Kêu đủ đường
Doanh nghiệp sản xuất TACN trong nước chủ yếu phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. |
Ngay trong cuộc họp thường niên đầu năm của Hiệp hội TACN, các DN trong nước đã đồng loạt kêu, than về thực trạng sản xuất khó khăn của mình. Ông Đoàn Trọng Lý - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi chế biến và xuất nhập khẩu Aprocimex nói: “Năm 2012 vừa qua là cả 1 năm cực kỳ khốn đốn, chỉ có những DN nào vừa sản xuất TACN vừa chăn nuôi mới thấy hết được những khó khăn. Chúng ta hoàn toàn thụ động cả về nguyên liệu lẫn đầu ra, trong khi quy hoạch của ngành chăn nuôi và ngành sản xuất TACN cũng chưa có...”.
Cũng như ông Lý, nhiều DN khác cũng than, trong suốt thời gian dài từ tháng 1 tới tháng 11.2012, giá thực phẩm luôn ở mức thấp khiến cho ngành chăn nuôi bị điêu đứng. “Việc giá TACN ở nước ta cao là do nhập nguyên liệu đầu vào phải chi phí ở nhiều khâu như kiểm dịch, hải quan, cửa khẩu, bến cảng... Thử hỏi có nước nào nhũng nhiều đến như thế? - đại diện một DN TACN bức xúc.
Ông Vũ Công Trìu - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sản xuất và thương mại Hoàn Dương cũng than: Ngành sản xuất TACN cũng muốn... hạ giá để “hỗ trợ” cho người chăn nuôi, nhưng hiện các DN sản xuất TACN cũng chưa được hưởng hỗ trợ lãi suất. Mức lãi suất vay được bình quân vẫn khoảng 15%, thấp nhất cũng ở mức 10%, mà muốn vay để mở rộng sản xuất cũng không phải đơn giản, từ đó dẫn tới giá TACN tăng cao”.
Tại doanh nghiệp ngoại?
Theo Hiệp hội TACN Việt Nam cho biết, năm 2012 cả nước có 234 DN TACN, trong đó có 40 DN (chủ yếu là của người Việt Nam) không sản xuất do gặp khó khăn. Trong số các DN còn hoạt động có 132 nhà máy (chiếm 67%) chỉ đạt sản lượng từ 10.000 - 50.000 tấn/năm.
Một trong những yếu tố khiến các DN sản xuất TACN trong nước khốn đốn như trên, theo nhiều DN là do họ phải cạnh tranh không cân sức với các DN ngoại. Ông Đoàn Trọng Lý cho biết: “Hiện lãi suất của các DN ở Thái Lan vay chỉ ở mức 3%, Trung Quốc 5%, Mỹ 0,5%... với mức đó, các DN nước ngoài chỉ đưa tiền vào Việt Nam, không cần làm đã ăn lãi gần 10%. Trong khi, DN của Việt Nam chủ yếu là DN vừa và nhỏ lại thiếu vốn, muốn cạnh tranh với các DN FDI chẳng khác nào đem trứng chọi đá”.
Tuy nhiên, đứng ở góc độ khác, ông Lê Bá Lịch - Chủ tịch Hiệp hội TACN cho rằng, năm 2012, sản lượng thức ăn chế biến công nghiệp cho gia súc, gia cầm đạt hơn 12,7 triệu tấn và 2,8 triệu tấn thức ăn cho nuôi trồng thủy sản. Trong đó, các DN sản xuất TACN trong nước đã phải nhập khẩu tới 8 triệu tấn nguyên liệu từ 63 nước và vùng lãnh thổ với giá trị trên 3 tỷ USD để về chế biến. “Nhìn vào số liệu trên, có thể thấy việc sản xuất TACN của chúng ta hiện nay đang rất bị động khi chủ yếu phụ thuộc vào nguyền nguyên liệu nhập khẩu” - ông Lịch nói.
Cũng theo số liệu của Hiệp hội TACN, hiện ngành sản xuất TACN ở nước ta đang bị "điều phối" bởi các DN có vốn đầu tư nước ngoài như C.P Group (Thái Lan), Cargill (Mỹ)... Chỉ tính riêng 15 DN có vốn đầu tư nước ngoài và liên doanh đã sở hữu 44 nhà máy, sản xuất hơn 7,1 triệu tấn thức ăn hỗn hợp quy đổi, chiếm 56,3% thị phần cả nước. Trong đó, các nhà máy đạt sản lượng cao nhất là trên trên 800.000 tấn/năm đều thuộc sở hữu của Tập đoàn CP. Group, Cargill...
Tuy vậy, theo phân tích của nhiều chuyên gia, việc các DN sản xuất TACN trong nước cứ mỗi khi khó khăn lại đổ cho DN ngoại là không thỏa đáng. Lý do, các DN trong nước lâu nay vẫn sản xuất, kinh doanh theo kiểu “ăn sẵn”, không chịu đầu tư vào thiết bị máy móc, nhà xưởng; không chịu đầu tư xây dựng các vùng nguyên liệu, sản xuất hoàn toàn phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu. “Trong khi đó, các DN nước ngoài họ đầu tư rất bài bản, có máy móc nhà xưởng hiện đại, nên việc các DN sản xuất TACN trong nước ngày càng lép vế là điều hoàn toàn dễ hiểu” - một chuyên gia trong ngành TACN phân tích.
Hiện nay, có một thực tế là tăng trưởng của các DN TACN trong nước rất chậm so với các DN có vốn đầu tư FDI. Trong khi, chất lượng TACN cũng còn nhiều vấn đề, có nhiều nguyên liệu nhập về với quy định chỉ tiêu phốt pho đạt 17% nhưng qua kiểm tra lại chỉ có 0%, tức là không có giá trị. Thậm chí, nhiều lô hàng hết hạn, hàng không nằm trong danh mục được nhập khẩu vẫn được các DN nhập vào Việt Nam. Để đạt được sản lượng 27 triệu tấn TACN vào năm 2020, cần đẩy nhanh thị phần DN nhỏ, DN trong nước. Muốn vậy cần phải hạn chế nhập khẩu nguyên liệu. Chúng tôi cũng sẽ kiến nghị bỏ thuế VAT vì hiện tại chủ yếu là người dân phải chịu mức thuế này, đồng thời đề xuất thành lập Quỹ Bình ổn giá TACN.
Thanh Xuân (ghi)
Ông Lê Bá Lịch - Chủ tịch Hiệp hội TACN Việt Nam: Phải đẩy mạnh phát triển nguyên liệu
Hiện nay chúng ta thường xuyên phải hỗ trợ tạm trữ lúa gạo nhưng giá gạo xuất khẩu vẫn rất thấp khiến người nông dân có lãi cũng không đáng kể, thậm chí có thời điểm còn chưa có lãi, nhưng lại phải đi nhập số lượng lớn nguyên liệu TACN. Do đó, chúng tôi kiến nghị cần phải quy hoạch lại sản xuất, chuyển đổi một phần diện tích cấy lúa sang trồng ngô, đậu tương, mì... Mặt khác, cần sớm áp dụng cây trồng biến đổi gen để tăng sản lượng nguyên liệu TACN.
Phi Long (ghi)
Thanh Xuân