Trưởng đoàn thanh sát viên của IAEA đã thừa nhận rằng các cuộc đàm phán giữa IAEA và Tehran đã kết thúc ngày 15.5 mà không đạt được thỏa thuận nào. Ông Herman Nackaerts cho biết, IAEA không thể hoàn thành văn kiện đã được thảo luận suốt hơn 1 năm qua, bởi Iran đưa ra quá ít song lại đòi hỏi quá nhiều.
Trong khi đó, đại diện của Iran tại IAEA, ông Ali Asghar Soltanieh, tỏ ra lạc quan hơn khi nói rằng cuộc gặp tiếp theo sẽ hoàn tất được thỏa thuận. Tuy nhiên, cho đến nay chưa bên nào chắc chắn được cuộc gặp tiếp theo sẽ diễn ra vào thời gian nào.
Đại diện của IAEA và Iran thông báo về sự thất bại của vòng đàm phán ngày 15.5. |
Kể từ khi báo cáo chính của IAEA được công bố vào tháng 11.2011, đã có 9 vòng đàm phán diễn ra về vấn đề hạt nhân Iran. Tuy nhiên, tất cả đều thất bại và rơi vào bế tắc cho dù giới chức Mỹ đã cảnh báo rằng Washington đã gần cạn sự kiên nhẫn đối với Tehran.
Sự thất bại của vòng đàm phán này không gây nhiều ngạc nhiên đối với giới phân tích, bởi trước đó nhiều dự đoán cũng cho rằng, sẽ không có đột phá nào về vấn đề hạt nhân Iran ở thời điểm này. Tuy nhiên, theo giới phân tích, sự bế tắc về hạt nhân Iran lại có thể là lý do để đẩy đến việc Mỹ hoặc các đồng minh của Mỹ chủ động hơn trong việc tấn công Iran.
Tổng thống Mỹ Obama từng nói, kế hoạch quân sự nhằm vào Iran đã sẵn sàng trên bàn làm việc của ông, chỉ còn phụ thuộc vào tình huống. Trong khi đó, Israel thời gian gần đây liên tiếp ám chỉ đến việc tấn công quân sự nhằm vào Tehran. Tuy nhiên, giới phân tích nhận định, nếu tấn công Iran, Israel cũng sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thậm chí là thiệt hại nặng nề, cho dù có thể chiến thắng.
Theo nhận định trên trang mạng Oil Price, nếu Israel tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran tại Bushehr, Natanz, Arak và Isfahan để ngăn các nỗ lực tìm kiếm vũ khí hạt nhân của Tehran, và nếu bụi phóng xạ nguyên tử gặp những điều kiện thời tiết phổ biến tại vùng Vịnh, nhiều khả năng gần như toàn bộ khu vực sẽ trở thành khu vực chết trong nhiều thập kỷ tới.
Thảm họa này có thể không giới hạn trong khu vực, mà tùy thời tiết, bụi phóng xạ còn có thể lan tới Israel và có thể cả Thổ Nhĩ Kỳ. Mức độ hậu quả chủ yếu phụ thuộc vào các điều kiện thời tiết vào thời điểm diễn ra các cuộc tấn công.
Một kịch bản xấu có thể được tưởng tượng là mức độ thiệt hại cao gấp 10 lần sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima tại Nhật Bản sau thảm họa động đất và sóng thần tháng 3.2011, và cao hơn nhiều so với sự cố hạt nhân Chernobyl tại Ukraine, với số người chết vì ung thư đã vượt quá 1 triệu người.
Hạ Anh (tổng hợp)