giọt nước của “dòng sông” Nông Thôn Ngày Nay đang chảy về phía trước.