"Tham nhũng vặt" vẫn phổ biến...
Tỷ lệ doanh nghiệp phải chi trả “hoa hồng” trong mua sắm công theo ngành vẫn ở mức cao. |
Ông Đậu Anh Tuấn - thành viên nhóm nghiên cứu PCI cho biết, "tham nhũng vặt" ở VN đã giảm nhẹ trong những năm qua. Tuy nhiên, vẫn còn trên 50% số doanh nghiệp (DN) cho rằng, "tham nhũng vặt" ở VN là phổ biến, mặc dù con số này đã giảm đi rất nhiều so với tỉ lệ 70% trong năm 2006 và 2007. Tỉ lệ chi phí không chính thức/doanh thu cho những giao dịch như vậy cũng đã giảm đi một nửa, từ 13% năm 2006 còn 6,5% trong năm 2012.
Song "ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy tham nhũng tại VN đang dần thay đổi cách thức" - ông Tuấn nói. Do việc thừa nhận hành vi hối lộ với DN là vấn đề nhạy cảm, có thể ảnh hưởng tới uy tín của DN nên VCCI đã chỉ điều tra những DN đã tham gia đấu thầu và cung cấp dịch vụ cho cơ quan Nhà nước và chỉ tập trung vào nhóm DN tư nhân.
Điều tra cho thấy, tỉ lệ DN phải hối lộ nhiều nhất là trong lĩnh vực xây dựng cơ bản. Tham nhũng vặt cũng xảy ra tương đối nhiều ở khu vực thương mại. DN càng lớn thì càng có xác xuất phải trả chi phí không chính thức cao hơn. "Gần 20% DN có dưới 5 lao động (tức DN nhỏ) phải "đút lót" cho các hợp đồng với cơ quan Nhà nước. DN có số lao động hơn chút, 9-49 lao động thì tỉ lệ này tăng lên 37%, gần gấp đôi so với DN quy mô nhỏ, song tỉ lệ này lại tăng đột biến đối với DN có đến 99 lao động, tức 47%" - Báo cáo PCI cho biết.
Có "bôi trơn" mới có ưu ái
Ông Trần Hữu Huỳnh - Chủ tịch Trung tâm trọng tài Quốc tế VN - nguyên Trưởng ban pháp chế VCCI cho biết: "Kết quả nghiên cứu này khá phù hợp với thực tế VN. Bởi lẽ, những DN cực lớn có mối liên hệ mật thiết với lãnh đạo địa phương nên không phải "đút lót" nhiều, còn những DN lớn vừa hoặc nhỏ thì phải trả chi phí không chính thức nhiều mới có được những ưu ái trong làm ăn". Một kết quả cũng khá thú vị, đó là những DN có mối liên hệ mật thiết với các cơ quan Chính phủ thường có hành vi hối lộ cao hơn so với những DN khác; thậm chí cao hơn cả những DN lâu năm.
Rõ ràng, thời buổi kinh tế khó khăn thì tham nhũng, hối lộ, đút lót lại càng tăng. Nếu năm 2011, tỉ lệ DN phải hối lộ chỉ là 23% thì năm 2012, tỉ lệ này đã tăng lên 41%. DN quy mô vừa lại phải đút lót nhiều nhất. Những DN có tình hình tăng trưởng tích cực lại có xu hướng đưa hối lộ nhiều hơn, nghĩa là những DN thực hiện hoạt động này có khả năng phát triển cao hơn trong khó khăn. Tỉ lệ tham nhũng có xu hướng gia tăng khi chủ DN có mối quan hệ với cán bộ chính quyền.
Mai Nguyễn