Dân Việt

Bình Phước: Sống chung với... rác

16/12/2010 08:09 GMT+7
(Dân Việt) - Hiện nay, rất nhiều khu dân cư ở các huyện, thị trong tỉnh Bình Phước xả trực tiếp rác thải ra môi trường. Toàn bộ rác thải y tế, sinh hoạt của người dân ở thị trấn Đức Phong, huyện Bù Đăng và các xã vùng phụ cận đều được tập kết về bãi rác nằm trên ngọn đồi cao, thuộc xã Thọ Sơn.
 img
Người dân vẫn vô tư sống chung với rác.

Theo ước tính của người dân địa phương, mỗi ngày bãi rác này tiếp nhận không dưới 15 tấn rác thải các loại. Bãi rác cứ ngày một phình to, bốc mùi nồng nặc, gây ô nhiễm không khí và môi trường ngày một nặng hơn. “Người dân ai cũng bức xúc nhưng nói hoài không được, nhất là những hộ dân sống gần đây”- anh Vũ Văn Toàn, ngụ ở xã Thọ Sơn, nói.

Ở huyện Đồng Phú, rác thu gom từ nhiều xã về được đổ lộ thiên ngay trên đoạn đường cấp phối dẫn vào một khu dân cư, cách trụ sở UBND xã Tân Hưng không xa. Ở bãi rác này, hầu như loại rác gì cũng có, kể cả rác thải y tế.

Ngay khu vực chợ trung tâm, thuộc thị trấn Tân Phú (Đồng Phú) những bãi rác tự phát có mặt khắp nơi. Cách đó không xa, nghĩa trang xã Tân Tiến (Đồng Phú) đoạn nằm ngay trên tỉnh lộ 741, tưởng chừng bất khả xâm phạm, vậy mà từ nhiều năm nay cũng đã bị biến thành bãi tập kết rác bất đắc dĩ. Hành vi thiếu ý thức, kém văn hóa này gây rất nhiều bức xúc cho người dân địa phương, nhưng đến nay vẫn còn tiếp diễn.

Theo thống kê sơ bộ, hiện nay bình quân một ngày, mỗi huyện, thị xã thải trực tiếp ra môi trường 35 - 40 tấn rác. Tính chung cả 10 huyện, thị sẽ là khoảng 350-400 tấn rác thải thẳng ra môi trường. Đây quả là một hậu họa về môi trường mà cộng đồng dân cư trong tỉnh tự gây ra cho chính mình.

Tại ấp 1, xã Tiến Hưng, thị xã Đồng Xoài, một nhà máy xử lý rác thải có công suất 100 tấn/ngày của Công ty Công trình công nghệ môi trường Bình Phước, đã đi vào hoạt động từ hơn 1 năm nay nhưng mới chỉ hoạt động chưa đến 50% công suất. Bởi lẽ, rác thải trong tỉnh thì thừa để cung cấp cho nhà máy, nhưng chi phí vận chuyển đến nhà máy để xử lý là 120 nghìn đồng/tấn rác, các huyện, thị kêu… không đủ kinh phí!